Giao thông - Đô thị

Phố đường tàu

HUYỀN TRANG 13/12/2023 09:00

Phố ga hay phố đường tàu là cách gọi nôm na về những dãy phố ở cạnh đường tàu. Nhiều người sinh sống lâu năm ở đây đã cùng chứng kiến sự chuyển đổi của ngành đường sắt.

00:00

anh-pho-.jpg
Những con phố cạnh đường tàu đã lưu giữ một phần ký ức, chứng kiến sự chuyển đổi biết bao thăng trầm của ngành đường sắt. Ảnh: Thành Chung

Thân thương tiếng còi tàu

Nhiều người lớn tuổi ở phố Ga, phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) giữ những hồi ức đậm nét về một thời khó khăn trước đây, về những giấc ngủ trằn trọc bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền xen lẫn tiếng còi tàu. Ngày ấy, việc xem giờ đâu có dễ dàng như hiện nay, người dân ở đây thường nghe âm thanh của những chuyến tàu ra, vào ga để nhận biết các khung giờ. Những đứa trẻ cứ thế lớn lên cùng tiếng còi tàu ngân vang, tiếng “xình xịch, tu tu" của những toa tàu lăn bánh trên đường ray. Với họ, những âm thanh ấy đã là một phần của cuộc đời.

Bà Vũ Thị Thùy Dương (sinh năm 1958), ở phố Ga và đã làm công việc soát vé tàu từ năm 1979 - cũng là thời điểm bà chuyển về ở khu tập thể cạnh đường sắt (sau này là phố Ga). Năm 2013, bà Dương nghỉ hưu. Từng công tác trong ngành đường sắt, nhà lại ở gần đường tàu thế nên bà Dương nắm rõ số chuyến, giờ tàu. Bởi vậy, bà gắn bó với ngành đường sắt qua nhiều thời kỳ.

Đã có lúc, ngành đường sắt ở thời kỳ hoàng kim, những chuyến tàu vận chuyển hành khách, hàng hóa ra vào ga nườm nượp. Những gương mặt rạng rỡ của hành khách trên những chuyến tàu về thăm nhà, những ánh mắt nhiều âu lo của sinh viên bỡ ngỡ khi lần đầu xa nhà để nhập học… đã trở nên quen thuộc. Rồi mấy năm dịch Covid-19, tàu vẫn chạy nhưng không khí kém tấp nập hẳn.

Theo lời bà Dương, sống tại phố Ga đa phần là cán bộ, nhân viên công tác trong ngành đường sắt. Họ là những người lái tàu, công nhân, thợ sửa chữa, những người soát vé… Có người đang công tác, có người đã nghỉ hưu, nhưng rất gắn bó, thân thiết, sẵn sàng đùm bọc, giúp đỡ nhau.

Ông Đinh Văn Hỏi (sinh năm 1959), Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư số 9, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đã gắn bó với nhà ga, đường ray từ thời thơ ấu. Khi 13 - 14 tuổi, ông cùng nhiều thiếu niên trong khu phố thường bán nước chè trên những chuyến tàu. Những chén nước chè ấy đã giúp ông Hỏi có thêm một khoản tiền nho nhỏ phụ giúp gia đình. "Những người dân khu phố đường tàu đã chứng kiến biết bao đổi thay, thăng trầm của ngành đường sắt. Nhất là thời gian gần đây, nhà ga đã được cải tạo khang trang hơn. Những chuyến tàu cũng đã chạy êm hơn trước”, ông Hỏi chia sẻ.

Chở nỗi nhớ mong

Trước đây, bà Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1956) sống ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), đến năm 1996 thì chuyển đến phố Cựu Khê, phường Bình Hàn. Thời gian đầu, bà Dung không quen với những âm thanh ồn ã mỗi khi đoàn tàu chạy qua trước cửa nhà. Có những đêm đang ngủ, bà giật mình tỉnh giấc bởi tiếng “xình xịch”, những hồi còi hú "tu tu" của những chuyến tàu đêm. Thế nhưng dần dần âm thanh ấy trở nên quen thuộc. Bây giờ nhiều khi đi xa, không nghe thấy tiếng còi tàu bà Dung lại thấy nhớ. Vì nhà ở gần ga Hải Dương nên các con cháu của bà Dung đang sinh sống, làm việc ở Hà Nội luôn đi tàu hỏa mỗi khi có dịp về thăm nhà.

Cùng là tiếng còi tàu ấy nhưng cảm xúc vui buồn cũng tùy theo hoàn cảnh. Lúc tiếng còi tàu ngân vang báo hiệu vào ga, ra sân ga đón con cháu, nhất là vào những chiều cuối năm với bà Dung là cảm xúc háo hức mong chờ. Trong dòng người hối hả mang theo hành lý, đồ đạc lỉnh kỉnh, bà ngóng đợi tìm kiếm bóng dáng quen thuộc của các con cháu. Để rồi khi tiễn người thân lên đường, bà lại rưng rưng nhìn theo con tàu xa dần rồi mất hút.

anh-pho-2.jpg
Từng công tác trong ngành đường sắt, nhà lại ở gần đường tàu nên bà Dương nắm rõ số chuyến, giờ tàu

Chị Bùi Thị Ngọc Uyên (32 tuổi) đang sinh sống và làm việc tại Bỉm Sơn (Thanh Hoá) cho biết: “Nhà tôi ở đường Phạm Đình Hổ, cách mấy bước chân là đến ga Hải Dương. Vì thế tôi rất thích truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam. Với những người con xa quê như tôi, đoàn tàu là nơi đưa tôi về với ký ức tuổi thơ, với gia đình. Tiếng loa phát thanh của nhà ga luôn văng vẳng bên tai tôi mỗi khi nghĩ đến những chuyến tàu về quê. Tàu cũng gắn với tôi suốt hành trình từ Hải Dương - Hà Nội trong 4 năm đại học".

Chị Uyên thích đi tàu không chỉ bởi giá vé rẻ mà ngồi trên tàu chị còn có thể ngắm cảnh, ngắm nghía cuộc sống của người dân hai bên đường. Chị cũng đặc biệt có cảm giác khó quên với những chuyến tàu dịp cuối năm khi ai nấy đều lỉnh kỉnh hành lý, quà Tết, gương mặt rạng rỡ, tươi vui khi được trở về nhà đón Tết. "Sân ga chiều cuối năm, nhiều người hớn hở cầm theo cành đào, cành mai về quê ăn Tết. Lúc đặt chân xuống sân ga, tôi luôn cảm thấy bồi hồi, hòa vào dòng người hối hả, rảo bước thật nhanh để về với gia đình”, chị Uyên kể.

Tuyến đường sắt chạy qua TP Hải Dương lặng lẽ hòa mình với nhịp sống nơi này, trở thành một phần quen thuộc với người dân phố đường tàu và là miền nhớ của nhiều người con xa nhà.

HUYỀN TRANG
(0) Bình luận
Phố đường tàu