Thực ra đây cũng không phải lần đầu bà Nhàn nghe câu chuyện buồn của bà Hương. Đã có đôi lần bà Hương chia sẻ với bà bạn già chuyện của mình.
Thấy bà Hương lững thững đi từ đầu phố về, bà Nhàn hỏi thăm: "Tôi tưởng bà đang nằm bệnh viện cơ mà?". "Nằm viện cũng chả yên bà ạ. Không về thì lấy gì mà ăn". "Bà nói gì nghe mà chua chát thế?", bà Nhàn hỏi rồi kéo bà Hương vào nhà trò chuyện.
Chả là cách đây ba ngày, nửa đêm bà Hương bị tụt huyết áp, mê man chả còn biết gì. Con trai, con dâu vội gọi taxi đưa mẹ vào viện. Tới nơi, sau khi được bác sĩ xử trí, bà Hương đã dần hồi tỉnh. Thấy mẹ đã tỉnh táo trở lại, cô con dâu lấy cớ ở nhà còn con nhỏ nên xin phép về trước. Anh con trai loanh quanh một lát rồi nhờ mọi người cùng phòng bệnh trông mẹ giúp để tranh thủ về nhà lấy quần áo cho mẹ vì lúc đi vội quá chả kịp mang theo cái gì. Nhưng anh cũng mất hút luôn. Khi trời sáng, mọi người thân lần lượt đi mua đồ ăn cho bệnh nhân. Riêng bà Hương vẫn nằm trơ trọi. Thấy thế, mấy bà cùng phòng dặn con cháu mua thêm hộ cả phần ăn cho bà Hương. Đến trưa cũng chả thấy đứa con nào của bà Hương có mặt. Chồng bà thì đi làm ở tỉnh xa mấy tháng mới về một lần. Đêm trước bà bất tỉnh nên khi con cái đưa vào viện chỉ có mỗi người không, chẳng mang theo tiền hay điện thoại. Và buổi trưa ấy, vẫn những người cùng phòng bệnh mua đồ ăn giúp bà. Ai cũng cám cảnh khi thấy bà ốm bệnh mà nằm bẹp một mình. Cũng chẳng ai dám hỏi về sự mất tích kỳ lạ của con trai, con dâu bà vì sợ hỏi người ốm sẽ càng thêm tủi thân. Đến chiều, khi sức khỏe đã ổn định hơn, bà lấy cớ đi ra ngoài cho thoáng một chút, rồi bắt taxi trốn về nhà lấy tiền, điện thoại và quần áo mang vào viện. Chiều tối ấy, anh con trai mới lại ló mặt tới. Anh ta lý giải sáng đó công ty có việc gấp gọi nên phải đi ngay, không kịp mang đồ vào cho mẹ. Rồi anh cũng chẳng thèm bận tâm xem vì sao bà Hương lại có đồ dùng cá nhân ở viện, ai mang ra cho bà, cả ngày đó bà ăn uống thế nào... Thấy mọi người trong phòng bệnh nói chuyện vẻ thương cảm cho bà Hương, anh nói ráo hoảnh: "Mẹ cháu bị thế này liên tục ấy mà, có gì lạ đâu. Đêm tưởng chết ngay được ấy nhưng chỉ cần có bàn tay bác sĩ vào là chiều đã có thể về đi tập văn nghệ được rồi. Mà mẹ cũng đỡ hơn rồi, chúng con đứa nào cũng bận, thôi thì có gì nhờ các cô các bác ở đây quan sát giúp, nếu mẹ cháu có vấn đề gì xin hãy gọi cho cháu theo số này...". Anh ta rút tấm danh thiếp ra đưa cho vài người ở giường bên cạnh rồi lại mất hút. Bà Hương ngượng với mọi người trong phòng bệnh. Bà quay mặt vào trong giấu hai hàng nước mắt đang tuôn trào. Chỉ sang ngày thứ ba, bà đã xin bệnh viện cho về vì ở viện cũng chẳng có người chăm nom.
