Để có được thành công ở các kinh đô thời trang, Phương Oanh từng trải qua quãng thời gian đào tạo khắc nghiệt, luyện tập như vận động viên.
“Em sẽ cho ban giám khảo thấy đây là sai lầm lớn khi loại em khỏi cuộc thi” là câu nói của Phương Oanh khi dừng chân tại Vietnam’s Next Top Model All Stars 2017 sau hai tập phát sóng. Hình ảnh cô người mẫu khóc nghẹn khi nói ra những lời đó hiện được chia sẻ nhiều, trở thành nguồn động lực sống cho các bạn trẻ.
5 năm trôi qua, vẫn với khuôn mặt góc cạnh và chiều cao 1,8 m ấy nhưng Phương Oanh đã trở thành niềm tự hào của ngành thời trang Việt. Lấy biệt danh Dahan khi sang nước ngoài, cô liên tục góp mặt ở nhiều show diễn lớn. Tại tháng thời trang vừa qua, cô được trình diễn cho nhiều nhà mốt danh tiếng tại Paris và Milan Fashion Week.
Catwalk Director Nhã Trúc cho biết: “Khi gặp ở Việt Nam, tôi đã rất thích Oanh. Cô ấy có chiều cao tốt, tỷ lệ cơ thể rất đẹp, gương mặt thu hút. Tôi nghĩ yếu tố quyết định giúp Phương Oanh được trình diễn trên những sàn diễn lớn là hình thể”.
Tỷ lệ chân và lưng
Ở buổi thử đồ của nhà thiết kế Elie Saab, nữ người mẫu sinh năm 1999 cho biết mình được khen: “Trời ơi, bạn mặc đồ haute couture đẹp quá”. Trong khi đó, ê-kíp Vogue Thái Lan thắc mắc: “Chúng tôi ít khi làm với người Việt. Mẫu Việt nào cũng cool như bạn sao?”.
Để mặc đẹp được đồ của các nhà thiết kế, hình thể ấn tượng là yếu tố không thể phủ nhận. Với kinh nghiệm tuyển chọn người mẫu, Nhã Trúc cho rằng khi muốn đánh sang thị trường quốc tế, yếu tố rất cần nhưng khó thay đổi là chiều cao và tỷ lệ cơ thể sau khi trưởng thành. Muốn có nhiều cơ hội hơn ở thị trường nước ngoài, chiều cao người mẫu phải đạt tối thiểu 1,75 m.
Phương Oanh trình diễn hai thiết kế của Elie Saab tại Paris Fashion Week. Ảnh: Vogue
Nhã Trúc kể: “Tôi từng nói chuyện với một bạn mẫu mất mấy năm chinh chiến trên các sàn diễn quốc tế và chỉ cao 1,72 m. Với chiều cao này, bạn gặp nhiều khó khăn khi đi casting cho những show diễn lớn”.
Khi có chiều cao và tỷ lệ đạt chuẩn quốc tế, một số kỹ năng mọi người cần trau dồi nữa là tập luyện để có body săn chắc. Cùng với đó, Nhã Trúc cho rằng kỹ năng cũng là yếu tố quan trọng.
Hơn nữa, Oanh cũng được nhận xét là người tự tin, dễ giao tiếp với mọi người. Vì thế, khi đến một đất nước xa lạ và giữ được năng lượng tích cực đó cũng khiến mọi người thích. Kỹ năng nói tiếng Anh cũng cần thiết, không phải xuất sắc nhưng có thể hiểu và tự tin giao tiếp đủ trong lĩnh vực thời trang.
Yếu tố quan trọng không kém là công ty quản lý Phương Oanh cũng đang làm việc rất tốt để kết nối cô với những nhà mốt lớn.
Yahya An Đinh - founder Taste Management - phân tích về lợi thế hình thể của Phương Oanh: “Không chỉ là vấn đề chiều cao hay khung xương. Tỷ lệ cơ thể chân với lưng của người châu Á thường gần như bằng nhau trong khi người châu Âu hoặc châu Phi có chân dài hơn lưng. Điều này giúp nâng cao sự duy mỹ trong yếu tố thị giác, mặc đồ lên đẹp hơn. Ngoài các số đo trong khuôn khổ của những sàn diễn khắt khe nhất, Oanh là một trong số rất ít model châu Á có tỷ lệ chân và lưng tương đối đẹp”.
Về phần catwalk, mỗi nhà mốt có tiêu chí riêng cho bộ sưu tập để thể hiện được tinh thần của từng nhóm khách hàng họ nhắm tới. Không chỉ có một cách walk chuẩn, người mẫu phải luyện nhiều kiểu walk khác nhau để thể hiện được tinh thần, cảm xúc cần thiết cho bộ sưu tập và giữ được cái chất riêng của bản thân.
