Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố báo cáo so sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn của từng địa phương.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021
Theo đó, tiếng Anh và lịch sử là hai môn thi có điểm trung bình thấp so với các môn thi khác. Nhưng khi đối chiếu với kết quả học bạ lớp 12 lại có độ chênh nhiều hơn so với các môn khác.
Chênh lệch hơn 3 điểm
Môn lịch sử có điểm thi trung bình 4,917, thấp nhất trong các môn thi nhưng điểm trung bình học bạ là 7,625 (vênh gần 2,7 điểm).
Trong đó, có những địa phương vênh hơn 3 điểm. Cụ thể, Hà Nội là địa phương vênh nhiều với 3,376 điểm. Có một điểm đáng chú ý là hai nhóm vênh nhiều ở môn này. Đó là nhóm các tỉnh thành có truyền thống giáo dục, điều kiện thuận lợi như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng đều trên 3 điểm; Nam Định, Hà Nam, TP Hồ Chí Minh trên 2 điểm.
Nhóm khác là các tỉnh miền Tây Nam Bộ, miền núi phía Bắc được đánh giá là điều kiện giáo dục khó khăn hơn như Long An, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh với 3 và trên 3 điểm. Cà Mau, Vĩnh Long, Điện Biên, Bắc Kạn với trên 2 điểm.
Trừ môn giáo dục công dân, hầu hết các môn cũng có độ vênh khi điểm thi thấp hơn điểm học bạ. Độ vênh cũng nổi trội ở hai nhóm. Nhóm các địa phương có truyền thống giáo dục, trong tốp đầu tỉ lệ tốt nghiệp hằng năm và nhóm các tỉnh khó khăn. Văn và toán là hai môn có độ vênh vừa phải, trên dưới 1,0 và không bị đột biến ở một số địa phương.
Nhưng môn tiếng Anh, sinh học ở nhiều tỉnh có độ vênh cao. Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang là những tỉnh miền Tây Nam Bộ có độ vênh môn tiếng Anh khá cao so với mặt bằng chung. Trong khi đó Hà Nội, Hải Phòng... là những nơi có điều kiện dạy học tốt mà độ vênh cũng đáng kể.
Với phổ điểm tiếng Anh hai đỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho rằng thể hiện rõ chất lượng dạy học ở hai khu vực khó khăn và thuận lợi, nhưng nhìn ở kết quả đối sánh đây cũng là hai nhóm có độ vênh nổi trội.
Học sinh không đầu tư môn lịch sử
Về bảng so sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT và trung bình điểm học bạ lớp 12 do Bộ GDĐT công bố, một cán bộ Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh thừa nhận đây đó có tình trạng giáo viên thương học trò nên chấm điểm "nới tay" trong quá trình học.
Tuy nhiên, vị cán bộ trên lại cho rằng việc so sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn của từng địa phương là không phù hợp.
"Trung bình điểm học bạ lớp 12 là điểm trung bình của các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ trong suốt năm học lớp 12 của học sinh. Đề kiểm tra thường xuyên và định kỳ đều gói gọn trong một giai đoạn học tập ngắn.
Chẳng hạn đề kiểm tra giữa học kỳ 1 sẽ chỉ hỏi về kiến thức, kỹ năng mà học sinh đã học từ đầu học kỳ 1 đến giữa học kỳ 1. Do đó, ma trận đề rất khác với ma trận đề thi tốt nghiệp THPT là yêu cầu thí sinh phải nắm được kiến thức trong suốt năm học lớp 12, thậm chí cả lớp 10, 11. Vì vậy, việc so sánh như trên là khập khiễng".
Về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử của học sinh TP Hồ Chí Minh thấp hơn trung bình điểm học bạ lớp 12 đến 2,86 điểm, vị cán bộ này lý giải: "Ở TP Hồ Chí Minh rất ít học sinh chọn lịch sử để thi lấy điểm xét tuyển vào đại học. Vậy nhưng các em vẫn phải thi sử vì nó nằm trong tổ hợp khoa học xã hội.
