Sau cao điểm Black Friday (27.11), các trung tâm thương mại, cửa hàng tiếp tục đón một lượng khách khủng đổ về.
Giới trẻ chọn giày vào dịp Black Friday 2020 tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh: NHẬT THỊNH
Không chỉ các cửa hàng thời trang, đồ dùng gia dụng, mỹ phẩm... thắng lớn mà các dịch vụ ăn uống, quán cà phê… cũng quá tải phục vụ khách.
Bên cạnh việc giảm giá, nhà kinh doanh cũng tung ra các chiêu "mua nhiều tặng nhiều", giảm giá thêm... để kích thích khách hàng mạnh tay mua sắm, đẩy nhanh hàng tồn.
Người dân đổ xô đi mua sắm
Ngay từ sáng sớm 28.11, nhiều tuyến đường dẫn về các trung tâm thương mại của TP Hồ Chí Minh đã bị ùn ứ, kẹt xe khá trầm trọng. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các trung tâm thương mại các quận trung tâm (1, 3...) mà còn với những trung tâm mua sắm ở khu vực xa (Gò Vấp, quận 7...).
Nhiều cửa hàng tiếp tục treo biển khuyến mãi, một số còn tăng mức khuyến mãi so với ngày hôm trước khi cộng thêm mức khuyến mãi 5% hay tặng quà đặc biệt.
Anh David, một giáo viên người Anh sống ở TP Hồ Chí Minh cho biết sau khi nhận được hình "tự sướng" đi mua hàng của anh, những người bạn của anh ở quê nhà đã thốt "thật là kỳ diệu" khi nhìn thấy David cùng với giỏ quần áo đầy trong đám đông.
Một lý do mua sắm khác được nhiều khách hàng chia sẻ là sẵn tiện mua luôn đồ Tết. Anh Trương Minh Tuấn (31 tuổi, quê Đắk Lắk) chia sẻ: "Mình với bà xã dành 15 triệu cho đợt Black Friday này. Hai đứa mua quần áo, đồ dùng gia đình với quà cho cha mẹ hai bên. Đằng nào Tết cũng phải mua nên lần này giảm giá mua luôn".
Theo ghi nhận, ngành hàng giảm giá trong dịp này khá rộng từ thời trang, mỹ phẩm đến nội thất, hàng gia dụng, hàng điện tử...
Hình thức khuyến mãi phổ biến giảm giá đến 50%, mua hai món trở lên được tặng quà, giảm giá 50% cho món thứ hai, mua ba món giảm thêm 5%...
Các hình thức này nhằm khuyến khích khách mua nhiều hơn. Một số tín đồ săn hàng giảm giá đã rủ nhau, gộp đơn hàng để có thêm ưu đãi.
Ngoài ra, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, nhiều trung tâm thương mại đã thông báo điều chỉnh giờ mở cửa, theo hướng đóng cửa trễ hơn 30-45 phút so với ngày thường, kéo dài đến sau kỳ nghỉ Tết dương lịch.
Nhiều dịch vụ "ăn theo" được hưởng lợi
Việc người dân đổ xô vào các trung tâm mua sắm cũng giúp cho những dịch vụ khác như nhà hàng, quán cà phê, tiệm làm đẹp... được hưởng lợi, lượng khách tăng đột biến.
Tranh thủ chờ vợ đi mua sắm, anh Tùng (quận Bình Thạnh) dẫn con vào khu vui chơi trẻ em, còn mình thì cà phê với bạn bè.
"Mọi năm gia đình dành một khoản kha khá cho du lịch, nhưng năm nay dịch nên không thể đi nước ngoài, vậy là tranh thủ sắm đồ trong dịp này luôn" - anh Tùng cho biết.
Sức mua cũng được ghi nhận tăng cao trên các sàn thương mại điện tử. Trong ngày Black Friday, tổng số lượng đơn hàng của sàn Lazada tăng gấp 3 lần so với Black Friday năm ngoái.
Trong đó, các ngành hàng như chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, mẹ và bé, bách hóa ghi nhận sự tăng trưởng nổi bật. Tương tự, đại diện Tiki cũng cho biết số đơn hàng đã tăng 2,5 lần so với mùa Black Friday năm ngoái, trong khi số đơn hàng giao nhanh tăng 5 lần.
Tại hội thảo "chuyển đổi số" từ vượt trội đến dẫn đầu trong kỷ nguyên "bình thường mới" vừa mới diễn ra ở TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc kinh doanh Kantar World Panel cho rằng hành vi tiêu dùng rất nhạy cảm với sự thay đổi xung quanh.
Chỉ sau vài tháng dịch COVID-19, hãng nhìn thấy thói quen của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi rõ ràng.
Bên cạnh những thay đổi như dành chi tiêu cho hoạt động trong nhà nhiều hơn, ưu tiên các sản phẩm sức khỏe, người Việt cũng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng hàng hóa.
Điều đó có nghĩa thay vì quan niệm thắt chặt chi tiêu, nhiều người có xu hướng mua ít hơn nhưng hàng tốt hơn, đẹp hơn. Đó là cơ hội cho những sản phẩm làm thương hiệu tốt, chất lượng ổn định, không phân biệt hàng nội địa hay nhập khẩu.
Theo Tuổi trẻ