Tin tức

Quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng như thuốc chữa bệnh, đại diện 1 doanh nghiệp ở Hải Dương bị triệu tập

BÌNH MINH 17/08/2024 07:22

Công ty CP Thương mại D2D chi nhánh Hải Dương quảng cáo thực phẩm dinh dưỡng Gluzabet Plus sử dụng một số cụm từ gây hiểu nhầm có công dụng như thuốc chữa bệnh liền bị cơ quan chức năng triệu tập lên làm việc.

Thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt Gluzabet Plus quảng cáo trên website của Công ty CP Thương mại D2D chi nhánh Hải Dương nhưng đại diện doanh nghiệp không thừa nhận (ảnh Đoàn kiểm tra cung cấp)
Thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt Gluzabet Plus quảng cáo trên website của Công ty CP Thương mại D2D chi nhánh Hải Dương nhưng đại diện doanh nghiệp không thừa nhận (ảnh Đoàn kiểm tra cung cấp)

Ngày 16/8, Đoàn kiểm tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hải Dương đã triệu tập đại diện Công ty CP Thương mại D2D chi nhánh Hải Dương (số 12, phố Đình Tây, phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn) lên làm việc.

Đoàn kiểm tra kết luận website của doanh nghiệp trên có thực hiện quảng cáo đối với thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt Gluzabet Plus (sản phẩm dinh dưỡng dành cho người bị tiểu đường và người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ bị tiểu đường) đã vi phạm Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về "Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo" khi sử dụng một số cụm từ quảng cáo sản phẩm không phù hợp, gây hiểu nhầm có công dụng như thuốc chữa bệnh như: "phục hồi tuyến tuỵ", "ổn định đường huyết", "ngăn ngừa biến chứng".

Đại diện Công ty CP Thương mại D2D chi nhánh Hải Dương (làm mờ mặt) tại buổi làm việc
Đại diện Công ty CP Thương mại D2D chi nhánh Hải Dương (làm mờ mặt) ghi ý kiến kiến nghị tại buổi làm việc

Cũng theo Nghị định số 38, Công ty CP Thương mại D2D chi nhánh Hải Dương còn mắc 2 lỗi vi phạm khác về quảng cáo như: sử dụng các từ "nhất", "số một" mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định; sử dụng hình ảnh bác sỹ để nói về công dụng của sản phẩm.

Cùng ngày, một doanh nghiệp khác ở Hải Dương vi phạm Nghị định số 38 cũng đã bị Đoàn kiểm tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh triệu tập lên làm việc. Đó là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ F2B chi nhánh Hải Dương (địa chỉ tại thôn Tuyển Cử, xã Tân Hồng, Bình Giang). Đoàn kiểm tra kết luận website của doanh nghiệp này có thực hiện quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng sữa non Tổ yến Goldilac Grow (dành cho trẻ từ 2-18 tháng tuổi) sử dụng các từ "nhất", "số một" mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định; sử dụng hình ảnh bác sỹ để nói về công dụng của sản phẩm.

Sản phẩm dinh dưỡng sữa non Tổ yến Goldilac Grow đăng tải trên website của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ F2B chi nhánh Hải Dương (ảnh Đoàn kiểm tra cung cấp)
Sản phẩm dinh dưỡng sữa non Tổ yến Goldilac Grow đăng tải trên website của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ F2B chi nhánh Hải Dương (ảnh Đoàn kiểm tra cung cấp)

Quá trình làm việc, đại diện Công ty CP Thương mại D2D chi nhánh Hải Dương không thừa nhận website là của đơn vị; đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ F2B chi nhánh Hải Dương thừa nhận website là của đơn vị nhưng nói mới đang trong quá trình chạy thử, chưa kinh doanh sản phẩm. Người đại diện của 2 doanh nghiệp này đều không đồng ý ký vào biên bản làm việc.

Đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ vi phạm, củng cố hồ sơ để xử lý 2 doanh nghiệp trên theo quy định của pháp luật.

Đoàn kiểm tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hải Dương làm việc với đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ F2B chi nhánh Hải Dương
Đoàn kiểm tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hải Dương làm việc với đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ F2B chi nhánh Hải Dương

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng, Đoàn kiểm tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hải Dương đã tiến hành rà soát và bước đầu phát hiện vi phạm của 2 doanh nghiệp trên.

Những ngày tới, Đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục rà soát hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng của nhiều đơn vị khác.

Điểm a, khoản 2 Điều 34 Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với cá nhân, từ 20-40 triệu đồng với tổ chức có hành vi quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định.

Các điểm a, b, khoản 4 Điều 52 của Nghị định số 38 quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với cá nhân, từ 40-60 triệu đồng đối với tổ chức quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

BÌNH MINH
(0) Bình luận
Quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng như thuốc chữa bệnh, đại diện 1 doanh nghiệp ở Hải Dương bị triệu tập