Gần một năm, trừ lúc đi vệ sinh, còn lại Kelly chỉ ở trong phòng để ngủ, dậy chơi game đến tận nửa đêm và một tuần không tắm là bình thường.
Lần đầu tiên nhìn thấy Kelly năm 2019, nhân viên y tế Mandy Yang nhớ tóc cô bé 15 tuổi dài tới hông vì lâu không cắt.
Vài tháng đầu Kelly nghỉ học, hiệu trưởng tới thăm. Nhưng sau đó, cô đóng kín cửa vì không thể tin tưởng bất kỳ ai ở trường. Kelly cũng xa lánh hai bạn thân thỉnh thoảng đến thăm mình. "Tôi không còn sức để trò chuyện với ai cả. Tôi rất mệt mỏi", cô gái hiện 20 tuổi, kể. Kelly muốn đến trường như người bình thường nhưng lại gần như từ bỏ cuộc sống.
Cô nằm trong số hơn 30 thanh niên sống ẩn dật nhận được sự giúp đỡ từ tổ chức từ thiện Impart, tổ chức giúp đỡ những người trẻ tuổi đối mặt với nghịch cảnh, tính từ năm 2021.
Những người như Kelly được gọi là "hikikomori", một thuật ngữ tiếng Nhật dùng chỉ những thanh niên rút lui khỏi xã hội và tự cô lập ở nhà trong thời gian dài. Khoảng 2% người Nhật, tương đương 1,46 triệu người được xác định là hikikomori.
Ở Hàn Quốc, khoảng 340.000 người trong độ tuổi 19-39 được coi là cô đơn hoặc bị cô lập, theo số liệu của Viện Y tế quốc gia. Chính phủ nước này chính có sách trợ cấp mỗi tháng 650.000 won (11,5 triệu đồng) chi phí sinh hoạt cho người theo đuổi lối sống hikikomori nhằm khuyến khích họ hòa nhập với xã hội.
Họ cũng có thể nộp đơn xin trợ cấp cho các dịch vụ gồm y tế, giáo dục, tư vấn, dịch vụ pháp lý, hoạt động văn hóa và thậm chí cả chỉnh sửa ngoại hình và sẹo.
Không có số liệu thống kê về hiện tượng này ở Singapore, dù xu hướng này gia tăng ổn định ở các nước phát triển, đặc biệt ở châu Á.
Phó giám đốc điều hành Impart, Joshua Tay, cho biết tổ chức của ông đang chứng kiến nhiều trường hợp thanh niên sống ẩn dật hơn, với nhiều lý do bao gồm bắt nạt, xung đột với cha mẹ hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần.
"Mạng xã hội và game có thể là nguyên nhân kích hoạt, nhưng còn nhiều lý do phức tạp khác", ông nói.
Ông Tay cho biết, có những thanh niên không rời khỏi nhà trong ba năm liền, gần như mất khả năng nói chuyện. Nhân viên của Impart buộc phải nhắn tin cho anh này, dù đang ngồi cạnh. "Nhiều thanh niên rơi vào tình trạng khủng hoảng vô vọng", ông nêu thực tế.
Kelly là con một. Năm cấp hai, cô chuyển sang trường khác sau nhiều lần bị bắt nạt. Kelly cũng mâu thuẫn với mẹ, một người phụ nữ nội trợ đã từng bạo hành thể chất con mình. Cha Kelly làm một công việc toàn thời gian mà cô không biết là gì.
Những người bạn thân thiết hơn cả bố mẹ lại quay lưng với Kelly, tẩy chay và nói xấu sau lưng cô. Sự việc tương tự cũng xảy ra ở trường cấp hai, ngay sau khi cô chuyển đến trường khác để có một khởi đầu mới. "Nó khiến tôi nghĩ liệu vấn đề có phải do tôi không?", cô kể.
Cô gái trở nên sợ hãi khi ra nơi đông người, đặc biệt khi nhìn thấy người mặc đồng phục học sinh và đi tàu. "Ngay cả khi mọi người chỉ đang nói chuyện với nhau, tôi cũng cảm giác họ nói về tôi", cô kể. Đến giữa cấp hai, Kelly nghỉ học hoàn toàn.
Những nỗ lực của mẹ không giúp ích được gì. "Mẹ gây áp lực nhiều cho tôi, cứ bảo tôi đi học. Tôi cảm thấy mẹ không quan tâm những gì đang diễn ra ở trường với tôi", người con kể.
Tâm sự nhưng mẹ khiến Kelly cảm giác mình là người gây lỗi. Dần dần, cô con gái không nói chuyện với mẹ nữa mà ẩn náu trong game online. Kết bạn trên game giúp cô cảm thấy an toàn vì có thể chia sẻ bất cứ điều gì mà không sợ phán xét.
Kelly thường dành hàng giờ trong nhà vệ sinh để suy nghĩ về cuộc đời. Khi mẹ đập cửa, cô mở vòi giả vờ đang tắm. Có vài lần Kelly ngủ quên trong nhà vệ sinh. "Tôi nghĩ mình chẳng thể làm được gì", cô nói.
Tháng 1/2021, hai tình nguyện viên Impart gõ cửa nhà Kelly. Ai hỏi gì cô cũng chỉ đáp bằng một từ.
Các tình nguyện viên tới thăm Kelly hai tuần một lần. Sau vài buổi, họ cùng lên kế hoạch ra ngoài. Kelly bước những bước đầu tiên đến một cửa hàng ăn nhanh gần nhà, khoảng tháng 2/2021. Sáu tháng tiếp theo, cô và các tình nguyện viên gặp ăn trưa ở những nơi xa nhà hơn.
Joel cũng ở trong nhà gần một năm rưỡi, kể từ tháng 6/2021. Lúc đó, cậu 15 tuổi và phải học lại cấp 3 do thành tích kém.
Sau 6 tháng chán chơi game, cậu nằm trên giường nửa năm, chỉ ra ngoài lấy đồ ăn đặt trên mạng. Cậu thức từ nửa đêm đến 6h sáng và ngủ suốt thời gian còn lại trong ngày.
"Tôi không có động lực và không biết mình muốn gì. Tôi gần như tê liệt", Joel hiện 18 tuổi, nói. Cậu sống với bà và mẹ vì bố mẹ không ở cùng nhau.
Joel cũng được chương trình quyền anh của Impart hỗ trợ. Sau 3 tháng, chơi đấm bốc, Joel hiểu rõ hơn về bản thân và động lực sống. Sau đó, cậu quay lại trường học tiếp và làm tình nguyện viên cho tổ chức từng giúp đỡ mình.
Cậu hy vọng sẽ được học về an ninh mạng ở trường đại học, có thể tự do tài chính để giúp đỡ những người thân yêu.
Nhìn lại hành trình đi qua, Kelly không thấy thời gian ở nhà lãng phí. Cô vẫn giữ liên lạc với những người bạn nước ngoài gặp trên Game online. Nhờ lấy lại được sự tự tin, cô tìm được công việc quản lý trang web tại một cửa hàng pha lê.
T.H (theo VnExpress)