Lao động - Việc làm

Phận lao động chui ở nước ngoài

BẢO ANH 27/05/2024 11:00

Vì đồng tiền, miếng cơm manh áo nhiều hơn mà nhiều lao động Hải Dương đã trở thành người làm việc chui, bất hợp pháp ở nước ngoài, có những người đã phải trả giá đắt.

ld-chui-3(1).png
Một lao động Hải Dương bị gẫy chân trong lần chạy trốn khỏi cảnh sát Đài Loan vì cư trú bất hợp pháp (ảnh do người lao động tại Đài Loan cung cấp)

Sống chui lủi và gánh rủi ro ở “miền đất hứa"

Bộ phim tài liệu “Miền đất hứa” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư phát trên sóng VTV3 khiến không ít người ám ảnh về số phận của lao động Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc), trong đó có không ít người Hải Dương. Họ phải sống tạm bợ nơi gầm cầu, bến tàu, có lúc chịu cảnh màn trời, chiếu đất. Có người bị ốm nhưng không dám đi khám bệnh, để rồi vĩnh viễn không thể trở về quê hương. Họ chấp nhận sống ở những khu nhà trọ lụp sụp, ngày cũng như đêm, tối tăm, ẩm thấp khuất sau sự nhộn nhịp, năng động của những thành phố lớn tại Đài Loan, Hàn Quốc. Góc khuất của lao động xa xứ lần lượt được đạo diễn Tạ Quỳnh Tư mở ra.

Những điều thấy trên phim lại có thật khi tôi được nghe những lao động Hải Dương từng sống và làm việc dưới “mác” lao động chui tại Đài Loan, Hàn Quốc kể lại.

8 năm làm việc tại Đài Loan, anh Nguyễn Văn Tình quê ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) có 6 năm làm lao động chui. 20 tuổi, lần đầu tới TP Cao Hùng, anh Tình choáng ngợp trước sự sầm uất của thành phố lớn thứ hai tại Đài Loan. Sau 1 ngày ổn định chỗ ở, anh Tình được môi giới đưa đến làm việc tại một doanh nghiệp cơ khí thuộc vùng ngoại ô thành phố. Ban đầu việc nhiều, thu nhập tốt nhưng 2 năm sau công ty ít việc dần, giảm lương, cắt thưởng, anh Tình cùng 3 đồng hương đã rủ nhau trốn ra ngoài với hy vọng sẽ tìm được việc làm mới có thu nhập cao hơn.

ld-chui-1.png
Lao động bất hợp pháp rất dễ bị lực lượng chức năng nước sở tại truy quét và có thể bị tạm giam, trục xuất (ảnh người lao động tại Đài Loan cung cấp)

Mới ra ngoài còn bỡ ngỡ nên nhóm của anh Tình khó xin được việc làm ngay. Lang thang, tá túc mấy hôm ở bến tàu điện ngầm, anh Tình gặp một người Việt quê ở huyện Đô Lương (Nghệ An). Anh được chị này giới thiệu đến làm ở một cơ sở chế biến bánh bao ngay trung tâm thành phố. Từ ngày trở thành lao động bất hợp pháp, anh Tình phải trải qua nhiều nghề từ dọn rác, chăn bò, nuôi gà rồi lên núi hái chè thuê. Chỗ ở cũng phải thay đổi liên tục để tránh bị kiểm tra, vào tù, trục xuất về nước…

Lao động bất hợp pháp, nay đây mai đó, trốn chui trốn lủi, khổ cực và tủi nhục, anh Tình còn luôn nơm nớp sợ gặp cảnh sát Đài Loan. “Một lần trên đường cùng ông chủ đến nơi lấy hàng thì bị cảnh sát tuýt còi. Tôi nhắm mắt nghĩ thầm thế là hết, đống nợ ở nhà vẫn chưa trả xong. Chỉ đến khi xe bon bon chạy tiếp tôi mới dám thở mạnh vì may mắn hôm đó cảnh sát không kiểm tra giấy tờ của từng người mà chỉ phạt ông chủ tội chở người sau thùng xe bán tải”, anh kể.

