Phim truyền hình Việt: Dài, dai và dở

27/07/2021 08:53

Nhiều phim truyền hình Việt rơi vào cảnh phần đầu hay nhưng đến giữa và về cuối lại dài dòng, luẩn quẩn và có một cái kết không thỏa mãn khán giả.

"Đầu voi đuôi chuột" trở thành căn bệnh khó chữa trị của phim truyền hình Việt. Nhiều người trong giới cho rằng nếu muốn có một tác phẩm súc tích và thỏa lòng khán giả thì nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch... không nên quá tham lam ôm đồm nhiều tình tiết, cao trào để lôi kéo sự chú ý của khán giả rồi rơi vào cảnh kết vội, kết cho có.

Để phim truyền hình Việt phát triển, những căn bệnh như trên cần được chữa trị tận gốc để lấy lại niềm tin khán giả.

Lòng thòng, nhàm chán

Phim "Hương vị tình thân" của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng thực hiện, Việt hóa từ tác phẩm "My only one" của Hàn Quốc, đã kết thúc phần 1 và bắt đầu chuyển sang phần 2. Phim được đánh giá là tác phẩm thu hút được khán giả bởi những tình tiết cao trào, kịch tính xoay quanh cuộc đời của nhân vật Phương Nam (Phương Oanh đóng).

Tuy nhiên, cũng như bao phim truyền hình Việt khác, "Hương vị tình thân" đang đi vào tình trạng "đuối sức" với các tình tiết lằng nhằng. Khán giả phản ứng trái chiều về cách xây dựng nhân vật và nội dung phim, chuyện tình cảm quá mức dài dòng giữa Phương Nam và nhân vật Long (Mạnh Trường đóng) cũng gây chán ngán.

Phim "Cây táo nở hoa" (một tác phẩm Việt hóa từ phim Hàn "What’s wrong Poong Sang) của đạo diễn Võ Thạch Thảo cũng có những tình tiết dài dòng, bi kịch tiếp nối bi kịch gây nhàm chán khiến không ít người tuyên bố bỏ theo dõi dù ban đầu phim được nhiều lời khen ngợi.

Một cảnh trong phim “Hướng dương ngược nắng”

Có thể kể ra cả một danh sách dài các phim mở đầu rất hay, được khen nhưng dần trở nên dài dòng, thiếu hợp lý và cái kết hời hợt, nhạt nhòa. Đó là phim "Hướng dương ngược nắng", "Tình yêu và tham vọng", "Mê cung", "Lựa chọn số phận", "Về nhà đi con", "Tiếng sét trong mưa", "Gạo nếp gạo tẻ"...

Trong đó, phim "Hướng dương ngược nắng" (2 phần) được khen có dàn diễn viên diễn xuất tốt, lời thoại chất lượng, hấp dẫn ở phần đầu. Về sau, phim cũng bị chê dài dòng, mở ra nhiều tình tiết tạo thành "mớ bòng bong" nhưng lại không giải quyết thấu đáo và một cái kết chẳng khác nào bảng tổng kết chuyện tình của các nhân vật.

Phim "Về nhà đi con" cũng không tránh được một cái kết lãng xẹt và hời hợt, các nhân vật phụ không được đề cập. Ngay khi tác phẩm này kéo dài thêm tập so với dự kiến thì những lời chê bai tình tiết dài dòng, lê thê đã xuất hiện.

Biết dừng đúng lúc

"Phim truyền hình Việt "đầu voi đuôi chuột" một phần do biên kịch cố tình kéo dài tình tiết đến lúc kết thúc thì chóng vánh khiến khán giả hụt hẫng. Việc đưa tình tiết, nhân vật vào tràn lan cũng khiến phim lan man, không thể xử lý hết vào giai đoạn kết thúc", nhà báo, nhà lý luận phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long lý giải.

Tương tự, biên kịch Thanh Hương nhận định căn bệnh này có một số nguyên nhân như biên kịch đưa ra nhiều tình tiết, nhân vật mà lại không đủ sức để kiểm soát dẫn đến đuối dần khiến nội dung phim thiếu hợp lý; nhà sản xuất cùng đạo diễn thấy phim thu hút nên yêu cầu biên kịch kéo dài thêm nội dung để tăng số lượng tập dẫn đến lê thê.

"Nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan dẫn đến "đầu voi đuôi chuột" nhưng thực trạng này vẫn có thể khắc phục được nếu biên kịch biết dừng đúng lúc. Đồng thời, biên kịch có thể thuyết phục được nhà sản xuất để giữ nội dung, không cố tình kéo dài tình tiết quá đà để tăng số lượng tập mà giảm chất lượng phim", biên kịch Thanh Hương cho biết.

Biên kịch Đông Hoa cho rằng ngày nay có nhiều kịch bản viết theo nhóm và nếu nhóm trưởng không đủ sức kiểm soát dễ dẫn đến tình trạng nhân vật không đồng nhất tính cách qua các giai đoạn. Đó là chưa kể một số kịch bản phim khi đến tay bộ phận biên tập các nhà đài thì nhiều tình tiết được sửa đổi, khai thác thêm.

Cũng theo biên kịch Đông Hoa, phim Hàn Quốc có không ít tác phẩm chỉ từ 16 đến 20 tập nên nội dung cô đọng, súc tích. Các phim này tình tiết kịch tính, nút thắt mở hợp lý mà nhanh chóng, giữ được mạch phim. Khán giả khi xem không bỏ lỡ tình tiết nào bởi chúng được xử lý phù hợp.

Vấn đề là phim truyền hình Việt đều không thể làm số tập ngắn như thế mà thường ít nhất 30 tập trở lên mới đủ cho biên kịch có thu nhập và nhà sản xuất có thể lấy lại tiền đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận từ quảng cáo. Vì thế, đã đến lúc phải thay đổi từ cách tính thù lao cho biên kịch đến cách đầu tư của nhà đài và nhà sản xuất.

"Mức thù lao dành cho biên kịch phim Việt thấp, lại tính theo từng tập nên số tập ít đồng nghĩa thu nhập cũng ít theo. Tôi nghĩ nhà sản xuất nên tính thù lao theo chất lượng kịch bản mà không phải theo tập. Nghĩa là, kịch bản phân loại A, B, C và mỗi loại có mức thù lao khác nhau. Đồng thời, nhà đài cũng nên tính toán lại phương thức hợp tác với nhà sản xuất phim để nhà sản xuất có đủ tự tin mang đến khán giả những phim ít tập nhưng cô đọng, hấp dẫn...", biên kịch Đông Hoa gợi ý.

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phim truyền hình Việt: Dài, dai và dở