Quản chặt việc ngân hàng bán bảo hiểm

06/12/2022 08:00

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm với nhiều nội dung đáng chú ý.

Cụ thể, bộ này đề xuất toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng phải được ghi âm và lưu lại ít nhất 5 năm. Với các loại bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung cung cấp thông tin và tư vấn của nhân viên ngân hàng trước khi phát hành hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm phải xác nhận việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm là tự nguyện…

Dù mới đang được lấy ý kiến nhưng đây là một nội dung được nhiều người quan tâm, nhất là những người có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Bởi thời gian qua, tình trạng ngân hàng “bán bia kèm lạc”- một cách gọi vui của việc phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng khá phổ biến. 

Ảnh minh họa

Một khảo sát của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) với 20 doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, doanh thu phân phối bảo hiểm qua ngân hàng tăng trưởng mạnh và đã bằng doanh thu từ kênh đại lý. Còn theo công bố của một số ngân hàng, doanh thu phí từ bảo hiểm mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng, thậm chí lên đến vài nghìn tỷ đồng và là một trong những trụ cột trong mảng dịch vụ, đóng góp lớn vào lợi nhuận của ngân hàng cả năm. Với lợi nhuận như thế nên dễ hiểu vì sao thời gian qua các sản phẩm bảo hiểm hiện diện trên các quầy giao dịch các kênh bán hàng của ngân hàng ngày càng nhiều. 

Tại Hải Dương, việc gợi ý khách hàng mua bảo hiểm để được hưởng ưu đãi khi vay vốn cũng diễn ra ở nhiều ngân hàng thương mại. Điều này giúp cho ngân hàng có thêm nguồn thu nhập từ hoa hồng và phí bảo hiểm, thậm chí còn có thể khai thác thêm nhiều dịch vụ khác từ nguồn khách hàng của bảo hiểm. Tuy nhiên, với những khách hàng có nhu cầu vay vốn thì việc này chẳng dễ chịu chút nào.

Nguyên nhân do nhu cầu vay vốn của khách hàng cao, trong khi hạn mức tăng trưởng tín dụng có hạn, vì vậy một số ngân hàng đã đưa thêm tiêu chí mua bảo hiểm vào chấm điểm tín dụng. Dù phía ngân hàng không ép nhưng khi mời mà khách hàng không mua, hoặc chỉ mua gói giá trị thấp thì hồ sơ chưa chắc đã được duyệt. Vì vậy nhiều khách hàng muốn vay vốn tại ngân hàng đành phải chấp nhận mua bảo hiểm theo lời mời của nhân viên ngân hàng. Nếu khách hàng có khoản vay của 2 hoặc 3 ngân hàng thì khó tránh khỏi phải mua 2-3 gói bảo hiểm.

Không chỉ các doanh nghiệp mà cá nhân muốn vay vốn cũng tương tự. Có khách hàng cho biết họ không muốn mua, nhưng nhân viên tín dụng nói thủ tục vay vốn đã xong, chỉ chờ ký hợp đồng bảo hiểm sẽ giải ngân, thế là dù chẳng vui vẻ, tự nguyện nhưng khách hàng vẫn phải bấm bụng ký vào hợp đồng mua bảo hiểm.  

Bản chất của bảo hiểm rất tốt, nhưng sự kết hợp của đôi bên kiểu “bán bia kèm lạc” đang làm cho hình ảnh của cả các công ty bảo hiểm và ngân hàng xấu đi. 

Để chấn chỉnh tình trạng ngân hàng ép khách mua bảo hiểm, ngày 13.1.2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN vể tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022, trong đó đề cập việc tăng cường quản lý bán bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng.

Tại Hải Dương, Ngân hàng Nhà nước tỉnh ngày 27.1.2022 đã ban hành chương trình hành động của ngành ngân hàng năm 2022, trong đó nêu rõ các tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có quy định như vậy nhưng nếu không có bằng chứng thuyết phục về việc bị ép, không tự nguyện mua bảo hiểm từ phía khách hàng thì sẽ rất khó xử lý được vi phạm. Vì vậy, nội dung dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm đề cập đến quy định ghi âm và lưu lại toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng trong vòng ít nhất 5 năm được dư luận quan tâm và đồng tình cao. Bởi đây sẽ là cơ sở cho việc xác định khách hàng có tự nguyện hay không?

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản chặt việc ngân hàng bán bảo hiểm