Góc nhìn

Quét mã QR để công đức, không lo tiền bị biển thủ

HOÀI ANH 21/04/2024 07:34

Tiếp nhận tiền công đức bằng hình thức quét mã QR, chuyển khoản là cách làm văn minh nên được nhân rộng tại Hải Dương, góp phần công khai, minh bạch nguồn tiền này.

unnamed-2856.jpg
Đã đến lúc nhân rộng hình thức quét mã QR để tiếp nhận tiền công đức thay vì dùng hòm công đức (ảnh minh họa)

Năm ngoái, trong chuyến công tác tại Bắc Giang, tôi đã ghé thăm một số di tích ở đây. Vì không mang theo tiền mặt nên khi nhìn thấy bảng quét mã QR để công đức xây dựng một ngôi đền ở TP Bắc Giang tôi đã rất vui. Sau khi quét mã, tôi nói đùa với đồng nghiệp, rằng công đức bằng hình thức chuyển khoản như thế này thì ngay cả thánh thần cũng rõ người gửi là ai, khỏi tốn công viết sớ, lại đỡ nhầm lẫn.

Nói vậy để thấy, công đức không dùng tiền mặt không chỉ tiện lợi cho du khách mà còn tiện cho cơ quan quan quản lý vì dòng tiền ra vào hết sức công khai, minh bạch.

Một người bạn của tôi làm việc trong lĩnh vực ngân hàng cũng bảo, nếu tiền công đức được chuyển khoản thì ngành ngân hàng cũng đỡ mỏi tay đếm tiền lẻ mỗi dịp cuối năm. Hình ảnh từng bao tải tiền lớn nhỏ với nhiều đồng mệnh giá thấp được các di tích, các đình, đền, chùa đem đến gửi sau mỗi đợt kiểm tiền công đức cũng là nỗi ám ảnh với nhiều nhân viên của ngành.

Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023 quy định rõ việc quản lý tiền công đức với cả hình thức dùng tiền mặt và chuyển khoản.

Theo đó, các di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. Với tiền mặt, cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận.

Tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung…

Quy định đã có nhưng việc thực hiện cũng còn nhiều điều đáng bàn. Mới đây, sau đợt tổng rà soát việc quản lý, thu chi tiền công đức toàn tỉnh, các địa phương và ngành liên quan của Hải Dương đánh giá đa số các di tích trong tỉnh đã mở sổ ghi chép số thu, số chi tiền công đức, tài trợ. Một số di tích đã mở tài khoản tại ngân hàng thương mại để theo dõi việc tiếp nhận thu, chi tiền công đức, tài trợ cho các di tích và tổ chức các hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số di tích theo dõi tiền công đức, tài trợ mang tính nội bộ, chưa công khai, minh bạch...

Đáng nói là, đến một số di tích lớn trong tỉnh, tôi chưa thấy có mã QR để ủng hộ tiền công đức. Điều đó có nghĩa là, tuy có tài khoản tại ngân hàng thương mại, nhưng việc tiếp nhận tiền công đức từ du khách tại nhiều di tích, cơ sở tôn giáo vẫn chủ yếu là tiền mặt. Mà việc tiếp nhận tiền mặt này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro hơn chuyển khoản.

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp tiền công đức, biển thủ tiền công đức. Hồi đầu năm nay, một cán bộ Ban Quản lý đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An) từng bị xử phạt hành chính vì biển thủ hơn 1 triệu đồng tiền công đức. Tại Thái Lan, một cựu trụ trì chùa đã phải lĩnh án 468 năm tù vì biển thủ khoảng 300 triệu bath (gần 200 tỷ đồng) tiền công đức.

Tất nhiên, tiếp nhận tiền công đức qua hình thức chuyển khoản, nhất là quét mã QR cũng phải đối mặt với rủi ro như có kẻ lợi dụng dán mã QR của mình nhưng lại ghi thành của Ban Quản lý di tích, chủ cơ sở tôn giáo hoặc tài khoản bị hacker chiếm dụng… Tuy nhiên nguy cơ này không cao nếu cơ quan chủ quản làm tốt công tác bảo mật và quy định rõ vị trí dán mã QR, công khai số tài khoản trên phương tiện truyền thông, tại vị trí phù hợp.

Tiền công đức là nguồn tiền được nhân dân, du khách ủng hộ nhằm hỗ trợ các ban quản lý di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tôn tạo, tu sửa cơ sở vật chất, tổ chức hoạt động lễ hội hoặc làm từ thiện. Cần có biện pháp quản lý công khai, mình bạch, sử dụng hiệu quả nguồn lực này và đẩy mạnh việc công đức qua hình thức chuyển khoản là một trong các biện pháp nên sớm được nhân rộng trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số hiện nay.

HOÀI ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quét mã QR để công đức, không lo tiền bị biển thủ