Nỗi lo bị cảnh sát kiểm tra, bắt giữ rồi trục xuất về nước luôn đeo bám lao động chui. Không chỉ tại Đài Loan, nhiều lao động Hải Dương ở Hàn Quốc cũng chịu cảnh bất an như vậy.

“Làm việc bất hợp pháp được trả lương cao hơn nhưng luôn lo sợ bị phát hiện, trục xuất”, chị Nguyễn Hạnh, quê ở xã Lê Lợi (TP Chí Linh) - một lao động chui ở Hàn Quốc nói với tôi như vậy khi kể về cuộc sống của những lao động đi làm thuê nơi xứ người như chị.

Sau gần 3 năm làm việc ở Hàn Quốc, chị Hạnh đã tích cóp được số tiền kha khá gửi về quê làm nhà mới và giúp chồng nuôi các con ăn học. Vì xây nhà to, đội vốn nên số tiền chị Hạnh gửi về cùng số tiền tích cóp của chồng chị mấy năm qua vẫn thiếu. Ngôi nhà mới 2 tầng khang trang, rộng hơn 100 m² ở quê vừa hoàn thiện, chi phí phát sinh lên đến hơn 200 triệu đồng. Nghe tin còn nợ nhiều, đêm đêm chị Hạnh trằn trọc mất ngủ, đấu tranh giữa về và ở. Nếu về thì chị tiếp tục gánh khoản nợ không nhỏ, còn ở lại buộc phải trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp vì chị cũng sắp hết hợp đồng lao động.

Về nước đúng hạn nhưng muốn quay lại Hàn Quốc làm việc lại không dễ vì chị lo thi tay nghề và tiếng Hàn chặt chẽ. Suy đi tính lại, trước khi hết hạn hợp đồng vài ngày, chị Hạnh quyết định bỏ ngang, trốn ra ngoài làm việc.

“Tôi thuê một phòng trọ nhỏ ở TP Seoul. Đi làm về là khóa trái cửa, không tiếp xúc với bên ngoài. Hằng ngày, tôi dậy từ 3 giờ sáng để bó rau, lần lượt xếp vào từng thùng carton để bà chủ đem đổ mối, sau đó lại tất bật cắt tỉa, gieo giống rau mới, tưới mát cho cây ăn quả ở khu trang trại rộng cả chục ha”, chị Hạnh chia sẻ.

Thu nhập của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc dao động từ 20-30 triệu đồng/tháng, trốn ra ngoài làm việc thường có mức thu nhập cao hơn gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Đàn ông Việt trốn ra ngoài thường đi bốc vác, xây dựng, làm xưởng cơ khí, còn phụ nữ làm ở trang trại, quán ăn. Họ thường bị công ty cũ giữ hộ chiếu, thẻ cư trú nên phải sống khép mình, tránh nhà chức trách phát hiện.

ld-chui-4.png
Người lao động trốn ra ngoài chủ yếu làm nghề xây dựng, không được đóng bảo hiểm và đối diện với nhiều rủi ro tai nạn lao động

Vì lao động bất hợp pháp, phần lớn những người như chị Hạnh không có bảo hiểm nên rất sợ bị ốm. Bệnh tật, đau ốm có thể thành cuộc “khủng hoảng” lớn bởi chi phí điều trị đắt đỏ, chưa kể dễ bị lộ thân phận cư trú trái phép. Chị Hạnh thường tự chữa bệnh tại nhà. Nhiều lao động bất hợp pháp mất mạng nơi xứ người nhưng vì không có bảo hiểm nên gia đình cũng không nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào.

Nhắc đến con bị nạn ở Đài Loan cách đây 2 năm, chị P.T.P. ở phường Chí Minh (TP Chí Linh) ngậm ngùi: “Giá mà nó không ham lương cao bỏ trốn ra ngoài làm việc thì gia đình tôi đã không rơi vào cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh như thế”.

Lao động bất hợp pháp tử nạn chủ yếu do bỏ trốn ra ngoài làm việc tại những nơi có điều kiện không bảo đảm, không được bảo hộ lao động theo quy định.

