Kim chỉ nam cho các địa phương là tập trung đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, đậm đà bản sắc; dịch vụ chất lượng dựa trên các tiềm năng, thế mạnh riêng có nếu muốn thực sự bứt phá.
Mặc dù tình hình bão lũ đang khiến hoạt động du lịch ở một số địa phương bị ảnh hưởng và cần thời gian khắc phục, song đánh giá về tổng thể lãnh đạo ngành cho rằng có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực cho kinh tế không khói nước nhà trong ba tháng cuối năm.
Đặc biệt, vào mùa cao điểm khách quốc tế đã cận kề, ngành du lịch cũng như địa phương được coi là “đầu tàu” đã có kế hoạch bứt phá cho chặng đường cuối năm tăng tốc, về đích vượt mục tiêu.
Thời gian qua, đặc biệt sau Covid-19, du lịch Việt đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ cũng như sự tham gia đồng hành của các bộ, ngành liên quan, nhờ đó toàn ngành đã dần khởi sắc trở lại. Đáng chú ý là những điểm nghẽn, vướng mắc đang dần được tháo gỡ nhằm giúp cho du lịch Việt đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển.
Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất trong quá trình đồng hành này là Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp; địa phương đầu tư xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu du khách; một số chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đi lại, đặc biệt là chính sách thị thực, các điều kiện về thời gian lưu trú được cải thiện…
Chính vì thế, trong 8 tháng qua, du lịch đã thu hút trên 11,4 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt 586,1 nghìn tỷ đồng. Những con số này đã vượt qua cùng kỳ năm 2019. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.
Cục trưởng Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh nhận định: “Những điều kiện này vô cùng quan trọng để ngành du lịch chuẩn bị bước vào giai đoạn mới, tăng tốc lấy lại đà tăng trưởng như trước Covid-19 nhằm đạt được mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai”.
Theo ông Khánh, mặc dù đang là mùa thấp điểm của du lịch quốc tế nhưng du lịch Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng về dòng khách ngoại, trung bình tăng 1,4-1,5 triệu lượt khách/tháng. Chuẩn bị bước vào mùa cao điểm khách quốc tế (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau), chúng ta hoàn toàn có cơ sở về một kết quả tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam đạt mục tiêu 18 triệu khách ngoại, khoảng 110 triệu khách nội địa, tổng thu 680 nghìn tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng này, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết Cục Du lịch quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao chủ trì nghiên cứu, tham mưu và định hướng việc tạo ra các sản phẩm dịch vụ cũng như có những phương thức xúc tiến quảng bá, tăng cường công tác quản lý điểm đến.
Định hướng về phát triển sản phẩm thị trường, trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định rõ các thị trường, các vùng, địa phương. Đặc biệt, vừa qua quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 cũng đã xác định rõ, kim chỉ nam cho các địa phương là tập trung đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, dịch vụ chất lượng cao dựa trên các tiềm năng, lợi thế và thế mạnh của mình.
Về công tác xúc tiến quảng bá, Cục trưởng cho biết: “Cục Du lịch quốc gia đã có định hướng hàng năm. Bên cạnh các chương trình xúc tiến quảng bá của từng địa phương, chúng tôi cũng thông báo rộng rãi tới các địa phương cũng như các doanh nghiệp để cùng tham gia phối hợp đồng hành với cục trong các hoạt động, chương trình quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam tại các hội chợ quốc tế, roadshow ở trong nước và nước ngoài…”
Bên cạnh đó, cục cũng tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp ban hành một số văn bản đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các địa phương tăng cường công tác điểm đến, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ để không xảy ra sự cố đáng tiếc.
“Cục cũng phối hợp với thanh tra bộ và các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra, trên cơ sở đó chấn chỉnh kịp thời để các hoạt động du lịch lành mạnh, bảo đảm chất lượng, cùng chờ đón một mùa du lịch thắng lợi trong thời gian tới”, Cục trưởng nhấn mạnh.
Là địa phương luôn đi đầu trong các hoạt động du lịch cả nước, Đà Nẵng đã và đang trở thành hình mẫu và “đầu tàu” của ngành công nghiệp không khói nước nhà. Những kinh nghiệm của địa phương này được lan tỏa sẽ góp phần dẫn dắt cho các điểm đến học tập và phát huy thế mạnh riêng có.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng cho biết đến thời điểm này Đà Nẵng đã đón 7,8 triệu khách cả quốc tế và nội địa, trong đó khách quốc tế đã đón khoảng 2,8 triệu khách; doanh thu ước khoảng 23.355 tỷ đồng. Trong khi cao điểm nhất 2019 Đà Nẵng mới phục vụ khoảng 8,7 triệu khách.
Năm nay, Đà Nẵng dự kiến đón 9,8 triệu khách, với lượng khách quốc tế đạt khoảng hơn 4 triệu người. Lãnh đạo ngành địa phương đặt nhiều kỳ vọng vào các thị trường khách lớn truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, các thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Âu sẽ quay trở lại và đều có sự tăng trưởng hơn cùng kỳ…
“Với hệ sinh thái sản phẩm luôn được làm mới, nhiều sự kiện; hệ thống dịch vụ phong phú, cao cấp, toàn diện, đảm bảo hầu hết yêu cầu của khách thì chúng tôi hy vọng 3 tháng cuối năm 2024 và sang 2025 Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển bền vững cả nguồn khách trong nước và quốc tế. Trong đó, sẽ phát triển đa dạng dòng khách quốc tế, bền vững hơn về cơ cấu khách, phát triển theo chiều sâu các loại hình du lịch, khai thác thêm những sản phẩm mới của Đà Nẵng”, ông Cao Trí Dũng cho hay.
Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng luôn đồng hành cùng các cơ quan nhà nước để triển khai hàng loạt các chương trình, chính sách phát triển sản phẩm mới cũng như kích cầu và đầu tư chiều sâu cho hoạt động xúc tiến vào các thị trường lớn, thị trường trọng điểm và thị trường lâu dài.
Theo ông Dũng, trong 3 tháng còn lại năm nay, địa phương này sẽ có những chương trình xúc tiến rất sâu vào các thị trường có khả năng phục hồi nhanh như Malaysia, Indonesia, Phillipines. “Chúng tôi sẽ tổ chức Ngày hội du lịch thành phố Đà Nẵng từ ngày 17-20/10. Đây là sự kiện kết nối khoảng hơn 200 đối tác lữ hành trong và ngoài nước cũng như hơn 500 đội ngũ dịch vụ cả nước về với Đà Nẵng”, ông Dũng chia sẻ.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng thường xuyên xúc tiến quảng bá sâu trên các nền tảng nhắm đến hệ thống khách hàng trực tiếp. Khi khách đã thay đổi cơ bản xu hướng, chuyển sang tự tìm hiểu, tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ trực tiếp ở điểm đến thì Đà Nẵng bắt nhịp rất nhanh trong việc thay đổi hình thức tiếp cận khách hàng.
“Từ việc tiếp cận khách qua hệ thống trung gian, vẫn duy trì theo hình thức chuyên sâu nhưng giờ đây chúng tôi mở rộng thêm hình thức xúc tiến thẳng đến khách hàng cuối cùng. Với sự thuận tiện của thông tin điểm đến cũng như sự hấp dẫn, tính cạnh tranh cao trong tìm kiếm thông tin và triển khai đặt dịch vụ trực tiếp, chúng tôi tin rằng khách sẽ luôn trở lại Đà Nẵng”, ông Cao Trí Dũng bày tỏ.
HQ (theo VietnamPlus)