Mong lắm, khẩn cần lắm những chính sách, kế hoạch nhanh chóng được thực hiện, những vòng tay sớm chở che cho phận trẻ côi cút vì dịch bệnh.
"Hôm tôi đưa hũ tro cốt ảnh về, con bé út 6 tuổi cứ hỏi ba đâu rồi má, sao không thấy ba đâu! Anh nó 13 tuổi, hiểu chuyện khóc trả lời em là ba nằm trong hũ đó rồi, không thấy ba được nữa đâu. Con bé không tin, cứ đòi mở hũ tro cốt cho nó xem làm sao ba chui vô đó được. Rồi hai anh em ôm nhau khóc nức nở bên hũ tro cốt ba", đã gần hai tháng mất chồng vì dịch bệnh, chị Lê Thị Hồng Cúc vẫn nấc nghẹn khi nhắc chuyện con thơ phải sớm mồ côi cha.
Chiều mưa tầm tã, tôi ghé hẻm nhỏ 575 tỉnh lộ 10 (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cũng là lúc cậu bé mồ côi Trần Văn Phúc mới học online lớp 8 trên chiếc điện thoại kỷ vật của người cha qua đời khi vừa 34 tuổi.
Chị Cúc chùng giọng kể thằng bé quý cái điện thoại này lắm, cứ ôm khư khư. Cả khi ngủ thằng bé cũng để điện thoại bên mình như hồi còn sống cha hay ngủ chung với cậu. Còn bé út Trần Như Tâm vừa vào lớp 1, mỗi ngày thấy mẹ cúng cơm cha đều bi bô hỏi: "Mẹ ơi, sao hổng thấy ba về ăn cơm với con?".
Nhà hai bé quá nghèo, cha làm thợ nhang nuôi gia đình, mẹ nhận gia công găng tay ở nhà nhưng bữa có việc, bữa không mà ngày nào may mắn lắm cũng chỉ kiếm nổi 50.000 đồng.
Từ đầu dịch, vợ chồng đã thất nghiệp. Rồi người chồng ra đi, gánh nặng chỉ còn oằn trên vai người vợ gầy gò. Món nợ 10 triệu đồng để xoay xở mấy tháng qua của họ vẫn còn đó, chưa biết làm sao để trả.
"Ảnh mất nhanh lắm, không kịp trăng trối tôi ở lại nuôi con thế nào. Ảnh vào bệnh viện có một ngày thì tôi nhận tin ảnh đi rồi", chị Cúc nghèn nghẹn kể.
Hai bé thơ này chỉ là một trong 23 gia cảnh mồ côi cha, mẹ vì COVID-19 mà tôi cùng Hội Phụ nữ phường Bình Trị Đông B đi trao quà. Những suất quà nhỏ bé, chỉ có 1,5 triệu đồng và một thùng sữa, mong góp chút phần xoa dịu nỗi đau thương.
Hầu hết các bé mồ côi đều ở trọ sâu trong những con hẻm ngoằn ngoèo, nếu không có Hội Phụ nữ địa phương nhiệt tình dẫn đường thì chắc chúng tôi khó tìm được.
Có bé cha mẹ làm công nhân, có bé cha mẹ buôn bán lặt vặt, chạy xe ôm, bảo vệ khu phố, nhưng đều đang thất nghiệp, cuộc sống trông đợi tiền cứu trợ và những túi thực phẩm an sinh. Cảnh túng quẫn hiện rõ trong những phòng trọ chật hẹp và trên mặt người còn lại.
Anh Lê Văn Truyền - bảo vệ khu phố 13 ở phường này - nghẹn giọng kể vợ mình mất đi, để lại 3 đứa con trong phòng trọ lạnh lẽo. Anh cũng chưa biết cuộc sống sắp tới sẽ ra sao khi việc của mình chỉ có lương hơn 2 triệu đồng mà tiền nhà trọ và điện nước đã hết gần 2 triệu.
Ở gần đó, người cha Ngô Tấn Việt cũng chưa thể tính nổi ngày mai khi vợ trẻ qua đời để lại cho chồng hai đứa con thơ, mà bé út mới 7 tuổi đêm đêm vẫn ôm chặt gối mẹ vì nhớ hơi!
Ngày mai chưa biết sẽ ra sao! Lời tâm sự buốt lòng này tôi đã lặng nghe ở hết nhà này đến nhà khác. Nhưng đâu phải đến ngày mai, ngay hôm nay tôi đã thấy trĩu nặng nỗi lo rồi.
Nhiều bé thơ mồ côi tôi gặp đang phải học online trên chính chiếc điện thoại mờ mịt của người cha, người mẹ qua đời để lại. Những ánh mắt trẻ thơ đỏ lừ vì khóc phận mồ côi và cả vì học trên chiếc điện thoại nhỏ xíu.
Gần đây thật ấm lòng khi thấy chính quyền và nhiều nhà hảo tâm đã cố gắng hỗ trợ tài chính, đến tận nơi san sẻ, động viên các bé. Đã có chính sách, quy định bảo trợ, lo lắng cho các bé đến lúc trưởng thành. Nhiều nhà hảo tâm đã lên kế hoạch cưu mang các em, lo cho các em việc học.
Dịch giã vẫn chưa qua đi, danh sách trẻ mồ côi vẫn còn dài thêm mỗi ngày. Mong lắm, khẩn cần lắm những chính sách đó, kế hoạch đó nhanh chóng được thực hiện, những vòng tay sớm chở che cho phận trẻ côi cút vì dịch bệnh.
Trẻ đã phải chịu nỗi đau côi cút, dù thế nào cũng không được để trẻ phải chịu thêm nỗi khổ sở, thiệt thòi nào nữa.
Theo Tuổi trẻ