Truyện ngắn

Ông Cận nhường đất...

Truyện ngắn của TRẦN VĂN LỢI 16/03/2024 10:12

Anh xóm trưởng vừa tưởng tượng không khí tưng bừng khi con đường mới của xóm được khởi công.

khoi-cong.jpg

Bảy giờ tối. Vầng trăng trung tuần tháng Giêng tỏa một quầng sáng mờ trong làn mây mỏng trên nền trời phía đông. Trong nhịp điệu mưa bụi êm êm, như nghe được cả tiếng muôn loài côn trùng hoan ca, tiếng dòng nhựa ấm lặng thầm chuyển từ cuối rễ lên đầu cành, giục những mầm cây tách vỏ cựa mình. Bỗng tiếng anh Lạc - người được coi là mõ làng này, vang lên quanh xóm, kết nối những bước chân về với nhau:

- Đi họp thôi các ông, các bà ơi!...

Rồi từ những con ngõ, ánh đèn pin loang loáng dẫn theo từng tốp, từng tốp người vừa đi, vừa bàn tán hướng về nhà văn hóa xóm. Nghe bảo, cuộc họp đầu xuân này quan trọng lắm!...

***

Xóm hẻo lánh, có gần năm chục nóc nhà. Một mặt xóm bám theo con đường nhỏ chạy dọc bờ sông, còn ba mặt kia quay ra cánh đồng. Bao năm nay, bà con chỉ chăm việc cấy cày gặt hái, nuôi con gà con lợn. Mùa nào thuận trời, trồng được nhiều ngô khoai hay chăm được đàn gà thì phải chở lên chợ xa mới bán được. Không giàu có nhưng nhà nào cũng đủ chi tiêu công việc trong làng ngoài ngõ và nuôi con cái ăn học. Cuộc sống vẫn bình yên như thế!

Thế rồi, có chủ trương xây dựng nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao. Chủ trương này như một luồng gió thổi sáng bừng khuôn mặt các làng quê, nhất là những vùng sâu, vùng xa như cái xóm nhỏ này. Và thế là bản đồ giao thông của xã được điều chỉnh lại. Mà không chỉ có trên bản đồ. Một con đường mới rộng tám mét bê tông nhựa đã bắt đầu thành hình. Đấy sẽ là trục giao thông chính của xã, chạy qua xóm này và tỏa đi khắp nơi...

Mùng sáu tháng Giêng, công ty công trình xây dựng đã tiến hành khởi công làm con đường mới. Khí thế mùa xuân tưng bừng trong lời phát biểu buổi lễ, trong những gầu máy xúc đầu tiên. Nghe nói, công trình sẽ được đẩy nhanh tiến độ để con đường mới được hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay. Thế nên, công trường làm việc thông tầm luân ca không ngừng nghỉ. Tiếng máy xúc nổ ì ì suốt ngày đêm. Đang vào vụ gieo trồng trên ruộng vườn, đồng bãi nhưng mọi người vẫn hướng về con đường cập nhật tình hình từng ngày, bởi chưa bao giờ xóm này tấp nập như thế!

Thực ra, cả xóm nhỏ này đã “sốt xình xịch” từ mấy tháng trước Tết bởi giá đất nền lên vùn vụt. Những khuôn thổ trước kia vài ba trăm triệu chẳng có người hỏi. Thế mà bây giờ, người ta tính bằng mét. Rồi cánh "cò đất" từ đâu cũng kéo về thăm dò, giá đất biến động từng ngày. Nhiều người bỏ cả việc nhà, túm năm tụm ba bàn ra tính vào, đến sốt cả ruột. “Đấy, mấy nhà ông bà này tốt số thế không biết! Giờ thì cứ nằm mà ăn! Sướng thật!”, “Ngày trước thì cứ muốn vào sâu trong xóm cho tiện nuôi con gà con lợn, lấy cái rơm cái rạ, giờ thì mới biết nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ, các ông bà nhỉ!”, “Thôi, lộc vào nhà ai thì nhà ấy hưởng! Cái chính là dân mình có con đường mới vừa to vừa đẹp mà đi lại cho sướng cái đã, bà con ạ!”...

Mừng vui nhất là tám gia đình bám mặt con đường mới, trong đó có nhà ông Cận. Ông Cận vốn là tổ trưởng tổ sản xuất của HTX trước kia. Hồi xã chia thổ giãn dân, ông nhường cho bà con xã viên nhận phần đất bằng phẳng lại gần ruộng, còn chỗ ruộng trũng gần cống nước chảy không ai nhận, ông ra cắm cọc giăng dây được vừa ba sào. Dù bao năm vượt đất nâng nền, thổ nhà ông Cận vẫn là mảnh đất trũng. Trồng cây gì cũng còi cọc úng nước. Vợ ông thỉnh thoảng vẫn đay nghiến rằng là ông dại, gương mẫu không phải lối!...

