Chính quyền Pháp tuyên bố sẽ rút lại đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, nhằm giảm bớt áp lực từ làn sóng đình công, biểu tình hơn một tháng qua.
Người lao động và công đoàn viên xuống đường ở Lyon, Pháp ngày 11.1 để phản đối kế hoạch cải cách lương hưu
"Tôi sẵn sàng rút khỏi dự luật biện pháp ngắn hạn mà tôi đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên 64 tuổi từ 2027", đài BBC dẫn lời thủ tướng Pháp Edouard Philippe nói ngày 11.1. Tuổi nghỉ hưu hiện tại của Pháp là 62 tuổi.
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh người biểu tình tiếp tục xuống đường ngày thứ 38 vào cuối tuần này để phản đối kế hoạch cải cách hưu trí của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Ông Macron mô tả đề xuất của ông Philippe là "sự nhượng bộ mang tính xây dựng". Chính trị gia Ségolène Royal đánh giá sự nhượng bộ này là "muộn còn hơn không". "Tôi hi vọng nó sẽ cho phép tiếp tục trở lại các cuộc đàm phán nghiêm túc. Đây chỉ là bước đầu tiên, sẽ còn nhiều bước nữa", bà Royal nói với tờ Le Figaro.
Trước đó, chính quyền ông Macron vẫn khẳng định việc nâng tuổi hưu là rất cần thiết để đảm bảo hệ thống hưu trí công bằng và ổn định về tài chính. Chưa rõ sự nhượng bộ này có đủ để xoa dịu làn sóng biểu tình hay không.
Đến nay, các cuộc biểu tình và đình công, do các công đoàn Pháp khởi xướng đòi chính phủ rút lại toàn bộ dự luật cải cách hưu trí, đã ảnh hưởng lớn đến hệ thống giao thông công cộng trên toàn nước Pháp.
Công đoàn Pháp cho biết họ hoan nghênh sự nhượng bộ của chính phủ và yêu cầu tiếp tục đàm phán. "Đó là chiến thắng cho công đoàn. Biện pháp (nâng tuổi hưu) vô dụng và bất công này là lằn ranh đỏ cho tổ chức của chúng tôi", tờ Guardian dẫn lời tổng thư ký Công đoàn Pháp Laurent Berger nói.
Một số tổ chức công đoàn trong khi đó vẫn khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức đình công và biểu tình cho đến khi chính phủ rút lại toàn bộ dự luật hưu trí.
Theo Tuổi trẻ