Tuân thủ luật pháp - có lợi lâu dài

1663159447356.jpg
Những lao động đã đi nước ngoài về nước đúng hạn đều được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kết nối tìm việc làm trong nước

Lao động chui ở nước ngoài, nhiều người Hải Dương đã tước đi cơ hội của chính mình và người khác.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm Hải Dương có hơn 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và còn không ít người làm theo hình thức thực tập sinh (vừa học vừa làm).

Hậu quả của việc lao động cư trú bất hợp pháp đã thấy rõ. Năm 2023, TP Chí Linh đã bị “tuýt còi”, người lao động không được tiếp tục sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS. Nhiều năm trước, tỷ lệ lao động Hải Dương cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Đài Loan tăng nên một số địa phương của Hải Dương đã không được tham gia chương trình hợp tác xuất khẩu lao động sang các thị trường này.

Có 2 hình thức lao động chui, cư trú bấp hợp pháp. Một là những người đã ký hợp đồng dài hạn nhưng chấp nhận mất tiền đặt cọc trốn ra ngoài làm hưởng mức lương cao hơn do không phải đóng thuế, bảo hiểm. Hai là những người sắp hết hạn hợp đồng không muốn về nước ngay đã bỏ ra ngoài để kiếm thêm tiền. Mức thu nhập cao khi bỏ trốn ra ngoài làm việc là nguyên nhân chính khiến nhiều lao động không muốn về nước đúng hạn, không tuân thủ pháp luật nơi cư trú.

z5453948941344_3bf1389b9e9d04ac4c49e06c337ce40f.jpg
Công chức văn hóa - xã hội của phường Tân Dân, TP Chí Linh (bên phải) gặp gỡ, tuyên truyền về pháp luật lao động ở nước ngoài với người lao động của địa phương

Anh Nguyễn Văn Quân ở phường Tân Dân (TP Chí Linh) từng làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn cho biết lao động bất hợp pháp có thể nhận mức lương cao hơn nhưng rủi ro, nguy hiểm luôn rình rập. Họ hay bị cảnh sát truy lùng, dễ bị cướp bóc; lúc ốm đau, gặp tai nạn lao động thì không được chăm sóc kịp thời hay hưởng bồi thường. Những lao động chui cũng dễ bị lôi kéo vào những việc làm phi pháp. Khi bị bắt, họ sẽ bị phạt theo pháp của nước sở tại. Nhiều lao động chui đã phải mất mạng trong khi chạy trốn cơ quan chức năng.

Nhiều người từng nghĩ sau khi hết hạn hợp đồng về nước sẽ khó quay trở lại nhưng không phải vậy. “Khi hết hạn hợp đồng, tôi quyết định về nước đúng hạn. Sau một thời gian nghỉ ngơi, tôi tiếp tục đăng ký thi tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Hải Dương. Vượt qua kỳ thi này không khó vì đã quen tiếng Hàn và vòng kiểm tra tay nghề cũng khá thuận lợi do đã thạo cách làm việc ở nước họ. Vì tuân thủ luật pháp, về nước đúng hạn nên tôi đã được tuyển vào một doanh nghiệp lớn, uy tín khi quay lại Hàn Quốc làm việc”, anh Quân chia sẻ.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam vừa kêu gọi các địa phương trên cả nước, trong đó có Hải Dương thực hiện các biện pháp di cư lao động an toàn, có trật tự, hợp thức. Ông Bùi Quốc Trình, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Khi quyền của lao động di cư được tôn trọng và hành trình di cư của họ được an toàn thì bản thân, gia đình người lao động có thể được hưởng lợi từ nguồn kiều hối gửi về cũng như nâng cao được kỹ năng tay nghề”.

Lao động chui, cư trú bất hợp pháp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Hải Dương trong hợp tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động cần tuân thủ các quy định của nước sở tại để an toàn, an tâm làm việc và tạo cơ hội cho Hải Dương giữ vững các thị trường xuất khẩu lao động tốt.

BẢO ANH
(0) Bình luận
Phận lao động chui ở nước ngoài