Đời sống

Sợ bị hỏi bao giờ cưới, nhiều người trẻ ngại về quê

PHƯƠNG LÂM 20/07/2024 16:00

Nhiều người trẻ rời quê đến các thành phố lớn học tập rồi lựa chọn sinh sống và làm việc tại đây. Ở thành phố lớn có nhiều cơ hội phát triển, cũng làm nhiều người kết hôn muộn. Sợ bị hỏi bao giờ cưới mỗi lần về quê, nhiều người rất ngại trở về.

00:00

img_6291.jpg
Nhiều người trẻ hiện nay không còn mặn mà chuyện về quê vì nhiều nguyên nhân (ảnh minh họa)

“Dù ở quê giờ cũng phát triển, có nhiều công việc hơn và mức sống tốt hơn, nhưng với mình thành phố vẫn là nơi phù hợp nhất" , chị T.H., 26 tuổi (quê ở Cẩm Giàng), một nhân viên văn phòng chia sẻ sau 6 tháng sống và làm việc ở quê.

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị H. ở lại Hà Nội và làm trong lĩnh vực truyền thông - marketing hơn 3 năm. Cuối năm 2023, trải qua những gánh nặng về tinh thần và tài chính, chị quyết định rời Thủ đô về quê tìm cơ hội mới, với mong muốn ở gần bố mẹ. Đồng thời, về quê chị không phải thuê trọ sẽ tiết kiệm chi tiêu và tận hưởng nhịp sống chậm rãi sau những năm trải nghiệm sự hối hả của thành phố. Nhưng sau một thời gian, chính cuộc sống ở quê, nơi mà cô gái trẻ từng khao khát chờ mong mỗi cuối tuần hoá ra không "màu hồng" đến vậy.

“Mình về quê làm việc được gần 6 tháng. Đôi khi áp lực trong công việc, cùng những lục đục, bất hoà trong nhà, rồi bố mẹ nhắc chuyện lập gia đình khiến mình stress hơn. Mình trở thành người dễ cáu gắt, làm không khí gia đình thêm căng thẳng", chị H. nói.

Chị cũng chia sẻ thêm, vì làm trong ngành truyền thông - marketing nên ở quê chưa có nhiều cơ hội phát triển bằng thành phố, nên đầu năm nay, chị lại rời quê ra Hà Nội lập nghiệp lần nữa. Tuy nhiên, với chị H. quê hương vẫn là nơi để trở về dịp cuối tuần hay những lúc vui buồn.

quality_restoration_20240716125225959.jpeg
Sau gần 6 tháng về quê, chị H. lại quay trở lại Hà Nội làm việc với cuộc sống của một cô nhân viên văn phòng (ảnh nhân vật cung cấp)

Áp lực chuyện lập gia đình khi về quê không chỉ là nỗi lo với những cô gái như chị H. mà còn là câu chuyện của nhiều chàng trai khác. Làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại TP Hồ Chí Minh, có thu nhập khá nhưng đến nay anh H.Đ. (31 tuổi, quê ở Nam Sách) vẫn chưa trải qua mối tình nào. Vì vậy, mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, về quê không còn là niềm vui mà đã trở thành nỗi ám ảnh của anh. Bắt đầu từ bố mẹ, người thân rồi hàng xóm, láng giềng, đi đến đâu anh cũng nhận được những câu hỏi như: có người yêu chưa, bao giờ lấy vợ, thu nhập được bao nhiêu… Những câu hỏi tương tự như vậy ngày một nhiều khi anh bước qua tuổi 30, khiến mỗi lần về quê, anh không còn muốn gặp gỡ mọi người mà chỉ quanh quẩn trong nhà.

Vài năm trước, anh còn tranh thủ về nhà vào những ngày lễ, Tết, mỗi năm một vài lần. Nhưng năm ngoái, anh chỉ về thăm gia đình vào dịp Tết. Còn năm nay, anh đã dành khoảng thời gian nghỉ lễ để đi du lịch, khám phá mà không về quê.

Theo anh Đ. hôn nhân là chuyện cá nhân của mỗi người, khi nào bản thân thấy phù hợp thì sẽ kết hôn chứ không chỉ vì vài câu “giục cưới".

quality_restoration_20240716132935121.jpeg
Nhiều người như anh Đ. đã lựa chọn đi du lịch, khám phá thay vì về quê vào dịp lễ, Tết (ảnh nhân vật cung cấp)

“Mình về quê 2 tuần mà phát sốt luôn”, đây là chia sẻ của anh H.Q. (27 tuổi, quê ở Thanh Hà) sau 2 tuần nghỉ ngơi tại quê nhà. Làm công việc tự do ở Hàn Quốc nên anh Q. chủ động thời gian của bản thân và thỉnh thoảng về quê thăm bố mẹ. Tuy nhiên, hè năm nay anh ở nhà lâu hơn nên cảm nhận rõ sự khác biệt cuộc sống ở quê. Ở Hàn Quốc, anh sinh sống một mình, hằng ngày đi học và đi làm nên ít tiếp xúc hay “tám chuyện" với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, về quê, anh thấy nhiều người hay ngồi tụ tập hàng xóm, láng giềng giao lưu, chia sẻ nhiều câu chuyện, dẫn tới nhiều tin đồn. Theo anh Q, một số người có xu hướng quan tâm và bàn tán về những điều tiêu cực, bất thường hơn là những điều tích cực và bình thường. Việc đem câu chuyện “làm quà" khiến tin đồn dễ dàng lan truyền trong môi trường thiếu thông tin chính xác. Vì vậy, theo anh, muốn sống yên ổn tốt nhất là lên thành phố, không quen ai, việc ai người đó làm.

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều bạn lựa chọn những thành phố lớn để học tập, sinh sống và làm việc do giao thông, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, giải trí hiện đại, thuận tiện, thích hợp với những người trẻ thích trải nghiệm. Còn ở quê cơ hội kinh doanh hạn chế hơn nên cũng khó để người trẻ lựa chọn công việc đúng sở thích.

“Quê hương là nơi mình sinh ra và lớn lên, mình vẫn sẽ tìm về để nghỉ ngơi và chữa lành. Còn hiện tại mình vẫn lựa chọn thành phố để tìm kiếm cơ hội phát triển", anh Q. bày tỏ quan điểm.

img_4051.jpeg
Quê hương vẫn là cội nguồn, để mọi người tìm về (ảnh minh họa)

Việc thúc giục kết hôn, hỏi han chuyện riêng tư trong mắt người lớn tuổi dường như là quan tâm, nhưng người trẻ lại coi đó là sự can thiệp quá sâu vào đời tư cá nhân và rất dễ gây ra xung đột. Sự kỳ vọng, quan tâm của gia đình quá mức khiến khái niệm “về quê” với người trẻ đã không còn là ấm áp, thay vào đó là áp lực ngày một lớn.

Không có bất cứ yếu tố nào để đánh giá ở quê hay thành phố tốt hơn. Sống ở thành phố hay trở về quê, mỗi người sẽ cân nhắc các yếu tố hoàn cảnh bản thân, gia đình và đặc thù chuyên môn, công việc để đưa ra lựa chọn phù hợp. Nơi nào có sự tôn trọng về cuộc sống cá nhân cũng như công việc của họ, nơi đó sẽ bớt áp lực, đặc biệt đối với người trẻ.

PHƯƠNG LÂM
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sợ bị hỏi bao giờ cưới, nhiều người trẻ ngại về quê
    ss