Thế nên các em không đầu tư thời gian, công sức để học và ôn thi Sử. Nhiều em cho biết chỉ cần môn sử 2 điểm - không bị điểm liệt - để xét tốt nghiệp THPT.
Đó là chưa kể số thí sinh chọn thi tổ hợp khoa học xã hội rất thấp, chưa đến 50% số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 ở TP Hồ Chí Minh. Cụ thể năm nay TP Hồ Chí Minh có 85.049 bài thi văn, 85.956 bài thi toán, 51.250 bài thi khoa học tự nhiên nhưng chỉ có 34.564 bài thi khoa học xã hội.
Như vậy, chỉ chưa đến 50% số thí sinh dự thi môn sử thì không thể đánh đồng đó là tất cả học sinh TP Hồ Chí Minh".
Nhìn tổng quan chất lượng giáo dục mỗi vùng miền
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, cho rằng mục đích chính của việc đối sánh là để Bộ GDĐT và các Sở GDĐT, từng trường có cơ sở phân tích những nguyên nhân dẫn tới chênh lệch, từ đó điều chỉnh cách dạy học và kiểm tra, đánh giá bảo đảm sát với năng lực của học sinh.
Việc đối sánh kết quả học bạ và điểm thi cũng là những kênh khác nhau để có cái nhìn tổng quan hơn về chất lượng giáo dục ở mỗi vùng miền.
"Mấy năm trước điểm lịch sử của kỳ thi đều ở mức thấp nhất trong số các môn thi và dư luận đã đặt vấn đề về chất lượng dạy học môn lịch sử ở trường phổ thông. Bộ GDĐT cũng có nhiều giải pháp để khắc phục.
Năm trước, Bộ GDĐT đã tổ chức một số đợt bồi dưỡng riêng chỉ với giáo viên lịch sử về đổi mới phương pháp, điều chỉnh những hạn chế trong dạy học. Trên thực tế cũng đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên nhận xét độ vênh trong đối sánh môn lịch sử để cho rằng chất lượng dạy học sử thấp nhưng một số địa phương nới lỏng khi cho điểm học bạ thì chưa đúng" - ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, môn lịch sử có ít học sinh chọn để sử dụng kết quả xét tuyển đại học. Trong quá trình học, chất lượng dạy học đã được điều chỉnh và học sinh có kết quả học tập tốt hơn. Nhưng ở giai đoạn ôn thi, nhiều học sinh sẽ không ưu tiên cho ôn lịch sử mà tập trung cho các môn sử dụng để xét tuyển đại học nên kết quả thi thấp nhiều so với điểm học bạ.
"Có nhiều lý do khác nhau để phân tích và có các giải pháp điều chỉnh. Trong đó, chúng tôi quan tâm nhiều đến việc chỉ đạo dạy học và đánh giá học sinh từ các nhà trường phổ thông để có sự nhất quán, chính xác, khách quan hơn" - ông Thành nhấn mạnh.
"Dễ cho đại học xét học bạ" TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học FPT nhận xét năm 2020 một số tỉnh có độ chênh ít hay nhiều thì năm nay cũng không thay đổi nhiều. Điều này rất dễ cho các trường đại học khi xét tuyển bằng học bạ. Điểm chênh lệch này giống như một hệ số điều chỉnh, các trường hoàn toàn có thể dựa vào đó để điều chỉnh cho phù hợp. Tương tự, TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT), cũng cho rằng kết quả đối sánh điểm thi với học bạ lớp 12 của học sinh năm nay có độ chênh lệch tương đối ít, có thể giúp các trường đại học tuyển sinh bằng xét học bạ yên tâm khi sử dụng phương thức này và cân nhắc lựa chọn tiếp phương thức tuyển sinh bằng xét học bạ trong tương lai. |
Theo Tuổi trẻ