Chúng tôi kết hôn muộn và tôi đã rất tự tin nghĩ mình hiểu rõ tính cách của người bạn đời, và cũng khá từng trải để có thể duy trì một cuộc sống chung yên ổn.
Tôi thích bộc bạch, kể lể và chồng tôi là ngược lại. Và sự trục trặc của chúng tôi trong mấy năm đầu chung sống ở chính sự khác biệt này. Khi bất bình tôi nói ngay cảm giác của mình và rất bực bội, bởi bắt gặp từ anh ấy một thái độ... thản nhiên.
Cũng vậy ở những chuyện vui thích. Có vẻ như chồng tôi coi mấy thứ đó không đáng để bận lòng. Hay anh ấy có ý giấu nhẹm, cất kỹ những ý nghĩ, cảm xúc?
Ai đời nấu ăn, hỏi: "Có ngon (tệ) không anh?", chỉ nhận lại gọn lỏn hai từ: "Ừ! Được". Rồi mua cái này sắm cái khác cho chồng cho gia đình, cũng được đáp lại hết sức qua loa và đại khái như vậy mà thôi.
Tôi biết tính rất ngại bày tỏ của chồng và không chỉ duy nhất với vợ. Tôi quá rõ cái sự ít nói đến kỳ cục của anh ấy. Vì trước khi làm đám cưới, chúng tôi cũng đã yêu nhau rất lâu mà. Nhưng yêu khác cưới khác và trước mắt, chúng tôi, còn cả một quãng đời dài để gắn bó cùng nhau.
Không muốn cho đời sống hôn nhân nặng trịch, tôi đã rất nỗ lực để giúp cho chồng thay đổi. Dù nói thật, nhiều khi tôi cũng chặc lưỡi thây kệ để cho cuộc sống vợ chồng cứ thế dần trôi. Với một tôi: hồi bực dọc khi vui vẻ, hồi yếu mềm lúc mạnh mẽ...
Khoảng dăm năm trở lại đây cùng với sức khỏe suy giảm, tôi thấy mình cũng có những chuyển biến khác lạ. Những xông xáo, xăng xái dần thiếu vắng và thay vào đó là những buông trôi, mệt mỏi.
Tôi đã thay đổi chăng, khi thấy không cần thiết phải lưu ý đến những: "Ừ! Được", "Ừ! Được" của chồng? Có ý nghĩ tôi không để tâm lắm đến ông bạn đời của mình. Nào là chuyện ốm đau, ăn uống, suy tư...
Điều đó cũng nguy hiểm, ngang bằng với chuyện tôi bớt dần những bộc bạch, bày tỏ. Không nói ra nhưng chừng bật miệng thì toàn lời cay, tiếng đắng.
Nghe chỏi tai kinh khủng. Cũng không trách được với một phụ nữ đã U70 và vẫn nhọc nhoài với việc mưu sinh bên cạnh chuyện nhà cửa, cơm nước rất cần được chia sẻ giúp đỡ. Mà phải như chồng tôi vụng về, đểnh đoảng đã đành, anh vốn chu đáo và rất khéo tay...
Vậy là tôi lo chấn chỉnh lấy mình trước.
Tôi tìm mọi cách để cái ông sống chung nhà với mình bớt... bỏ lơ đi. Ổng không hỏi tôi hỏi. Được chưa? Hỏi sáng nay lướt mạng thấy gì? Anh nghĩ sao về cái vụ từ điển chính tả? Hỏi khác mấy nẳm đã qua đi coi sao!
Ổng ngày một già hơn cũng sợ bệnh sợ yếu, mà cứ lo hỏi hoài chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, thuốc men... ổng quê là phải rồi. Vậy thì hỏi thời sự thế sự há!
Hỏi chuyện xã hội đất nước nghen. Gãi trúng chỗ ngứa, chồng tôi hết ơ thờ nổi. Bữa cơm kéo dài trên tiếng với chồng ly rượu thuốc, vợ ly rượu trái cây, kề cà cùng nhiều trở trăn ngẫm ngợi...
Tôi cho rằng kinh nghiệm của chúng tôi có thể là bài học thiết thực cho những cặp vợ chồng khác. Tình yêu trong hôn nhân là thứ gì đó rất trừu tượng, không thể nhìn thấy hay cầm nắm được.
Nhưng nó chẳng khác gì một sinh thể, sẽ tàn lụi dần dần nếu không biết chăm sóc, dưỡng nuôi. Và theo tôi, vợ chồng cần bày tỏ với nhau mọi chuyện và nên duy trì thói quen này. Bởi đó là một trong những yếu tố cần thiết để nuôi dưỡng tình yêu. Có vậy hôn nhân mới không tẻ nhạt?
Theo Tuổi trẻ