"Sao lại đến mức ấy hả bà? Bọn này thật quá tệ bạc. Thôi thì con dâu khác máu tanh lòng đã đành. Thế còn thằng con trai bà, nó nghĩ nó tự dưng chui từ dưới đất lên chắc. Tự dưng mà nó lớn khôn, mọc cánh mà bay nhảy khắp nơi như bây giờ được chắc?", bà Nhàn không giấu nổi bức xúc.
Thực ra đây cũng không phải lần đầu bà Nhàn nghe câu chuyện buồn của bà Hương. Đã có đôi lần bà Hương chia sẻ với bà bạn già chuyện của mình. Nhà bà Hương có hai anh con trai. Vợ chồng cả hai người con trai đều sống chung một nhà với bố mẹ. Nhưng chỉ hồi các cháu còn nhỏ, bà Hương còn phải trông nom, bế ẵm thì mẹ con ăn chung. Còn kể từ khi mấy đứa trẻ lần lượt lớn lên, có thể đi gửi trẻ là cả hai cặp xin tách ra ăn riêng. Họ viện cớ hay đi làm về muộn, ăn uống thất thường, sợ ảnh hưởng đến mẹ. Có một mình nên bà Hương hay ăn uống tạm bợ. Bởi có muốn nấu nướng cái gì cũng khó vì chẳng bõ dính nồi. Thỉnh thoảng bà có bày vẽ nấu món nọ món kia rồi múc cho cả các con nhưng thái độ của các cô con dâu có vẻ chẳng mấy vui vẻ khi đón nhận. Sau vài lần như thế, bà Hương cũng rút kinh nghiệm, chả dại bày ra, vừa mệt thân, vừa mua cái bực vào mình. Con trai, con dâu bà quan niệm đã ăn riêng là riêng hẳn. Vì vậy có của ngon, vật lạ gì họ cũng chả buồn mời bà lấy một tiếng. Có lần cô con dâu cả được người thân ở quê gửi cho cả thùng bưởi Diễn rất ngon, khoe khắp xóm. Mấy bà hàng xóm ai cũng khen: "Cái giống bưởi Diễn này ăn ngon lắm, lại tốt cho sức khỏe. Con dâu bà Hương tâm lý thế, biết mẹ chồng thích ăn bưởi đây mà. Đúng là nhất bà nhé". Bà Hương chỉ cười. Chỉ có bà Nhàn là tình cờ nghe được câu lẩm bẩm của bà: "Vâng, tôi ăn bưởi ngửi no rồi". Chứng vô cảm dường như đã ngấm sâu vào lối sống, ứng xử của các con bà Hương. Người già như bà thường hay cả nghĩ. Nhưng con trai, con dâu thì cho là bà kỹ tính, hay để ý những chuyện lặt vặt. Họ cứ sống ào ào, cuốn theo công việc, theo trào lưu xã hội. Cả ngày đi làm, tối về nếu không chở con đi học thêm thì lại cắm mặt vào điện thoại, máy tính. Mấy đứa cháu cũng bị bố mẹ sắp kín lịch trình. Cả ngày đã học bán trú, tối về lại đi học thêm cô chủ nhiệm, học tiếng Anh, học đàn... Chỉ có mình bà Hương vò võ ở nhà. Đến cả khi ốm đau nhập viện như hôm vừa rồi họ cũng sẵn sàng bỏ rơi mẹ.
"Thế bây giờ bà tính thế nào?", bà Nhàn cám cảnh hỏi. "Tôi tính về quê bà ạ. Ở quê vợ chồng tôi vẫn còn nhà, vườn, ao. Xung quanh còn có anh em con cháu". "Đến con mình nó còn chả quan tâm, liệu về quê có được không?". "Được chứ bà. Anh em con cháu ở quê sống tình cảm lắm. Những người ở viện đấy, chả quen thân gì họ còn sẵn sàng giúp cơ mà. Tôi tin đấy là lựa chọn tốt nhất đấy bà ạ. Chứ cứ thế này tôi buồn lắm". Bà Nhàn vỗ vỗ vào vai bà bạn động viên. Trong thâm tâm bà cũng nghĩ với căn bệnh vô tâm hết thuốc chữa của những đứa con bà Hương, có lẽ cũng chẳng còn cách nào tốt hơn.
HƯƠNG GIANG