Giới chức Phần Lan tuyên bố nước này sẽ gia nhập NATO từ ngày 4.4, trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự.
Thiết giáp Phần Lan tham gia diễn tập với NATO tại Na Uy tháng 10.2018. Ảnh: BQP Phần Lan
Thông tin về thời điểm gia nhập NATO được Văn phòng Tổng thống Phần Lan công bố hôm nay, lãnh đạo liên minh cũng xác nhận thông tin sau đó.
"Ngày mai, chúng tôi sẽ chào đón Phần Lan với tư cách thành viên thứ 31 và tổ chức thượng cờ nước này tại trụ sở liên minh. Đây sẽ là cột mốc tốt đẹp với an ninh của Phần Lan, khu vực Bắc Âu và toàn bộ khối", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố nước này sẽ tăng cường năng lực quân sự ở phía tây và tây bắc để phản ứng với động thái của Phần Lan.
Thụy Điển và Phần Lan hồi tháng 5.2022 nộp đơn xin gia nhập NATO, kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự. Để trở thành thành viên liên minh, hai quốc gia Bắc Âu phải được quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên phê chuẩn đơn xin gia nhập.
Phần Lan đã nhận được sự ủng hộ từ cả 30 nước NATO, trong khi Thụy Điển vẫn gặp sự cản trở từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Các quan chức NATO ban đầu bác bỏ việc tách rời nỗ lực của hai nước nhưng ngày càng chấp nhận khả năng Helsinki gia nhập trước.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đầu tháng 3 xác nhận sẽ ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO, sau khi nhận thấy quốc gia Bắc Âu đã có nhiều bước tiến thực chất trong cam kết an ninh với Ankara, trong đó có giải quyết mối lo về các nhóm ly khai lưu vong và bỏ lệnh cấm xuất khẩu quốc phòng.
Tuy nhiên, ông Erdogan vẫn trì hoãn ủng hộ Thụy Điển tham gia NATO, cho rằng Stockholm chưa có nhiều hành động giải quyết mối lo an ninh của Ankara, bất chấp thỏa thuận về vấn đề này đã được ký giữa Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước Bắc Âu năm ngoái.
Phát ngôn viên chính phủ Hungary Zoltan Kovacs hôm 29.3 nêu hàng loạt nỗi bất bình khiến quốc hội nước này chưa phê duyệt cho Thụy Điển gia nhập NATO.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov từng cảnh báo Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO sẽ làm gia tăng căng thẳng quân sự trong khu vực và gây suy giảm khả năng phán đoán tình hình của các bên. "Họ không nên ảo tưởng rằng Nga sẽ dễ dàng làm ngơ trước điều đó", ông Ryabkov cho hay.
Theo VnExpress