Giờ đùng cái, khuôn thổ này có mặt tiền bám con đường mới. Ai mà không sướng cơ chứ! Sắp tới, thằng Tiến nhà ông học xong nghề cơ khí, sẽ về mở cửa hàng lớn ở đây. Còn những ba mươi mét mặt tiền nữa, ông sẽ bán dần đi mà xây lại gian nhà gian cửa cho rộng rãi, khang trang. Tiền còn thừa, ông sẽ mua cái ô tô để hưởng thụ tuổi già và làm cái sổ tiết kiệm phòng mai kia lúc ốm lúc đau... Suốt mấy tuần, ông chả làm được việc gì, cứ ra ra vào vào, nghĩ đến viễn cảnh tương lai mà quên ăn, quên ngủ.

Trước Tết, để nâng cao giá trị của vườn đất nhà mình, ông Cận đã cải tạo lại cho khuôn thổ được cao ráo, thoáng đãng hơn. Cái hàng rào vốn được dựng tạm bằng tre đã ọp ẹp, giờ được thay bằng dãy tường bao xây bi đá, cao ngang mặt người. Rồi làm lại cổng, tạm sửa sang lại mặt tiền ngôi nhà cho tương xứng. Đầu tư khá nhiều tiền vì khuôn thổ nhà ông rộng, ngoài mặt trước giáp đường mới, phía bên hông còn giáp con ngõ chạy sâu tít vào trong xóm. Mọi người đều phải đi qua ngõ nhà ông. Thế nên cũng phải sửa sang lại cho vừa con mắt...

Ai cũng bảo khuôn thổ nhà ông Cận có địa thế đẹp nhất xóm. Vì thế, sửa sang chưa xong đã có mấy người đến hỏi mua. Một tay anh chị trên thị trấn về ngó nghiêng dự sẽ mua mở tiệm cầm đồ và cho vay nóng. Một ông khác thấy vậy lại nâng giá cao hơn, muốn mua để mở lò mổ kèm quán ăn sáng... Hôm giáp Tết, lại có một "cò đất" trên thành phố về hỏi muốn sang tên luôn cả khuôn thổ này. Ông Cận bề ngoài làm bộ làm tịch nhưng kỳ thực lại đang mở cờ trong bụng, nghĩ mình sắp giàu rồi!

Mật độ giao thông trong xóm tăng lên từng ngày. Ngoài đám "cò đất" là họ hàng, bạn bè khắp nơi cũng tìm đến thăm nom. Cái ngã ba đầu con ngõ ấy bỗng trở thành “điểm đen” giao thông. Chỗ góc thổ nhà ông Cận được xây vuông vắn và cao nên bí, trở thành góc khuất. Người ra vào ngõ bị che mất tầm nhìn, nhiều khi vội mà quên bấm còi, quên hô to cảnh báo, mới có một tuần mà đã mấy vụ va quệt. Như chiều hôm trước, chị Lài đi đón con về, đấu đầu xe chị Hoa chở thóc đi xay, khiến cả ba người lăn quay xuống đường. Vừa bực, vừa đau, hai chị quay ra cãi vã, đổ lỗi cho nhau, mất cả tình làng nghĩa xóm. Anh xóm trưởng giải quyết “dĩ hòa vi quý” và nhìn ra cái góc khuất ở góc tường bao của nhà ông Cận. Vì thế mới có cuộc họp này...

- Thưa toàn thể bà con! Chủ trương xây dựng nông thôn mới nhằm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đã và đang nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội. Thực tế, nhiều gia đình trong xã ta, huyện ta đã tình nguyện hiến đất để làm đường, xây cầu. Xóm ta đang hiện thực hóa chủ trương này. Tôi kêu gọi và mong rằng toàn thể bà con sẽ chung sức, ủng hộ trên mọi mặt, trong đó đường giao thông cần phải được thông thoáng, để đi lại được thoải mái, yên tâm.

Tiếp lời anh Long xóm trưởng, ông Hòa - người cao tuổi nhất cuộc họp phát biểu:

- Tôi nhất trí! Ví dụ như chỗ ngã ba con ngõ ra đường mới ấy, nếu không bị che khuất thì chắc không xảy ra mấy vụ tai nạn vừa rồi. Vì vậy, xóm đề nghị gia đình ông bà Cận tạo điều kiện giúp bà con, xây lượn cong chỗ góc khuất lùi vào trong và làm rào thoáng phần trên, để mọi người rộng tầm nhìn khi tham gia giao thông!

Ông Cận đứng phắt dậy:

- Tôi không đồng ý! Đất nhà tôi, tôi xây như thế nào là quyền của tôi. Mỗi mét đất là mấy mét tiền. Giờ xây lùi vào để góc lượn như thế, ít cũng mất chục mét vuông. Chỗ thổ bị khuyết ấy, ai mua. Mà có mua thì giá lại rẻ hơn. Không được!

