Một số câu chuyện ngụ ngôn trong sách Tiếng Việt lớp l, bộ Cánh Diều, đang bị phụ huynh nhận xét khó đọc, dạy trẻ thói lười biếng, lừa lọc.
Trên nhiều diễn đàn, nội dung và hình ảnh sách Tiếng Việt 1 của bộ Cánh Diều được chia sẻ rộng rãi mấy ngày qua. Nhiều người tranh cãi việc sách sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch không phù hợp. Chẳng hạn, phần tập đọc bài 88 là bài Hai con ngựa, nói về ngựa tía biếng nhác còn ngựa ô chăm chỉ. Khi thấy ngựa ô "làm hùng hục", ngựa tía nói: "Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn". Bài đọc này bị phản ứng, cho rằng dạy học sinh lớp 1 thói xấu lười biếng.
Ngoài ra, sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều cũng bị phàn nàn về việc dùng quá nhiều từ địa phương như "chả", "má" và cách đặt câu không theo đúng ngữ pháp. Trong bài 47, sách viết: "Quế có bà ở quê. Khi bà ra phố, cả nhà có quà. Quà là rổ khế, rổ mơ, cá rô, cá quả. Có khi là cô gà ri".
Nhiều phụ huynh chỉ ra, phần tập đọc này lủng củng, "rổ mơ" là quả hay rau mơ, đặc biệt là cụm "Có khi là cô gà ri" không theo chuẩn cú pháp chủ ngữ, vị ngữ. Đa số cho rằng ngay cả khi trẻ lớp 1 chưa học câu hoàn chỉnh, người viết sách cũng cần viết đúng để giáo viên và phụ huynh có thể giải thích chính xác, giúp trẻ làm quen với câu đúng ngay từ đầu.
Chị Phạm Thủy (30 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ đã "rất sốc" khi xem sách của con. Ngoài chương trình học nặng, từ ngữ, câu chuyện trong sách "vô cùng có vấn đề". Các mẩu chuyện như Cua, cò và đàn cá, Hai con ngựa dạy trẻ tính xấu lừa lọc, lười biếng, trong khi trẻ thơ mới học, cần được dạy những điều đúng đắn, dễ hiểu.
Bà mẹ này cho rằng từ ngữ trong sách không phải từ phổ thông chuẩn mà dùng từ địa phương, nhiều từ vô nghĩa. Ví dụ "con quạ kêu quà quà?". Con ngựa thở "hí hóp". Thay vì nói "không lo gì, không có gì", sách dạy "chả lo gì, chả có gì".
Có con học lớp 1 và sử dụng sách Tiếng Việt Cánh Diều, chị Nguyễn Hải (40 tuổi, Hà Nội) giật mình khi đọc những bài viết trên mạng xã hội về các ngữ liệu trong sách giáo khoa bởi chị chưa giở tới những trang sách này. Không ủng hộ đưa những câu chuyện có ý nghĩa không tích cực với trẻ lớp 1 vào sách, chị Hải giải thích: "Dù trẻ không hiểu hết nghĩa, chúng có thể hỏi thầy cô, bố mẹ và việc này gây khó khăn cho người lớn khi giải thích".
Chị Hải hy vọng ban soạn thảo ghi nhận ý kiến, xem xét chỉnh sửa cho những năm sau, hoặc lưu ý cho giáo viên để dạy bài đó cho phù hợp.
Trước phản hồi của phụ huynh, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, Tổng chủ biên kiêm chủ biên sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều, khẳng định nhóm biên soạn đã làm rất kỹ.
Về lý do bộ sách dùng một số từ ít thông dụng, ông giải thích do thời gian đầu, học sinh chưa biết nhiều chữ, vần nên nhóm tác giả phải vận dụng số chữ ít ỏi các em đã học để tạo thành câu văn hoàn chỉnh, có nghĩa. Ông lấy ví dụ với từ "chả", tác giả không thể dùng từ "không" hoặc "chẳng" để diễn đạt ý phủ định của câu vì học sinh chưa học vần "ông", "ăng".
