Bình yên trong tiếng còi tàu

23/06/2023 09:19

Hải Dương là một thành phố bình yên. Khởi đầu cho cảm giác bình yên ấy xuất phát từ một sân ga cổ ở phía bắc thành phố - ga Hải Dương.

00:00



Ga Hải Dương là điểm giữa nối tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng

Theo lẽ thường, cái gì cổ thì thường sẽ nhỏ. Nhà ga này không ngoại lệ. Nó bé xíu, vài bước chân ngang là qua nhưng ba đường sắt dọc sân ga thì chạy dài theo hàng trăm năm lịch sử. Hơn một thế kỷ (tính từ ngày khánh thành tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy qua ga Hải Dương trưa 28.2.1902 với sự góp mặt của nhiều quan chức cấp cao và hoàng gia nhiều nước, trong đó có hai nhân vật lịch sử lẫy lừng là vua Thành Thái và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer), trải qua bao nhiêu lần đạn bom hủy diệt, bao biến cố thăng trầm, bây giờ ga nhỏ vẫn nằm đây, bốn mùa lặng lẽ lắng nghe từ hai phía, phía đông - Hải Phòng và phía tây - Hà Nội, tiếng còi tàu đi về níu giữ những bình yên.

Cái bình yên ấy được dẫn từ những con đường nhỏ, xanh um bóng cây, ba phía chụm đầu lại thành sân ga. Đường Hồng Quang, tiếng là lớn nhất trong ba con đường, chia hai chiều, nhưng ngắn có một khúc và chẳng mấy khi ồn ào tiếng người xe. Nếu là mùa đông, có lẽ cái ồn ào thành phố chạy đến đây, đầu tiên, sẽ lặn xuống đáy trời trong vắt của hồ nước nhỏ bên Cung Thiếu nhi thành phố, để mùa hè đội nước lớn lên thành muôn vạn đài sen. Cái ồn ào ấy đi thêm khúc nữa sẽ lẩn vào tòa nhà cao tầng rất cũ, màu vôi loang lẫn với màu thời gian thành “Khách sạn Hoa Hồng” - khách sạn đầu tiên của thị xã mà bây giờ là thành phố. Nơi tưởng chừng như thiên đường những năm 80 của thế kỷ trước hóa ra lại rất thân thuộc với đứa bé gái đi học xa nhà vì có dì ruột làm nhân viên ở đấy. Bài học đầu đời đứa bé học từ thị xã chính là tính kiên nhẫn khi ngồi bên dì, cạnh thùng kem của khách sạn mà dì bán trong một chiều gió đông. Kem chiều ấy tan nhanh hơn chiều khác. Cách đó một đoạn, Bách hóa tổng hợp nhộn nhịp người vào ra bỏ quên phía sau hai dì cháu ngồi như hai cái bóng. Và đến khi có vị khách duy nhất là một bà cụ già vác cái bao tải cũ, lục khắp các túi không đủ tiền mua nổi một cây kem thì thị xã lại dạy đứa cháu học thêm bài học thứ hai từ món quà dì tặng cho bà cụ - bài học biết yêu thương. Và đường Hồng Quang nhốt khúc âm cuối cùng của ồn ào thành phố vào nhà Bảo tàng, giữa ngợp màu cây, trong những trầm tích lịch sử, văn hóa hàng trăm, hàng nghìn năm của Hải Dương văn hiến - những hiện vật mê hoặc trong màu cũ giữa xôn xao tiếng vọng cuộc đời.

Dẫn đến sân ga còn hai con đường nữa, nhỏ, rất trầm và bình yên như màu lá là đường Chi Lăng và đường An Ninh. Cách ga tầm hai chục bước, có những ngôi nhà mặt phố, quán hàng mở nhiều loại nhưng không bao giờ khóa cửa khi chủ nhân có việc ra ngoài. Tôi đã từng gửi xe ở một ngôi nhà kiêm cửa hàng như thế. Cửa không đóng, chủ nhân không có nhà, gọi điện mãi mới nghe, bảo cứ để trước cửa ấy, không sợ mất đâu, bao nhiêu năm ở đây thế, quen rồi.

