Phần Lan đã bác bỏ các giả thuyết cho rằng quốc gia Bắc Âu này sẽ cân nhắc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ đất nước nếu trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo trang Denfense News, tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ của Thủ tướng Sanna Marin trình bày đề xuất mới nhằm củng cố đường biên giới kéo dài 1.340 km của Phần Lan với Nga.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với Nga, ông Sauli Niinistö – Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Phần Lan (FAF) – cho rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này chưa từng được thông báo hoặc thảo luận như một điều kiện để Phần Lan gia nhập NATO.
“Phần Lan không có ý định cho phép triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ quốc gia. Không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ quốc gia NATO nào đang cung cấp vũ khí hạt nhân cho Phần Lan”, ông Niinistö khẳng định.
Ông Mika Aaltola, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan cũng nhận định rằng triển vọng triển khai vũ khí hạt nhân ở Phần Lan sau khi nước này trở thành thành viên của NATO là điều “vô lý”.
“Vũ khí hạt nhân sẽ không được đưa đến Phần Lan. Cả NATO và Phần Lan đều không có nguyện vọng này. Các học thuyết của Mỹ và các nước thành viên NATO khác cũng không bao gồm bất kỳ đề xuất triển khai vũ khí hạt nhân nào ở Phần Lan. Hơn nữa, Phần Lan không muốn đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ đất nước”, ông Aaltola nói.
Giống như Phần Lan, Thụy Điển cũng bày tỏ quan điểm không sẵn sàng tham gia vào các điều kiện tiên quyết về vũ khí hạt nhân trước khi trở thành thành viên NATO.
“Chúng tôi sẽ không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Liên quan đến vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ quốc gia, Thụy Điển có cách tiếp cận hoàn toàn giống Phần Lan. Dĩ nhiên chúng tôi ủng hộ tất cả các khả năng về vũ khí hạt nhân của NATO, nhưng chúng tôi có chung kết luận và cùng quan điểm về vấn đề triển khai hạt nhân trên lãnh thổ của mình”, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nêu rõ.
Cho đến nay, 28 trong số 30 quốc gia thành viên của NATO đã ra tuyên bố cho rằng Thụy Điển, Phần Lan đủ điều kiện trở thành thành viên của liên minh xuyên Đại Tây Dương và có quyền được hỗ trợ theo Điều 5 Hiến chương của NATO.
Trước khi trở thành thành viên NATO, Phần Lan đã vạch ra kế hoạch chi khoảng 2 tỷ USD để củng cố an ninh dọc biên giới rộng lớn với Nga vào năm 2025. Việc tăng cường ngân sách quốc phòng nhằm đầu tư vào các dự án thắt chặt an ninh biên giới, như mua máy bay giám sát, mở rộng Lực lượng Biên phòng, sử dụng rộng rãi máy bay không người lái, robot giám sát an ninh và công nghệ cảm biến điện tử.
Trong giai đoạn đầu tiên, khoản ngân sách trị giá 150 triệu USD sẽ được sử dụng để xây dựng tường rào biên giới hỗ trợ cảm biến dọc theo các khu vực đường biên giới phía đông của Phần Lan với Nga vào năm 2023. Khoản chi này là một phần trong hàng loạt các biện pháp mới của Phần Lan nhằm chống lại các mối đe dọa bắt nguồn từ Nga.
Hiện nay, Lực lượng Biên phòng xây dựng “hàng rào thử nghiệm” kéo dài 3,2 km, dọc theo phần biên giới phía đông với Nga, trị giá 6,2 triệu USD. Kế hoạch tăng cường an ninh biên giới cuối cùng sẽ thúc đẩy xây dựng 321 km hàng rào hỗ trợ cảm biến dọc biên giới với Nga.
Ngân sách chi cho Lực lượng Biên phòng năm 2023 cũng bao gồm kế hoạch nâng cấp Phi đội tuần tra trên không (APS). Phần Lan cũng dự định thay thế hai máy bay do thám Dornier 228 do Đức sản xuất, ra mắt vào năm 1995, bằng hai máy bay đa năng có người lái mới.
Thiếu tướng Kenneth Rosenqvist, Giám đốc Bộ phận mua sắm của Dự án máy bay giám sát cho biết máy bay đa năng mới sẽ được trang bị hệ thống camera và radar tiên tiến, thiết bị chặn và gây nhiễu vô tuyến giúp máy bay có khả năng thu thập tín hiệu tình báo.
“Môi trường an ninh đã thay đổi nhanh chóng do tình hình xung đột hiện nay ở Ukraine. Nhu cầu của chúng tôi đã tăng cao hơn nhiều để cải thiện khả năng của mình”, ông Rosenqvist nói.
Chính phủ Phần Lan đã phân bổ 1,7 tỷ USD cho quân đội để mua sắm trang thiết bị quốc phòng cho năm 2023. Con số này tăng 800 triệu USD so với ngân sách mua sắm thiết bị quốc phòng cho năm 2022.
Theo Báo Tin tức