Học sinh ở Hải Dương dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chọn 2 môn tự chọn quen thuộc như ngoại ngữ, vật lý hơn là những môn học mới như giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh chỉ còn thi 2 môn bắt buộc toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại, gồm: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Đây là lần đầu tiên học sinh thi theo nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Đề thi cũng thay đổi đáp ứng với mục tiêu đổi mới.
Vì vậy, các trường THPT trong tỉnh đã sớm khảo sát nhu cầu, xu hướng lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của học sinh để chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và ôn tập cho các em.
Trường THPT Kim Thành có 462 học sinh lớp 12. Qua khảo sát, trường có 276 em chọn môn tiếng Anh, 270 em chọn môn vật lý, 159 em chọn hóa học. Môn lịch sử có 66 em, địa lý 29 em, sinh học 21 em. Ngoài ra, có 98 em chọn môn giáo dục kinh tế và pháp luật, chỉ có 1 em chọn môn tin học.
Trường THPT Kinh Môn có 421 học sinh lớp 12. Trong đó có 271 em chọn môn vật lý, tiếng Anh 235 em, hóa học 128 em, lịch sử 90 em, địa lý 73 em, sinh học 6 em. Có 35 em chọn môn giáo dục kinh tế và pháp luật, không có học sinh nào chọn môn tin học và công nghệ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm học 2024-2025, toàn tỉnh có hơn 20.400 học sinh lớp 12. Các em chọn nhiều nhất là môn vật lý với khoảng 8.600 em, tiếp đến là môn tiếng Anh gần 8.200 em. Môn địa lý có khoảng 7.800 em lựa chọn, hóa học gần 5.500 em, khoảng 4.400 em chọn môn lịch sử. Môn sinh học ít nhất, chỉ gần 700 em. Ngoài ra, có gần 5.500 em chọn môn giáo dục kinh tế và pháp luật, khoảng 270 em chọn môn công nghệ, chỉ có 20 em chọn môn tin học.
Một số Hiệu trưởng trường THPT trong tỉnh phân tích, xu hướng học sinh chọn môn tiếng Anh và vật lý nhiều do theo được nhiều khối xét tuyển đại học hơn. Ví dụ, chọn môn vật lý kết hợp cùng môn toán và ngữ văn, học sinh có ít nhất 5 tổ hợp của khối A, 6 tổ hợp ở khối C và một số lựa chọn tổ hợp ở khối B, H, V.
Môn tiếng Anh cũng có tới 8 tổ hợp ở khối D và một số tổ hợp ở khối A, B truyền thống để xét tuyển. Đặc biệt, môn tiếng Anh là môn học có nhiều lựa chọn ở các ngành học của trường đại học.
Phân tích vì sao ít học sinh lựa chọn môn sinh học, một số Hiệu trưởng trường THPT trong tỉnh cho rằng thực tế những năm gần đây số lượng học sinh lựa chọn thi khối B (toán, hóa học, sinh học) ít, chỉ tiêu xét tuyển của các trường đại học cho khối thi này cũng không nhiều, nổi trội chỉ có các trường y, dược nhưng điểm đầu vào đều khá cao. Sinh học là môn khó học, không đa dạng trong tổ hợp các khối xét tuyển.
Nếu học sinh đã chọn tổ hợp khối D để xét tuyển đại học thì sẽ chọn môn giáo dục kinh tế và pháp luật để thi tốt nghiệp. Vì môn này các em dễ đạt điểm cao. Thay vào đó, học sinh sẽ có nhiều thời gian hơn cho môn toán, ngữ văn và tiếng Anh.
Hiện các trường đại học vẫn chưa công bố các tổ hợp xét tuyển, trong khi số môn thi năm 2025 ít hơn những năm trước 2 môn, nên học sinh phải ưu tiên chọn môn học xét được nhiều tổ hợp để bảo đảm an toàn. Vì vậy, các em ít lựa chọn môn thi mới là tin học, công nghệ, mặc dù các môn này rất phù hợp với nền kinh tế hiện đại.
Thầy giáo Nguyễn Thế Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Thành cho biết trường cũng đã thông tin đến học sinh, phụ huynh phương án thi mới và nhấn mạnh, việc lựa chọn môn thi cần căn cứ vào năng lực, sở trường, tránh chọn cảm tính, chạy theo số đông.
Căn cứ vào nhu cầu đăng ký môn thi tốt nghiệp, trường đã xếp các lớp theo khối xét tuyển đại học và xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập cụ thể. Các môn học sinh ít lựa chọn, trường sắp xếp dạy phù hợp để chuẩn bị kiến thức cho các em một cách tốt nhất.
"Các giáo viên đã bám sát cấu trúc đề thi, đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng kế hoạch ôn luyện. Ngoài ra, trường sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, khảo sát học sinh theo lịch chung của tỉnh, trong toàn trường và liên trường. Từ đó, sớm đánh giá được thực trạng chất lượng của từng em trong từng giai đoạn để có kế hoạch bổ trợ kịp thời", thầy Toàn cho biết.
Tương tự, cô giáo Thân Thị Châm, Hiệu trưởng Trường THPT Kinh Môn cho biết trường đã xây dựng kế hoạch giảng dạy linh hoạt với chương trình lớp 12. Chương trình được thiết kế bảo đảm học sinh vừa học theo tiến độ của chương trình mới, vừa có thời gian ôn tập và củng cố kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nhà trường chia các giai đoạn phù hợp với tiến độ học tập nhằm giúp học sinh không bị quá tải và có đủ thời gian hiểu sâu, nắm chắc kiến thức. Đặc biệt, điểm mới năm nay là trường sẽ giao chỉ tiêu đánh giá thi đua cho từng giáo viên đối với mỗi môn thi tốt nghiệp để nâng cao chất lượng thi.
"Trường sẽ chú trọng công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, để thuận lợi cho các trường và học sinh có định hướng rõ ràng trong việc lựa chọn tổ hợp, ngành học, các trường đại học cần có kế hoạch tuyển sinh, thông báo sớm phương thức xét tuyển", cô Châm nói.
THẾ ANH