Theo kết quả bỏ phiếu, có 468 đại biểu bỏ phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 94,74%. Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).
Sáng nay, 24/11, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu biểu quyết thông qua Luật Viễn thông sửa đổi với sự tham gia của 473 đại biểu.
Kết quả, 468 đại biểu bỏ phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 94,74%. Có hai đại biểu không tán thành, chiếm tỷ lệ 0,4%. Có 3 đại biểu không biểu quyết, chiếm tỷ lệ 0,61%.
Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).
Trước khi các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Trình bày báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, ngày 25/10/2023, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), có 11 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và một đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng nội dung và kỹ thuật lập pháp. Ngày 23/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo đầy đủ số 694/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Theo Vietnam+