Ông Đinh La Thăng bị tuyên 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân

22/01/2018 10:51

Sau khi nghỉ nghị án, sáng nay 22.1, HĐXX tuyên án bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm.

HĐXX nhận định: Tại phiên toà, các bị cáo và luật sư cho rằng, giám định thiệt hại của vụ án là không đúng, không khách quan, không đầy đủ, dẫn đến việc quy kết các hành vi phạm tội của các bị cáo không chính xác.

HĐXX thấy rằng, sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản trưng cầu giám định thiệt hại đối với hành vi cố ý làm trái của các bị cáo.

Hội đồng giám định đã tuân thủ triệt để các quy định của luật giám định, theo đúng thành phần chuyên môn, thực hiện đúng quy trình, trật tự, thời gian, nội dung yêu cầu giám định, từ đó xác định thiệt hại hành vi làm trái của các bị cáo được làm tròn là 119 tỷ.

Bị cáo Đinh La Thăng nghe tòa tuyên án sáng 22.1

Ngoài ra, hậu quả của việc chỉ định thầu và tạm ứng tiền trái phép phải được tính toán tổng hợp trên nhiều khía cạnh khác.

Một là, hàng loạt cán bộ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực dầu khí, xây dựng, tài chính của PVN... được đào tạo bài bản, có quá trình cống hiến đã vi phạm pháp luật, sa vào vòng lao lý.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh được dẫn giải tới tòa sáng 22.1. Ảnh: TTXVN

Hai là, do không có năng lực thi công, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chậm 18 tháng so với tiến độ đã được Thủ tướng phê duyệt. Việc chậm tiến độ đã làm đội vốn công trình hàng nghìn tỷ đồng lãi phát sinh với khoản vay trong và ngoài nước mà hiện nay Nhà nước đang phải chi trả.

Ba là, máy móc thiết bị đắp chiếu đã hết thời hạn bảo hành trong khi nhà máy chưa vận hành. Những tổn thất này chưa thể thống kê trong giai đoạn điều tra và sẽ tiếp tục xác minh vụ án sau.

HĐXX cho rằng, cách tính thiệt hại như giám định là rất có lợi cho bị cáo.

Hành vi của bị cáo Đinh La Thăng thoả mãn đầy đủ dấu hiệu về tội "cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" chứ không phải tội danh khác như bị cáo và các luật sư bào chữa đưa ra.

HĐXX ghi nhận quá trình cống hiến của bị cáo Đinh La Thăng như tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điều 51 Bộ luật Hình sự nhưng pháp luật cần được tôn trọng, công minh, bình đẳng, không loại trừ bất kỳ ai.

Một bản án có tình, có lý, tính đến cả công cả tội nhưng nghiêm khắc cũng là sự cảnh báo cần thiết cho sự lạm dụng quyền lực và tuỳ tiện vi phạm pháp luật, gây hậu quả, thiệt hại đối với lợi ích nhà nước và nhân dân.

Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, tại tòa bị cáo thừa nhận PVC không đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm nhưng vẫn chỉ đạo ký hợp đồng, sau đó dùng tiền tạm ứng sai mục đích. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng, bản thân không có vai trò quyết định trong việc chi tiền sai mục đích.

HĐXX thấy rằng, bị cáo Thanh thừa nhận việc ký kết hợp đồng 33 dù hồ sơ chuẩn bị không đầy đủ. Điều này phù hợp với lời khai của các bị cáo khác.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh chính là người đã ký vào phiếu lấy ý kiến về việc phê duyệt nội dung thực hiện gói thầu Thái Bình 2. Quyết định ký kết hợp đồng là thuộc HĐQT. Ý kiến luật sư cho rằng, bị cáo có vai trò mờ nhạt, chỉ thiếu trách nhiệm là không có cơ sở. Nếu không có sự chỉ đạo của HĐQT thì không thể có việc dùng tiền tạm ứng sai mục đích.

HĐXX thấy có đủ cơ sở khẳng định Trịnh Xuân Thanh biết PVC không đủ năng lực, chưa đủ điều kiện ký kết hợp đồng, nhưng vẫn chỉ đạo việc ký hợp đồng sai mục đích.

Hành vi của bị cáo đã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu tội cố ý làm trái. Điều đó có nghĩa, luận cứ của các luật sư bảo vệ cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh là không có căn cứ. Việc kết tội bị cáo là có căn cứ.

Bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên 13 năm tù tội cố ý làm trái. Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù tội cố ý làm trái, chung thân tội tham ô, hình phạt chung: tù chung thân.

T.NHUNG (Vietnamnet)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông Đinh La Thăng bị tuyên 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân