Sáp nhập mở ra cơ hội mới cho thị trấn Kẻ Sặt

24/06/2019 09:56

Những năm qua, việc hoàn chỉnh thiết chế văn hóa ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) gặp rất nhiều khó khăn do một số công trình không thể xây dựng.

Nhà văn hóa khu 3, thị trấn Kẻ Sặt nhỏ hẹp

Không còn quỹ đất

Do không còn quỹ đất nên thị trấn Kẻ Sặt là địa phương duy nhất của huyện Bình Giang chưa có sân vận động trung tâm. Chủ tịch UBND thị trấn Lê Thọ Dương cho biết năm 1958, thị trấn được tách ra khỏi xã Tráng Liệt, diện tích vỏn vẹn 75 ha, phần lớn là đất thổ cư. Năm 1997, hầu hết diện tích đất nông nghiệp của thị trấn được sử dụng để xây dựng trụ sở nhà làm việc cấp ủy, chính quyền huyện nên quỹ đất càng hạn hẹp. Muốn xây dựng sân vận động trung tâm, thị trấn chỉ có thể sử dụng phần diện tích đất nông nghiệp ít ỏi còn lại. "Chúng tôi chỉ còn gần 20 ha đất nông nghiệp. Nhưng hầu hết diện tích này đã được quy hoạch để xây dựng cụm công nghiệp, khu dân cư mới và trụ sở làm việc của Chi cục Thuế", ông Dương thông tin.

Trước năm 2015, tất cả các khu phố ở thị trấn Kẻ Sặt đều chưa có nhà văn hóa do không có đất để xây dựng. Đây là nguyên nhân dẫn tới thị trấn này bị "trắng" khu phố văn hóa. Từ năm 2015 đến nay, chính quyền huyện Bình Giang đã tạo điều kiện để các khu phố của thị trấn Kẻ Sặt tận dụng một số trụ sở cũ làm nhà văn hóa. Diện tích nhà văn hóa chỉ rộng bình quân 100 m2. Nhà văn hóa khu phố 5 rộng nhất cũng chỉ trên 200 m2.       

Không có sân vận động trung tâm, diện tích nhà văn hóa các khu phố không bảo đảm khiến cho thị trấn Kẻ Sặt không thể hoàn thiện các thiết chế văn hóa. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động vui chơi, giải trí của người dân thị trấn cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Ông Trần Đình Nhương, công chức văn hóa - xã hội thị trấn Kẻ Sặt thông tin có khoảng 60% số người dân thị trấn thường xuyên luyện tập thể dục thể thao; địa phương có nhiều đội bóng bàn, cầu lông, bóng đá thanh niên... Do không có sân vận động trung tâm, khuôn viên các nhà văn hóa không bảo đảm nên người dân buộc phải tập luyện tản mát ở nhiều nơi. Các buổi giao lưu văn nghệ, hoạt động hè của thiếu nhi phải tận dụng một số địa điểm công cộng để tổ chức. Việc này cũng gây ra nhiều bất tiện.

Hóa giải khó khăn

Ông Lê Thọ Dương khẳng định những khó khăn kéo dài trên sẽ sớm được giải quyết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nghị quyết, huyện Bình Giang cũng đã có kế hoạch và đang triển khai các bước sáp nhập thị trấn Kẻ Sặt và xã Tráng Liệt, lấy tên là thị trấn Kẻ Sặt. "Khi 2 địa phương sáp nhập trở lại thì hiển nhiên thị trấn không phải lo xây dựng sân vận động trung tâm nữa bởi hiện nay xã Tráng Liệt đã có rồi. Việc sáp nhập sẽ là chìa khóa để tháo gỡ những khó khăn trên", ông Dương nói.

Ngoài sân vận động trung tâm, xã Tráng Liệt hiện có 2 sân cỏ nhân tạo, 1 nhà thi đấu cầu lông 6 sân, 1 sân tennis ở khu dân cư Toàn Gia và 1 nhà văn hóa trung tâm đang được xây dựng. Việc sáp nhập với xã Tráng Liệt sẽ giúp thị trấn Kẻ Sặt tháo gỡ được khó khăn trong việc xây dựng các công trình nằm trong thiết chế văn hóa cơ sở vốn đã thiếu từ lâu. Quan trọng hơn, người dân sẽ có sân chơi tập trung, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức ở những địa điểm thuận tiện. Một số cán bộ đang công tác ở UBND thị trấn Kẻ Sặt cho biết thị trấn và xã Tráng Liệt trước kia là 1 nên khi sáp nhập sẽ có sự tương đồng về văn hóa, tập tục, lối sống. Họ tin tưởng sau khi sáp nhập, địa giới hành chính mở rộng, việc bố trí diện tích để xây dựng nhà văn hóa bảo đảm tiêu chuẩn cho các khu phố cũng không còn là vấn đề quá khó khăn.     

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáp nhập mở ra cơ hội mới cho thị trấn Kẻ Sặt