Bà giáo Thu điềm đạm:

- Bác Cận ạ! Tiền thì rất quý nhưng quan trọng hơn là tính mạng của bao người trong xóm ta khi đi ra đường. Mong bác vì tình nghĩa xóm làng mà xem giúp lại cho...

Thêm mấy người phát biểu nữa, những mong bỏ được cái góc khuất ấy đi nhưng ông Cận vẫn khăng khăng không chịu. Tâm trạng ông vốn đã rối ren mấy hôm nay không biết nên bán đất cho ai để có lợi hơn thì hôm nay mọi người nói như thế. “Chả nhẽ mình mất không đống tiền à?!”. Cảm thấy như bị ép dồn, ông vùng vằng bỏ về khi cuộc họp chưa kết thúc. Có tiếng ai thở dài: “Làng có con đường mới mà bác ấy suy nghĩ chẳng thông thoáng tý nào cả! Cứ để thế này, đi lại lo lắm, các ông các bà ạ”.

Suốt mấy hôm rồi, đội xe ben công trình tập trung chở đá dăm đổ dọc nền móng đường đã được lu kỹ. Đá chất thành đống cao hơn đầu người, tạo thành dãy như con đê dài. Có một vài người trong ngõ lợi dụng bảo vệ công trường không coi xuể, cứ nửa đêm lại kéo xe lôi, xe rùa ra xúc trộm. Những ai ra xúc đá của công trình và lấy bao nhiêu chuyến xe lôi, ông Cận biết hết. Ban đầu chả quan tâm lắm nhưng rồi ông cũng thấy tiếc của “trời cho”. Ông chợt nghĩ, nhà mình ở ngay mặt đường mà không biết “tranh thủ kiếm ít” thì thiên hạ họ lại cười cho. Nhưng mà mình già yếu rồi, xúc đá làm sao nổi nữa. À, việc này phải nhờ vợ chồng cô con gái lớn...

Nghĩ vậy rồi ông Cận vội vàng đạp xe xuống nhà cậu con rể ở xóm dưới. Chưa đến nơi, ông bỗng giật mình, dừng xe khựng lại khi thấy vườn cây lâu năm của nhà con gái biến đâu mất mà chỉ thấy một khu lán trại rộng cỡ đủ cho trăm người ở. Chợt nhớ đợt Tết anh con rể nói chuyện rằng, đội công trình ngỏ ý muốn mượn địa điểm dựng lán cho công nhân ở trong thời gian làm đường. Hôm ấy mải chén rượu, chén trà ngày xuân lại đang sướng âm ỉ chuyện đất lên giá nên ông Cận không để ý. Giờ thì ông đã hiểu chuyện. Chẳng nghĩ ngợi lâu, ông Cận quay ngoắt lại. Vừa hối hả đạp xe về, ông vừa nghĩ: Bao năm làm cán bộ của HTX, mình luôn gương mẫu đi đầu trong mọi việc lớn việc nhỏ. Chả nhẽ, giờ bằng này tuổi rồi, mình lại không bằng tụi trẻ à.

Bức tường bao chỗ góc thổ bắt đầu được phá dỡ xuống. Ông Cận mặc áo may ô, đứng choãi chân trước chân sau, đôi tay gân guốc liên tục lao chiếc xà beng nhằm vào các mạch vữa. Tiếng xà beng va vào đá chan chát, tiếng những hòn bi rơi xuống đất bình bịch càng khiến ông thêm khí thế dù khuôn mặt, ngực và tấm lưng của ông đã ướt đẫm mồ hôi.

- Ơ, sao lại đập tường bao đi vậy, ông Cận?

Thấy anh xóm trưởng dừng xe lại hỏi, ông Cận nghỉ tay, cười khà khà:

- Xây thì lâu nhưng muốn bỏ thì chả mấy chốc, anh ạ!

- Nghĩa là, ông bà đã...

Cái mỉm cười và khẽ gật đầu của ông Cận khiến anh xóm trưởng vui khôn tả bởi đã giải tỏa được những vướng mắc bấy nay. Phấn khởi hơn nữa khi biết rằng, ông Cận sẽ tặng xóm thêm hai mét đất chạy dọc khuôn thổ nữa.

“Rồi những nhà hai bên ngõ sẽ theo ông Cận mà đồng lòng mở rộng con ngõ thôi”. Vừa đi tìm cánh thanh niên ra giúp ông Cận, anh xóm trưởng vừa tưởng tượng không khí tưng bừng khi con đường mới của xóm được khởi công. Lòng anh vui chộn rộn bởi ngày xuân đã rộng mở trong làng ngoài ngõ, đã rộng mở trong lòng mọi người...

Truyện ngắn của TRẦN VĂN LỢI
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông Cận nhường đất...