Luyện tập khắt khe như vận động viên
Ngoài Phương Oanh, Jade Nguyễn và Seng Khan cũng đang “làm mưa làm gió” ở sàn quốc tế và là niềm tự hào của người Việt. Tuy nhiên, việc mang một quốc tịch khác cũng “mở đường” hơn cho hai nữ người mẫu này.
Phương Oanh góp mặt tại show diễn của Dolce & Gabbana và Philip Plein thuộc khuôn khổ Milan Fashion Week. Ảnh: Vogue
Với Oanh, sự thành công ở thời điểm hiện tại phụ thuộc vào hai yếu tố chính. Đó là hình thể, khả năng, nỗ lực và sự đồng điệu của team từ những ngày đầu trong cả tầm nhìn lẫn cách dẫn dắt.
Trước khi Oanh bắt đầu thi Next Top Model, công ty quản lý đã trao đổi và định hướng cho cô từ lúc mới 18 tuổi để xác định tầm nhìn chung.
“Quá trình rèn luyện dành cho Phương Oanh khắt khe không khác gì vận động viên hay cầu thủ với mục đích tồn tại lâu dài bằng thực lực ở nước ngoài chứ không phải làm vài show để đánh tiếng thị trường trong nước”, Yahya chia sẻ.
Ở thời điểm đó, 5 người mẫu khác nhau (bao gồm những mẫu đã có tiếng trong nước) cùng nỗ lực nhưng đến cuối cùng chỉ Oanh vượt qua được quá trình này và thực sự lột xác.
Tầm nhìn của công ty là một yếu tố quan trọng. Nhưng nếu không có khả năng và sự “lì lợm” theo đuổi giấc mơ bất chấp rào cản, không ai có thể giúp được bạn.
Là người chứng kiến sự trưởng thành của Phương Oanh, Yahya thừa nhận bản thân thấy nể cô vì ít người trẻ nào chấp nhận đào tạo chắc từ trong ra ngoài. Hầu hết muốn thành công nhanh chóng và sẵn sàng đánh đổi giá trị bản thân.
Vấn đề phân biệt chủng tộc phổ biến ở toàn thế giới, ngay cả Việt Nam cũng ưu ái da trắng hoặc những giá trị “Tây” hơn. Tuy nhiên, Phương Oanh may mắn chưa có trải nghiệm đáng tiếc liên quan đến vấn đề này.
Khi xác suất được chọn thấp hơn 0,01%
"Tàn khốc" là từ Phương Oanh và team của mình mô tả về khâu casting ở sân chơi quốc tế. Mọi người đã dành ra 6 tháng để nghiên cứu và phân tích thị trường trước. Nếu tỷ lệ được chọn cho một người mẫu châu Á là 0,05%, phần lớn sẽ thuộc về những bạn đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Xác xuất được chọn cho một người mẫu gốc Việt thấp hơn 0,01%. Tỷ lệ trên có thể được cải thiện khi thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các nhà mốt cao cấp và sức mua mạnh hơn.
Phương Oanh đứng cùng các người mẫu quốc tế khi trình diễn cho DROMe. Ảnh: Gabrielerosati_
Trong trường hợp của Phương Oanh, nhiều người thắc mắc: "Tại sao ở nước ngoài cô có thể trúng nhiều show như vậy nhưng ở Việt Nam trước đó lại không nổi?". Thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường Việt Nam chưa thực sự lành mạnh.
Với kinh nghiệm làm mẫu 10 năm rồi theo nghiệp Catwalk Director và Casting Director, Nhã Trúc nhận định ngành công nghiệp thời trang cần thay đổi rất nhiều mới có thể theo kịp thế giới. Quá trình tuyển chọn người mẫu ở Việt Nam thay đổi nhiều trong 10 năm. Khi tổ chức show, nhà thiết kế có danh sách những người thường xuyên diễn cho họ. Ê-kíp sẽ gọi và book những người mẫu đó.
Trước đây, các nhà thiết kế hiếm khi tổ chức casting mở. Những năm gần đây, quá trình tuyển chọn có sự thay đổi lớn khi những buổi casting được tổ chức công khai để người mẫu mới có cơ hội thử sức. Qua những buổi như vậy, một vài nhân tố mới sẽ được phát hiện và có cơ hội thăng tiến.
99% người mẫu ở Việt Nam làm tự do, không trực thuộc công ty nào. Ở nước ngoài, người mẫu buộc phải thuộc công ty chủ quản mới được làm việc. Ví dụ, người mẫu thuộc một công ty mẹ ở Việt Nam rồi mới đi nước ngoài. Khi đến kinh đô thời trang, ở mỗi nơi, công ty mẹ phải kết nối được với các agency lớn. Được đầu quân vào những công ty lớn, khả năng trúng show lớn sẽ cao hơn.
Theo Zing