Siêu bão Beryl đã mạnh lên ở phía Đông vùng Caribe, trở thành cơn bão cấp mạnh nhất trong thang bão Saffir-Simpson, với sức gió lên tới 260 km/h, siêu bão Beryl có thể gây ra thảm họa tại khu vực này.
Trung tâm Bão quốc gia của Mỹ (NHC) cho biết, tối 1/7 (theo giờ địa phương, tức sáng 2/7 theo giờ Việt Nam), siêu bão Beryl đã mạnh lên ở phía Đông vùng Caribe, trở thành cơn bão cấp mạnh nhất trong thang bão Saffir-Simpson gồm 5 cấp.
NHC cảnh báo với sức gió lên tới 260 km/h, siêu bão Beryl có thể gây ra thảm họa tại khu vực này.
Hiện bão Beryl đã đổ vào đảo Carriacou thuộc đảo quốc Grenada ở vùng Caribe. NHC khuyến cáo trong bối cảnh "thành mắt bão cực kỳ nguy hiểm" đang di chuyển trên đảo Carriacou, kèm theo gió giật mạnh, người dân cần trú ở nơi an toàn.
Văn phòng Thủ tướng Grenada Dickon Mitchell đã đăng một video về các đợt sóng lớn, đồng thời cho biết đảo quốc này đang ghi nhận gió lớn và thiệt hại.
Thủ tướng Mitchell hối thúc người dân nhanh chóng tìm nơi trú ẩn, người dân trên đảo Carriacou cần tuân thủ lệnh giới nghiêm của chính quyền từ 19h tối 1/7 cho tới 7h sáng 2/7 (theo giờ địa phương).
Xa hơn về phía Đông Bắc Caribe, nhà chức trách Barbados cho biết đảo quốc này đã hứng chịu mưa to và gió lớn, song có thể đã tránh được thảm họa. Hiện chưa có báo cáo nào về thương vong.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ và Thông tin Barbados Wilfred Abrahams cho biết vẫn đang có gió bão mạnh, đồng thời khuyến cáo người dân tránh ra ngoài cho đến khi tình hình an toàn.
Hiện bão Beryl đang cách thủ đô Kingston của Jamaica khoảng 1.355km về phía Đông-Đông Nam. NHC dự báo cơn bão này sẽ tiếp tục duy trì cường độ trong ngày 2/7, đe dọa tàn phá khu vực Đông Nam Caribe.
Theo báo cáo chính thức, một thuyền buồm treo cờ Thụy Điển đã bị đắm ngày 28/6 trên vùng biển Caribe của Nicaragua. Lực lượng Hải quân Nicaragua đã tìm thấy và giải cứu 2 công dân Thụy Điển đang trôi giạt ở vị trí cách cảng Puerto Cabezas 97 hải lý về phía Đông Bắc.
Hải quân Nicaragua đã đình chỉ mọi hoạt động đi lại trên vùng biển nước này từ ngày 1/7, khuyến nghị các tàu đang đánh cá phải thực hiện mọi biện pháp đảm bảo an toàn và di chuyển đến nơi trú ẩn.
Cảnh báo bão đã được ban bố đối với Barbados, Saint Lucia, Saint Vincent & Grenadines, Grenada, Tobago, Martinique, Trinidad, Cộng hòa Dominicana và Haiti.
Tobago đã ban bố tình trạng khẩn cấp, mở các khu vực trú ẩn, đóng cửa trường học và hủy các ca phẫu thuật không cấp bách.
Trong khi đó, Venezuela đình chỉ tất cả các chuyến tàu khởi hành tại các cảng ở miền Trung và miền Đông của nước này đến hết ngày 2/7.
Mặc dù theo dự báo thời tiết, bão Beryl sẽ không đổ bộ trực tiếp vào lãnh thổ Venezuela, song Tổng thống Nicolás Maduro vẫn ra lệnh kích hoạt Hệ thống quản lý rủi ro quốc gia để ngăn chặn và ứng phó với mọi sự cố thiên tai.
Cùng ngày, Cộng đồng Caribe (Caricom) cũng tuyên bố hoãn hội nghị thượng đỉnh thường niên để tập trung chuẩn bị ứng phó với siêu bão.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định nước này sẵn sàng hỗ trợ Puerto Rico và Quần đảo Virgin thuộc Mỹ, đồng thời bảo đảm an toàn cho tất cả công dân Mỹ.
Washington đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cùng Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) đã chuẩn bị nguồn lực và vật tư sẵn sàng để hỗ trợ khu vực.
Beryl đã trở thành cơn bão đầu tiên của mùa bão hiện nay ở Đại Tây Dương và được dự báo sẽ đi vào lịch sử như một trong những cơn bão bất thường và nguy hiểm nhất.
Tháng 5 vừa qua, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã cảnh báo nguy cơ bão gia tăng trên mức bình thường ở Đại Tây Dương trong năm nay, trong bối cảnh nhiệt độ đại dương ấm lên.
NOAA dự báo có từ 17 đến 25 cơn bão có thể hình thành ở Đại Tây Dương trong năm nay, trong đó có 7 cơn bão lớn.
T.H (theo Vietnam+)