Nhiều người vẫn chưa biết đến, thậm chí phớt lờ quy định đeo khẩu trang ở một số khu vực, trong khi dịch Covid-19 vẫn lây lan trong cộng đồng.
Nhiều người bán hàng tại chợ đầu mối Hội Đô (TP Hải Dương) không đeo khẩu trang
Đầu tháng 9 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành "Hướng dẫn sử dụng khẩu trang phòng chống dịch Covid-19 tại nơi công cộng", trong đó quy định rất cụ thể các trường hợp bắt buộc phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn phớt lờ quy định này.
Nhan nhản vi phạm
Trước cổng Bệnh viện Phổi Hải Dương dựng một biển thông báo cỡ lớn với dòng chữ “Người dân vào bệnh viện phải đeo khẩu trang”. Thế nhưng, chỉ cách đó vài chục mét có 2 thanh niên ngồi ghế đá vô tư “thả” khẩu trang xuống cằm, trên tay còn phì phèo điếu thuốc lá. Phía trong các phòng bệnh, đa số mọi người chấp hành quy định song vẫn có một số người nhà bệnh nhân và cả bệnh nhân không đeo khẩu trang.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cơ sở y tế là nơi tất cả các đối tượng bắt buộc phải đeo khẩu trang (trừ những người cách ly ở trong phòng đơn, người bị suy hô hấp, người bệnh đang phải thực hiện thủ thuật y tế theo chỉ định của bác sĩ, trẻ em dưới 5 tuổi). Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được quy định này, trong đó có cả nhân viên y tế.
Rất nhiều nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại siêu thị, chợ đầu mối cũng “quên” không đeo khẩu trang. Ghi nhận tại chợ đầu mối Hội Đô (TP Hải Dương) cho thấy nhiều người bán hàng không hề đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách. Một người bán bí xanh nói: “Tôi chưa nắm được là có quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Làm việc nặng nhọc này đeo khẩu trang sao thở nổi”.
Lái xe buýt 34F-000.42 đón khách trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) không đeo khẩu trang mặc dù thuộc diện bắt buộc
Quan sát nhiều xe khách, xe buýt và taxi trong tỉnh cho thấy hầu hết lái xe, người phục vụ trên xe đều không đeo khẩu trang dù họ thuộc diện bắt buộc phải thực hiện quy định này. Hành khách cũng bắt buộc phải đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhưng vẫn có rất nhiều người không chấp hành.
Phóng viên vào hai quán karaoke trên các phố Bà Triệu, Ngô Quyền (TP Hải Dương) cho thấy hầu hết nhân viên phục vụ không đeo khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với khách. Nhân viên một cơ sở dịch vụ tẩm quất trên đường Ngô Quyền cũng không đeo khẩu trang. Trong khi đó, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tại những nơi có không gian kín, thông khí kém như quán bar, karaoke, cơ sở dịch vụ xoa bóp, làm đẹp, phòng tập thể dục, thể hình, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ… thì nhân viên phục vụ, người bán hàng, người quản lý, người lao động bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Cũng không khó để nhận thấy nhiều người là quản lý, nhân viên phục vụ tại lễ hội, khu du lịch, khu vui chơi, giải trí… chưa nghiêm túc đeo khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và người tham dự.
Hai thanh niên đã đeo khẩu trang không đúng cách còn vô tư hút thuốc tại Bệnh viện Phổi Hải Dương
Cần sớm có chế tài xử lý
Theo tìm hiểu của phóng viên, quy định đeo khẩu trang bắt buộc nơi công cộng chưa thực hiện nghiêm xuất phát từ 2 nguyên nhân chính. Do một bộ phận người dân chưa nắm được quy định mới; vẫn còn tình trạng người dân đã nắm được nhưng chủ quan, không chấp hành vì cho rằng xã hội đã thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, phần lớn đã tiêm vaccine nên nếu có mắc Covid-19 cũng không đáng ngại.
Phóng viên đã phỏng vấn ngẫu nhiên hàng chục người dân, phần đông đều đồng tình quy định đeo khẩu trang, chỉ có số ít ý kiến cho rằng việc này không cần thiết. Bà Đặng Thị Hà ở huyện Kim Thành cho rằng: “Dịch chưa kết thúc, vẫn có nhiều người phải nhập viện nên tôi thấy bắt buộc đeo khẩu trang là cần thiết. Hơn nữa, đeo khẩu trang còn giúp chúng ta hạn chế hít phải khói bụi khi ra đường, giảm nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm khác”.
“So với trước thì quy định bắt buộc đeo khẩu trang lần này đã cụ thể hơn nhiều, có ích cho xã hội. Nhưng để người dân chấp hành thì cần sớm có chế tài để xử lý những trường hợp vi phạm. Đến giờ tôi vẫn chưa thấy chính quyền đưa ra mức phạt cụ thể. Vi phạm không đeo khẩu trang chỗ tôi nhiều lắm”, anh Nguyễn Trung Kiên ở Cẩm Giàng nói.
Nhiều người dân chưa nắm được quy định bắt buộc đeo khẩu trang cho thấy công tác tuyên truyền còn chưa được quan tâm đúng mức. Việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện quy định trên tại Hải Dương vẫn chưa thống nhất. Nhiều ý kiến cho rằng tỉnh cần sớm xây dựng chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này, thông tin rộng rãi tới nhân dân thông qua nhiều kênh. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần kiện toàn, bổ sung, phân công rõ lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm quy định… Có như vậy mới bảo đảm tính răn đe và quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ đi vào thực chất.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, thậm chí gia tăng số ca mắc trong thời gian gần đây, quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng cần thực hiện nghiêm túc nhằm góp phần làm giảm sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
NGUYỄN TIẾN