Chỉ trong vòng 17 ngày (từ ngày 21.11-7.12), Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã cấp cứu bốn trường hợp bị máy bóc gỗ lóc da, trong đó có hai trường hợp rất nặng, phải chuyển về Hà Nội.
Khoảng 16 giờ 30 ngày 7.12, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) tiếp nhận bệnh nhân N.V.Đ, 33 tuổi, ở xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng, trong tình trạng chảy máu nhiều, phần cánh tay phải, ngực, bụng, bị máy bóc gỗ lóc toàn bộ da từ cánh tay phải đến bụng.
Người nhà bệnh nhân cho biết do bất cẩn khi làm việc với máy bóc gỗ, bệnh nhân bị quấn vào máy.
Bệnh nhân đã bị máy bóc mảng da lớn, được người nhà đưa vào viện trong trạng thái đau đớn, mất bình tĩnh và bị sốc do mất nhiều máu.
Các bác sỹ cắt lọc mô dập nát, ghép da từ vùng cánh tay phải, ngực đến bụng và chuyển bệnh nhân đến Khoa Hồi sức cấp cứu để điều trị tích cực.
Điều đáng nói, chỉ trong vòng 17 ngày (từ ngày 21.11-7.12), Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã cấp cứu bốn trường hợp bị máy bóc gỗ lóc da, trong đó có hai trường hợp rất nặng, phải chuyển về Hà Nội.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Đ.T. L, 27 tuổi, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng, bị máy bóc gỗ lóc toàn bộ da từ cánh tay phải đến bụng. Hai nạn nhân khác ở xã Tây Cốc huyện Đoan Hùng và xã Phương Viên huyện Hạ Hòa, cũng bị máy bóc gỗ quấn và trong tình trạng rất nguy kịch. Trong đó, có nạn nhân bị gãy xương ức, gãy xương sườn, xẹp phổi, vết thương lóc da mảng lớn khoảng 35% cơ thể. Nạn nhân đã được xử trí cấp cứu ban đầu và được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức để tiếp tục điều trị.
Bác sỹ Đặng Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cho biết trường hợp của các bệnh nhân bị tai nạn do máy bóc gỗ thường rất nghiêm trọng, có tổn thương cả xương sườn, xương ức, tổn thương vùng ngực, dập cả nhu mô phổi. Cả bốn trường hợp vào viện trong tình trạng sốc nặng, được các bác sỹ sơ cấp cứu ban đầu kịp thời.
Trường hợp của anh Đ.T. L, 27 tuổi, xã Vân Đồn, các bác sỹ bệnh viện đã phẫu thuật ngay trong ngày, vá được da tự thân. Hiện nay, bệnh nhân đã ổn định.
Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Đoan Hùng hiện có 30 doanh nghiệp chế biến lâm sản, trên 400 hộ mở xưởng xẻ gỗ, bóc gỗ. Tuy nhiên, người dân chưa được trang bị những kiến thức cần thiết về an toàn lao động trong quá trình vận hành máy bóc gỗ. Đây là vấn đề báo động về công tác an toàn lao động tại các cơ sở bóc gỗ nói riêng và các cơ sở chế biến lâm sản nói chung trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay.
TRUNG KIÊN (TTXVN)