Cùng với thời gian, ga Hải Dương vẫn đón đưa những đoàn tàu xuôi ngược, mang đến cảm giác thân quen cho bao người nơi thành phố mến thương. Ảnh: Nhân Chính

Ba con đường nhỏ thong thả người xe chụm đầu lại thành sân ga thành phố. Sân ga cũng nhỏ, vài bước chân, ranh giới phân chia cũng chỉ vài thanh chắn với mấy cái cọc xi măng, màu sơn quen, nhìn lâu thành thân như khách quen đi tàu thân mấy cô bán hàng rong luôn ngồi xế bên cửa ga, chếch về phía đường An Ninh. Hàng quà của họ thường được đựng trong cái thúng con, ủ cẩn thận trong lòng thúng cái trần vải bông kín xung quanh. Cái nắp thúng để giữ hơi cho nóng cũng bằng vải bông chần, mở ra những món quà rất rẻ vì mới được thu hái lên từ đồng đất quanh đây nhưng lại rất ngon vì đẫm nắng đẫm gió, vì thấm vị phù sa và đậm cả tình người. Đó là bánh khúc, bánh giò, dày giò, xôi chả… những món ăn nơi nào cũng có, ai cũng biết, ai cũng từng ăn nhưng ở đất này nó mới có vị riêng, không lẫn. Đó là vị nhớ, vị thương cố hữu, nằm thẳm sâu đâu đó trong tim ta, như ta thương bà thương chị ta nên mỗi lần thấy đâu đó dáng hình quen lại nhớ về bóng cũ hình xưa mà xao xuyến, mà day dứt mãi.

Ga Hải Dương còn có thêm một cái bình yên, rất đặc biệt nữa, đó là không có chỗ gửi xe. Khách mua vé tàu cứ việc quăng xe bất cứ chỗ nào, miễn là trong ranh giới cái sân ga bé tí, vào mua bán hỏi han chán, thậm chí mượn chìa khóa nhà vệ sinh từ chỗ cô nhân viên nhà ga sau khi nghe dặn nhớ khóa cửa lại cẩn thận như cũ… nhiều việc đến nhãng đi, lúc quay ra mới giật mình chợt nhớ xe của mình vẫn đứng đó, trơ khấc giữa khoảng sân chan chan nắng và bốn phía vắng người.

Khởi hành từ ga Hải Dương, ta sẽ như người nhà. Không phải chỉ bây giờ, khi công nghệ phát triển, khách mua vé online nhiều, nhà tàu có thể kiểm soát vé thông qua màn hình điện thoại của mỗi nhân viên mà bao nhiêu năm rồi vẫn thế. Ta vào ga, ta lên tàu, ga Hải Dương đón và tiễn ta như đón và tiễn những người thân thiết. Rồi từ sân ga này, ta đi. Nếu xuôi Hải Phòng, điểm đến đầu tiên của tim ta là cầu Phú Lương, cầu đường sắt bắc qua sông Thái Bình, nơi chứng kiến bao trận chiến lẫy lừng của quân và dân Hải Dương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Còn nếu ngược về Hà Nội, ta sẽ qua ga Cẩm Giàng có nhà Tự lực văn đoàn cổ tích, bốn mùa ngủ yên trong bóng cây. Lúc ấy nhất định ta phải tìm trên sân ga chỗ ngày xưa chị em cô bé Liên ngồi bên quán hàng đêm để ngóng đoàn tàu chở theo ánh sáng từ Hà Nội về rọi soi vài phút cho phố huyện tăm tối sáng bừng lên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.

Ga Hải Dương là điểm giữa nối tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường sắt lịch sử đánh dấu bước tiến mới trong quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp tại Đông Dương. Chiến tranh đã đi qua, hòa bình về lại trên mảnh đất này, trả lại cho ga Hải Dương vẻ bình yên như vốn có, để mỗi ngày vẫn chờ đưa đón những chuyến tàu qua. Và từ những chuyến tàu ngày thường dăm mười toa đến những chuyến tàu ngày lễ nối vài chục toa với đủ các sắc màu, dẫu chỉ dừng lại ở nơi đây mỗi lần năm phút để đón trả khách thì tiếng còi tàu vẫn bốn mùa giục giã, đánh thức trong tim mỗi người Hải Dương, dù đi hay ở, khát vọng vươn tới những miền xa sau khi neo một góc tâm hồn mình ở lại sân ga nhỏ, cái sân ga bốn mùa bình yên theo tiếng còi tàu.

NGUYỄN HẢI YẾN

(0) Bình luận
Bình yên trong tiếng còi tàu