Phải nhanh chóng đưa vào thực hiện Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, có cơ chế áp dụng ngay.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh tư liệu: Dương Giang/TTXVN
Đây là quan điểm được đại biểu đưa ra tại Hội thảo góp ý vào dự thảo các nghị định quy định về chính sách tinh giản biên chế; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách, do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 24.3.
Chính sách “mạnh tay”
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, ba nghị định này liên quan đến việc tạo điều kiện cho sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tới đây. Nếu triển khai các nội dung này không đồng bộ, việc tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách, quy định cụ thể cho việc thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị cũng như Kết luận 48 của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; sắp xếp các tổ chức hành chính, các đơn vị sự nghiệp sẽ gặp khó khăn và nhiều vướng mắc.
Năm 2023, 2024 là thời điểm tập trung cao nhất để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, vì vậy đòi hỏi phải triển khai khối lượng công việc này hết sức khẩn trương, quyết liệt. Mặc khác phải chuẩn bị đủ các cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng cho biết, Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là một nội dung đột phá. Theo đó, sẽ tăng thêm biên chế đối với cấp xã nên phải báo cáo Bộ Chính trị để bổ sung số biên chế này.
“Có những cái chúng ta phải có tư duy ngược lại một chút và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Bộ trưởng lưu ý, việc xây dựng ba nghị định này là vừa quán triệt, vừa thể chế hóa các nghị quyết của Đảng cũng như các luật có liên quan. Dự kiến cuối năm 2024, năm 2025 sẽ sửa Luật Cán bộ, công chức. Khi sửa Luật, sẽ thực hiện luôn việc liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh. Do đó, việc xây dựng Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố là một bước chuẩn bị trước để đặt tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức cấp xã.
Chúng ta đang thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế theo chủ trương Nghị quyết 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời với việc thực hiện chính sách về việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính. Nghị định quy định về chính sách tinh giản biên chế phải tích hợp một số nghị định liên quan đến chính sách tinh giản biên chế. Đây là chính sách Trung ương ban hành, căn cứ vào điều kiện thực tế, địa phương có thể bổ sung thêm chính sách để thực hiện việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đề cập đến chế độ trợ cấp cho số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư này, Bộ trưởng cho biết dự thảo nghị định đưa ra “chính sách khá mạnh tay” để có thể thực hiện được ngay việc sắp xếp. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách giải quyết cán bộ, công chức dôi dư, tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại và hướng tới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện.
Về dự thảo nghị định khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, nhận định đây là một nghị định rất khó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, nghị định mang tính chính trị rất cao. Trong bối cảnh chúng ta đang tích cực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, một bộ phận cán bộ có tư tưởng chần chừ, giữ an toàn, sợ sai. Cần có những cơ chế, chính sách để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, theo tinh thần và tư tưởng của Bác Hồ, những gì có lợi cho dân thì quyết tâm làm, những gì có hại cho dân thì phải ra sức tránh.
Nhắc lại tầm quan trọng và cấp bách của ba nghị định này, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, sau hội thảo sẽ thực hiện các trình tự, thủ tục để khẩn trương ban hành nghị định, đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ chính trị liên quan.
Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo phải từ cán bộ, công chức, viên chức chứ không phải chỉ đội ngũ lãnh đạo, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Lê Minh Đạo tán thành với phương án đối tượng áp dụng trong dự thảo Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.
Khoản 2, Điều 2 và Khoản 3, Điều 3 dự thảo Nghị định quy định về đổi mới sáng tạo trong bảo vệ các trường hợp đã có ý tưởng, cách làm mới, mạnh dạn đột phá, tháo gỡ những vấn đề có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn. Nội dung này nếu thực hiện được rất thuận lợi trong việc giải quyết những khó khăn phát sinh tại địa phương.
Tuy nhiên, ông Đạo cho rằng, nếu quy định rộng quá dễ dẫn đến lạm dụng, nên quy định, đối với những nội dung đã có quy định nhưng còn chồng chéo giữa văn bản này với văn bản kia, hay những nội dung chưa có quy định thì đổi mới sáng tạo. Còn những nội dung đã có quy định và không chồng chéo thì dù có đổi mới sáng tạo cũng phải thượng tôn pháp luật.
Còn theo Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Ninh Nguyễn Trọng Tân, Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung phải nhanh chóng đưa vào thực hiện. Thậm chí đề nghị có hồi tố.
Phân tích trong thực tế có việc sở vướng mắc, huyện vướng mắc xin ý kiến UBND, “ các đồng chí cho một câu: đồng ý với chủ trương, nhưng lúc sai lại truy ông đề xuất”, Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Ninh thẳng thắn “tôi nghĩ không được như thế. Cấp trên cho làm rồi người ta mới dám làm, thế nhưng khi có việc gì sai trái lại truy cán bộ tham mưu. Đây là chuyện có thật, Bắc Ninh đang có chuyện như thế. Cuối cùng lãnh đạo không sao cả, toàn các cán bộ tham mưu bị xử lý”.
Ông Nguyễn Trọng Tân cho rằng, cơ quan nào là cấp trên đồng ý, cơ quan đó cũng phải chịu trách nhiệm. Cấp dưới liên đới chỉ ở mức độ nào đó. Đó là những nội dung cần đưa vào để khuyến khích cán bộ cấp dưới tham mưu. Phải có cán bộ, nhân viên, tham mưu, mới khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm…
Cân nhắc thêm về đối tượng tinh giản biên chế
Liên quan đến Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết, dự thảo lần này cơ bản giải quyết được khó khăn của địa phương. Ví dụ như việc quy định tăng mức khoán quỹ phụ cấp từ 3,0 - 5,0 lần mức lương cơ sở đối với mỗi loại thôn, tổ dân phố hiện nay lên mức 4,5 - 6,0 lần mức lương cơ sở… cơ bản đã giải quyết những kiến nghị lâu nay từ các thôn, tổ dân phố.
“Nội dung này, Hà Tĩnh có làm hơi sai tí so với Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố). Chúng tôi không quy định hai mức mà quy định thành ba mức”, ông thành thật.
Đề cập đến vấn đề tinh giản biên chế, vị Giám đốc này cho hay, để khuyến khích tinh giản biên chế ở một số trường hợp là phải 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy, tập thể cũng không hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, một số trường hợp muốn tinh giản biên chế nhưng sợ ảnh hưởng đến tập thể.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, nội dung này cần cân nhắc thêm để vừa đảm bảo được đối tượng tinh giản mà không ảnh hưởng đến hoàn thành nhiệm vụ của tập thể.
Theo TTXVN