Điều này tương tự với cụm "nhá cỏ, nhá dưa" bởi các em chưa học vần "ai" để dùng từ "nhai" thay cho "nhá". Cùng với đó, GS Thuyết khẳng định "nhá" và nhiều từ khác trong sách không phải từ địa phương vì nó được giải thích trong Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do GS Hoàng Phê chủ biên. "Thầy cô sẽ giải thích những từ trẻ không hiểu hoặc khó hiểu. Đây là việc mà giáo viên lớp 1 từ trước tới nay đều làm", ông khẳng định.
Với bài tập đọc Hai con ngựa, GS Thuyết giải thích bài này được phỏng theo truyện Ngựa đực và ngựa cái của Lev Tolstoy (nhà văn Nga) do Thúy Toàn dịch, in trong cuốn Kiến và bồ câu. Tác giả chuyển ngựa đực và cái thành ngựa tía và ngựa ô vì học sinh chưa học vần "ưc", "ai", đồng thời chưa muốn nhắc chuyện "đực, cái" với các em.
Trong nguyên tác, ngựa cái xui ngựa đực không đi cày, nếu chủ quật roi thì tung vó đá lại. Ngựa đực nghe lời, sau đó ngựa cái bị chủ đóng vào vai cày. Những chi tiết này được tác giả sửa lại cho nhẹ nhàng nhưng diễn biến chính không đổi. "Câu chuyện này có ý nghĩa nếu xúi người khác làm bậy thì chính mình sẽ chịu hậu quả, không hề phản giáo dục", ông Thuyết nói.
Tương tự với các bài đọc khác, việc tác giả đổi tên nhân vật và các tình tiết truyện thường là để phù hợp với số lượng chữ học sinh đã biết. GS Thuyết cho rằng nhiều bài viết chỉ trích sách chỉ nhìn vào một phần thay vì đặt hai phần liền nhau để thấy nội dung tổng quát và thông điệp tích cực.
Bộ sách Cánh diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh phối hợp biên soạn
Ngoài ra, ông cho rằng việc hiểu nội dung truyện như nào còn tùy thuộc quan điểm mỗi người. Ví dụ, khi đọc truyện Cua, cò và đàn cá, một số người bảo sách dạy học sinh tính lừa lọc của cò khi nói dối để chén hết đàn cá. Tuy nhiên, bài học rút ra từ câu chuyện dân gian này là không nên nhẹ dạ nghe lời của người lạ, dạy trẻ cảnh giác với người xấu. "Làm sao sách giáo khoa lại dạy học sinh lừa lọc được. Kể cả không có sách hướng dẫn, giáo viên cũng cần giải thích cho học sinh hiểu, đó là nghiệp vụ sư phạm", ông nói.
Tổng chủ biên sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều hy vọng phụ huynh bình tâm, đọc kỹ và hiểu nội dung sách, công việc dạy học sinh lớp 1 trước khi đánh giá, nhất là khi các em nghỉ học liền 4 tháng, chưa được dạy kỹ nhận mặt chữ và số ở mẫu giáo và không có một tuần trước khai giảng để học cách cầm bút, viết nét cơ bản.
Ông dẫn chứng cách đây 18 năm, khi bắt đầu thực hiện Chương trình tiểu học năm 2002, sách Tiếng Việt lớp 1 cũng bị chỉ trích, thậm chí không ít ý kiến yêu cầu đình chỉ việc dạy sách đó. Nhưng sau gần 20 năm, nhiều người lại nhận xét sách dễ dạy, nhẹ nhàng.
Trong quá trình các trường triển khai dạy học, ban biên soạn tiếp tục lắng nghe để xử lý những vấn đề do giáo viên đặt ra. "Tôi tin nếu chờ đợi, phụ huynh sẽ sớm thấy hiệu quả của sách. Việc tiếp nhận phản hồi và xem xét điều chỉnh là cần thiết, nhưng không thể đẽo cày giữa đường, ai nói gì cũng nghe được", ông nói.
Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới. Có 5 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trong đó 4 bộ Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh biên soạn.
Sau một tháng đưa sách mới vào sử dụng, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy, học môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ. Trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn dẫn đến việc học không hiệu quả, gây mệt mỏi, áp lực. Sách quá nhiều chữ, dùng từ địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1.
Theo VnExpress