Ngày 7.10, các lãnh đạo lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã đạt thỏa thuận nhằm ngăn chặn kịch bản Chính phủ vỡ nợ trong 2 tuần tới.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Chuck Schumer thông báo: "Chúng tôi đã đạt thỏa thuận nhằm gia hạn mức trần nợ công đến đầu tháng 12, tránh nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này". Ông bày tỏ hy vọng Thượng viện sẽ bỏ phiếu thông qua ngay trong cùng ngày.
Thỏa thuận trên cho phép tăng trần nợ thêm 480 tỷ USD trên mức trần nợ công hiện nay là 28.400 tỷ USD. Sau đó, Quốc hội sẽ có vài tuần để tìm kiếm thỏa thuận về việc sẽ tăng trần nợ công dài hạn hay đưa ra một biện pháp khác.
Theo ông Mitch McConnell, nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, việc gia hạn trần nợ công sẽ giúp đảng Dân chủ có thêm thời gian để tìm kiếm giải pháp dài hạn và sẽ bảo vệ nước Mỹ tránh một cuộc khủng hoảng trong ngắn hạn.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo nước này sẽ không còn nguồn lực tài chính để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ sau ngày 18.10, nếu Quốc hội không nâng mức trần nợ công hiện nay. Bà nhận định nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái nếu Mỹ vỡ nợ. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Biden trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng tài chính, đồng thời kêu gọi phải có nguyên tắc tài chính.
Nguy cơ chính phủ phải ngừng hoạt động đã trở thành nỗi ám ảnh trong các cuộc thương lượng về ngân sách tại Quốc hội Mỹ. Tổng thống Biden đang thúc đẩy hai gói chi tiêu khổng lồ trị giá 1.000 tỷ USD và 3.500 tỷ USD cho các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy an sinh xã hội.
Trong nhiều năm qua, nâng trần nợ công là một vấn đề gây tranh cãi. Quốc hội Mỹ đã nhiều lần nâng trần nợ kể từ khi mức này được đặt ra và các cuộc bỏ phiếu thường diễn ra trong cả hai đảng.
Theo báo Tin tức