Trong sáng thứ hai (27/11), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Căn cước. Đây là tên gọi mới của Luật Căn cước công dân sửa đổi.
Theo chương trình làm việc, trong tuần làm việc cuối cùng (từ ngày 27 đến 29/11) của kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều luật, nghị quyết.
Đáng chú ý, ngay trong sáng thứ hai (27/11), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Căn cước. Đây là tên gọi mới của Luật Căn cước công dân sửa đổi.
Khi dự luật được thông qua sẽ có nhiều thay đổi ở căn cước công dân. Trong đó, theo đề xuất của Chính phủ và giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tên căn cước công dân sẽ đổi thành căn cước.
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay, thay vào đó là sử dụng mã QR để liên kết với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Một số thông tin trên thẻ như số căn cước, dòng chữ "căn cước công dân", quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ sẽ được sửa thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và mã QR.
Cùng với đó, dự thảo luật đề xuất thu thập hơn 22 nhóm thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, trong đó có 5 đặc điểm sinh trắc học là ảnh chân dung, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.
Với thông tin ADN và giọng nói, dự thảo đề xuất chỉ thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc điều chỉnh tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước là hoàn toàn phù hợp cả về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật; đạt các mục đích quản lý, phục vụ nhân dân.
Còn theo Bộ Công an, việc đổi tên không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi phí đối với người dân hoặc chi ngân sách nhà nước vì dự thảo luật đã có quy định chuyển tiếp.
Theo đó, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như căn cước được quy định tại luật này.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thông qua các Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Các nghị quyết được Quốc hội biểu quyết thông qua gồm nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu;
Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề "việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030".
Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Cũng trong tuần cuối làm việc, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Quốc hội thảo luận các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.
Theo Tuổi trẻ