Tiểu thuyết 'Họ đã sống như thế' của Vũ Tuyết Mây là cuốn sách rất đáng để đọc và suy ngẫm, bởi nội dung đề cập đến mảng đề tài hiện thực.
Đọc tiểu thuyết “Họ đã sống như thế” của tác giả Vũ Tuyết Mây, Hội Nhà văn cấp phép xuất bản quý 4 năm 2024, với 400 trang in, tôi có cảm nhận Vũ Tuyết Mây phải trải nghiệm lắm mới gửi vào những trang sách một mảng đề tài xã hội sâu, rộng gồm: trí thức, công chức, viên chức và người lao động, phân bố ở nhiều nghề phục vụ nông nghiệp (trong đó ngành đỉnh cao là công nghệ).
Nhân vật trong truyện là những con người khá tiêu biểu, đại diện cho cái tốt, cái xấu, cái cao cả, cái thấp hèn, tài trí, cơ hội… Đáng nói, ngay trong thời kỳ đất nước đang trên đường đổi mới, với mục tiêu "xây dựng một đất nước hùng cường", vẫn tồn tại những con người chỉ nghĩ đến tư lợi, vật cản của tiến trình phát triển, nó ẩn náu trong các tầng nấc, tổ chức, lĩnh vực, khi ở đó vẫn còn tồn tại những luật định, quy định, quy ước lỏng lẻo, thiếu đồng bộ.
Hiện tượng người nhiều, việc ít, nhiều bằng cấp, nhưng năng lực hạn chế, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, cơ hội, tham nhũng… tạo nên những góc trời riêng.
Truyện xoay quanh 4 nhân vật chính. Họ từng học chung một lớp nhưng là khắc tinh của nhau bởi không cùng lý tưởng sống.
Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế trường đại học, 4 con người đã hình thành 2 tuyến. Tuyến đại diện cho sự tiến bộ gồm: Mai Hoàng Nam, Hà Trọng Vĩnh và Nhật Thu. Họ làm khoa học và doanh nhân, luôn mơ ước thành công và được cống hiến. Trong khi Trịnh Đình Long nuôi dưỡng khát vọng tiền bạc và địa vị. Từ đầu đến cuối Trịnh Đình Long không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn để thỏa mãn sự ích kỷ, cuồng tham.
Tốt nghiệp đại học, Nam và Vĩnh được nhà nước cử ra nước ngoài nghiên cứu sâu về chuyên ngành điện tử - tin học với mục đích đem kiến thức về phục vụ chiến lược “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước. Nhật Thu (sau này là vợ Trọng Vĩnh) theo đuổi kinh doanh ngay trên quê hương. Trịnh Đình Long vào doanh nghiệp nhà nước.
Thành công ở nước ngoài, hai tiến sĩ Nam và Vĩnh về nước đầu quân cho ngành nông nghiệp (Viện nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp). Qua thời gian, lao động đưa họ đến đỉnh cao về sáng tạo, mang lại cho họ niềm vinh quang nhưng cũng khiến họ phải nếm trải không ít đắng cay, bởi lòng đố kỵ, bởi lợi ích cùng với một số chính sách bất cập, lỗi thời, tạo khe hở cho một số người có chức quyền lợi dụng, khiến cái đúng và cái sai hầu như thuộc về người có quyền.
Cơ chế nửa thị trường, nửa bao cấp cũng làm cho những người làm khoa học chân chính luôn phải chịu áp lực, thiệt thòi vì thói quen hưởng lợi của một bộ phận lãnh đạo và cả những cán bộ, nhân viên cơ hội. Nhưng với tài trí, cộng với bản lĩnh của người làm khoa học: Hoàng Nam, Trọng Vĩnh, Nhật Thu nhận được sự hỗ trợ của một số người giữ trọng trách trong cơ quan công quyền, đó là những cán bộ có tâm, có tầm như: Chủ tịch Liên minh các hợp tác xã, Bí thư Huyện ủy Đỗ Thiết, Chủ tịch thị xã Phạm Quang Vinh, nhà báo Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Anh… Họ đã lần lượt đạp bằng mọi vật cản, vượt qua từng đợt sóng gió, từng phen cạm bẫy, lọc lừa, của một số kẻ có quyền hành, tiêu biểu là Trịnh Đình Long, Trần Văn Giác…
Cái kết của truyện là 3 nhân vật: Mai Hoàng Nam, Hà Trọng Vĩnh và Nhật Thu đã thành công. Họ là những tượng đài về chính nghĩa thắng gian tà. Họ đã giải được lời nguyền: “Cứ chờ đấy xem ai sẽ là người thua cuộc” của Trịnh Đình Long. Họ thực hiện được ước mơ xây dựng công viên tin học, trên khoảng đất rộng cả trăm ha, cuốn vào đây hàng vạn lao động gồm: nhà quản lý, nhà nghiên cứu, thợ lành nghề, người lao động và làm dịch vụ… Họ sẽ nghiên cứu, giảng dạy, sản xuất, kinh doanh. Mai Hoàng Nam và Hà Trọng Vĩnh đã giữ đúng lời hứa với Đảng, Chính phủ và nhân dân, trước ngày hai người lên đường ra nước ngoài học tập để "mang kiến thức khoa học về xây dựng nước nhà".
Trong khi đó, Trịnh Đình Long mặc dù đã lên đến ghế Chủ tịch UBND thành phố nhưng ông ta đã phải trả giá bằng phần còn lại của cuộc đời trong nhà tù vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà nước, nhân dân, làm giàu trên nỗi đau của nhân dân.
Có thể nói, tiểu thuyết “Họ đã sống như thế” của Vũ Tuyết Mây là một cuốn sách rất đáng để đọc và suy ngẫm, bởi nội dung đề cập đến mảng đề tài hiện thực, mang tính xã hội cao, đang có rất nhiều người quan tâm.
Bằng lối kể, tả linh hoạt, với nhiều gương mặt, nhiều tính cách, nhiều tình tiết bất ngờ, tạo kịch tính, truyện lại giàu hình ảnh, giàu ngôn ngữ, nhiều câu nói của nhân vật thành chân lý, thông qua thủ pháp điện ảnh… đó là những điều cần có trong một tác phẩm văn học.
NGUYỄN THANH CẢI