Vào một buổi chiều năm 1990, tại Văn phòng Hội Văn học nghệ thuật Hải Hưng, vừa bước vào tôi đã thấy một ông già có bộ râu dài, vận đồ Huế.
Anh Nguyễn Thế Trường, Chánh văn phòng hội nói:
- Xin giới thiệu… đây là nhà văn Phùng Quán.
Ông cười đôn hậu:
- Ngồi xuống đây, quê cậu có gần đây không?
Tôi nói quê ở dưới huyện Ninh Giang, ông lại cười và bảo:
- Tớ với cậu là anh em cho gần gũi mà… Có gần xã Hồng Thái về cho mình hỏi thăm ông Trần Văn Bệ nhé. Rồi ông kể, ấy là vào năm 1961, đi cải tạo lao động ở xã Hồng Thái, huyện Ninh Giang. Ngày ngày, ông đi làm thuỷ lợi cùng với xã viên. Ông Bệ lúc đó là Chủ nhiệm Hợp tác xã. Ông Bệ có trách nhiệm theo dõi người đi cải tạo lao động để rồi báo cáo với cấp trên. Nhưng ông ấy bảo mình cứ ngồi trú nắng dưới bóng cây điền thanh, khi về lại không để mình ăn độn khoai sắn, dùng cơm trắng bình thường. Mình thầm cảm ơn ông Bệ, từ ngày ấy vẫn chưa có dịp về thăm. Một lần vào năm 1984, 1985 gì đó, mình đi nhờ một chuyến xe tải của bộ đội từ Hải Phòng về Hà Nội, đi qua thị trấn Ninh Giang rồi ngang chợ Vé, ước lượng phía tay trái là xã Hồng Thái mình chắp tay vái về phương ấy. Được như vậy thôi. May mắn gặp em ở đây, nhớ cho mình gửi lời hỏi thăm ông Bệ nhé!
Tôi về xã Hồng Thái thì được biết ông Bệ đã vào ở với con trong Tây Nguyên. Mãi đến năm 2004, tình cờ gặp được khi ông ra thăm cháu ở thị trấn Ninh Giang. Tôi kể lại chuyện này, ông Bệ hỏi luôn: Thế lâu nay ông Quán có được khoẻ không? Tôi bảo, nhà văn Phùng Quán đã mất từ năm 1995. Sau những lần đi cải tạo lao động rồi được khôi phục danh dự, nhà văn Phùng Quán viết thêm được mấy tác phẩm nữa đều được bạn đọc hâm mộ.
Ông Bệ nhìn tôi nói trong tiếng nấc: ông Phùng Quán là một người tài!
NGUYỄN VIỆT THANH