Quốc hội Israel ngày 12/2 đã bỏ phiếu với tỷ lệ 25-4 để thông qua dự luật cho phép Tel Aviv tạm thời cấm các cơ quan truyền thông nước ngoài mà Bộ Quốc phòng nước này xếp vào nhóm có hại cho an ninh quốc gia.
Trước đó, phát ngôn viên Avichay Adraee của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cáo buộc phóng viên kênh truyền hình Al Jazeera tên Mohamed Washah là thành viên lực lượng Hamas. Trung tá Avichay Adraee đăng trên mạng xã hội X: “Buổi sáng, anh ta là nhà báo của kênh Al Jazeera, và đến tối, anh ta làm khủng bố cho Hamas!”. Ông Washah còn đăng những bức ảnh được cho là Washah sử dụng vũ khí.
Bộ trưởng Truyền thông Shlomo Karhi đã soạn thảo Luật Al Jazeera vào năm 2023, khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên chiến với Hamas ngày 7/10/2023. Bộ trưởng Karhi lập luận rằng các bài báo của Al Jazeera là kích động chống Israel.
Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) đã phản ứng với cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Israel hôm 12/2. Họ cáo buộc Tel Aviv sử dụng an ninh quốc gia như một cái cớ để hạn chế các phương tiện truyền thông không nhất trí với quan điểm của Israel về xung đột và cố gắng kiểm duyệt việc đưa tin của các phương tiện truyền thông về những gì đang diễn ra tại Gaza.
Trong một diễn biến khác, bai nhân viên của Al Jazeera đã bị thương nặng trong cuộc không kích của Israel ở miền Nam Gaza hôm 13/2. Theo Al Jazeera, phóng viên Ismail Abu Omar bị buộc phải cắt cụt chân, còn người quay phim Ahmed Matar bị thương ở mặt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã gửi lời chia buồn chân thành tới Al Jazeera và cho biết Washington tiếp tục làm việc với chính phủ Israel để làm rõ rằng các nhà báo phải được bảo vệ.
Al Jazeera đi vào hoạt động từ tháng 11/1996, có trụ sở chính tại thủ đô Doha của Qatar. Al Jazeera hiện là một trong những hãng tin lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Al Jazeera có 70 cơ quan thường trú trên toàn cầu và 3.000 nhân viên từ hơn 95 quốc gia.
T.H (theo báo Tin tức)