Y tế - Sức khỏe

Trào lưu "chữa lành" của giới trẻ

MỘC MIÊN 23/05/2024 06:00

“Healing" hay “chữa lành” đang là từ khóa “hot" thời gian gần đây và trở thành trào lưu của giới trẻ. Cứ mỗi khi căng thẳng, áp lực hay mất định hướng, nhiều người trẻ lại loay hoay tìm cách “chữa lành” để cân bằng lại cuộc sống.

img_0074.jpeg
Khi đối mặt với những căng thẳng trong cuộc sống, nhiều người trẻ lại tìm cách chữa lành bản thân (ảnh do nhân vật cung cấp)

Áp lực cuộc sống

Khi mới bắt đầu đi làm, chị Hoàng Thị Hương Lan (22 tuổi, ở huyện Cẩm Giàng) bận rộn trong guồng quay với nhiều hồ sơ, giấy tờ, sổ sách. Mặc dù làm hành chính ở một cơ quan nhà nước nhưng có những ngày chị trở về nhà khi đồng hồ đã hơn 8 giờ tối. Những áp lực công việc khiến chị khép mình lại, không còn vô tư, hồn nhiên như thời sinh viên.

Chị Hương chia sẻ: “Có nhiều cách để cuộc sống trôi qua nhẹ nhàng, bình yên hơn. Ở nhà tôi nuôi mấy con cún, cứ khi nào công việc áp lực quá, tôi lại về chơi đùa, vuốt ve chúng". Ở nhà, chị còn cuốc đất, trồng cây, cắm hoa, tô tượng hay đi dạo ngắm hoàng hôn vào mỗi chiều.

Mỗi năm chị Lan cũng tự thưởng cho bản thân một vài chuyến du lịch cùng gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp. Sau mỗi chuyến đi, được trải nghiệm, khám phá những vùng đất mới, chị nạp được thêm năng lượng, quên đi những chuyện buồn cá nhân. Đến nay, chị đã đặt chân tới rất nhiều vùng đất cả trong và ngoài nước.

img_0075.jpeg
Đi du lịch cùng gia đình cũng là cách chị Lan nạp thêm năng lượng cho bản thân (ảnh do nhân vật cung cấp)

Còn đối với chị Phạm Minh Thu (27 tuổi, ở huyện Gia Lộc), chữa lành đơn giản là về quê vào mỗi dịp cuối tuần, nấu cho bố mẹ những bữa cơm ngon, quây quần, trò chuyện bên gia đình. Bởi làm việc tại một ngân hàng lớn ở Hà Nội từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, cuối tuần lại học cao học nên chị Thu ít khi tự tay nấu cơm hay về thăm gia đình. Vì vậy, những ngày lễ, Tết, thay vì đi du lịch như nhiều bạn bè, chị trở về quê, hít thở không khí trong lành, tránh xa khói bụi thành phố. “Có những thời điểm công việc quá áp lực, tôi đã xin sếp nghỉ phép vài ngày để về nhà với bố mẹ cho thoải mái", chị Thu chia sẻ.

Trải qua một mối quan hệ không như ý, chị Trịnh Thùy Dương (29 tuổi, ở huyện Nam Sách) tìm đến khóa thiền 7 ngày tại chùa Long Hưng (Đông Anh, Hà Nội). Trong vòng 7 ngày, chị tắt điện thoại, rời bỏ mạng xã hội, được hướng dẫn tu tập, hành thiền, tập trung vào hơi thở. 7 ngày trải nghiệm cuộc sống của một thiền sinh từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối, nghe bài giảng từ các thầy giúp chị quên đi những suy nghĩ tiêu cực và áp lực cuộc sống. Sau khóa thiền, chị suy nghĩ tích cực, cởi mở hơn, nhờ vậy chị đã tìm được một nửa hạnh phúc đời mình.

img_0077.jpeg
Chị Dương (hàng trên, ngoài cùng bên trái) tham gia khoá thiền 7 ngày tại chùa Long Hưng (ảnh do nhân vật cung cấp)

Đây là một vài phương pháp "chữa lành" được nhiều người trẻ lựa chọn sau những căng thẳng của cuộc sống. Không ít cách "chữa lành" khác như du lịch trải nghiệm, bỏ phố về rừng, tham gia thể thao, nghe podcast, âm nhạc, phim ảnh, đọc sách… cũng được giới trẻ lựa chọn.

Xoa dịu những tổn thương

Thực tế, “chữa lành" cũng chỉ là cách gọi khác của một hoạt động phục hồi tinh thần, tâm trí sau những tổn thương hay căng thẳng trong cuộc sống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, từ khóa này trở thành xu hướng được nhiều bạn trẻ sử dụng. Cùng với ảnh hưởng của mạng xã hội, giới trẻ tìm đến “chữa lành" như một cách để tự chăm sóc sức khỏe tinh thần và đương đầu với thách thức của cuộc sống hiện đại.

Dạo một vòng các mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok, không khó để bắt gặp cụm từ “chữa lành". Chỉ cần gõ cụm từ này trên Google sẽ cho hơn 62 triệu kết quả trong vòng 0,32 giây. Trên nền tảng TikTok, từ khóa “chualanh”, “healing” lọt tốp 100 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất. Điều đó minh chứng cho độ “hot” trào lưu “chữa lành” của các bạn trẻ thời gian gần đây.

img_0080.jpeg
Rất nhiều video chủ đề chữa lành trên nền tảng TikTok (ảnh chụp màn hình)

Mỗi buổi trải nghiệm công việc tại xưởng nghệ thuật Chạm ở TP Hải Dương của chị Nguyễn Minh Ngọc Linh dịp này thu hút khoảng 30 người tham gia, chủ yếu là người trẻ, đông hơn trước. Dành vài tiếng đồng hồ để tập trung sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật là cách các bạn tự thưởng cho bản thân sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng. Đồng thời, khi tập trung toàn bộ thời gian, tâm trí để vẽ tranh hay móc len, các bạn sẽ bỏ qua những căng thẳng, mệt mỏi ở bên ngoài, giúp đầu óc thư giãn hơn.

img_0076.jpeg
Chị Ngọc Linh đang hướng dẫn vẽ tranh (ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngoài hướng dẫn làm việc tại xưởng nghệ thuật, chị Linh còn đang “chữa lành" tâm lý cho một vài bạn từ 20-30 tuổi. Chị Linh cho biết thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ gặp vấn đề tâm lý tìm đến chị hơn. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những áp lực gia đình, môi trường làm việc, cuộc sống.

Theo chị Vũ Thị Thu Trang, giảng viên tâm lý học Trường Đại học Hải Dương, não bộ của con người không thể chịu được căng thẳng, áp lực trong thời gian dài nên việc các bạn trẻ đi "chữa lành" bằng các sở thích, đam mê cá nhân có lợi là cần thiết để não bộ nghỉ ngơi, ổn định sức khỏe tinh thần.

Là một giảng viên tâm lý, chị Trang cho biết việc giữ được một tinh thần tốt, tâm lý cân bằng, thoải mái là điều quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, chị cũng khuyên các bạn trẻ làm mới, chữa lành bản thân trong phạm vi tài chính của mình, tìm hiểu kỹ các khóa học hoặc điều trị tâm lý trước khi tham gia.

MỘC MIÊN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trào lưu "chữa lành" của giới trẻ
    ss