Truyện ngắn

Chuyện tình của người bị phản bội

HOÀNG THƯƠNG 24/02/2024 10:00

Họ gặp nhau trong một hoàn cảnh éo le, nơi miền sương bụi mờ bến sông. Nhưng đó cũng là khởi đầu để hai con tim nhiều tổn thương của Tứ và Hoài nương náu, sưởi ấm cho nhau.

mh-bhd-23.2.24.jpg

Trời vẫn mưa như trút. Hàng nghìn, hàng vạn giọt nước nhỏ kết lại thành khối, thành mảng giận dữ trút xuống mặt đất. Chớp rạch bầu trời. Tứ ngồi bó gối trong căn nhà nhỏ cạnh bờ sông. Gọi là nhà cho oai chứ nơi đây chỉ nhỉnh hơn túp lều coi vó ngày nào một chút. Kể từ ngày mẹ mất, Tứ không sống trong ngôi nhà ngói lớn của gia đình ở giữa làng nữa mà bỏ ra ở hẳn trên bến sông này.

Gần về sáng, trời lại nổi cơn thịnh nộ. Chắc chỉ chút nữa, những con sóng sẽ sôi réo ầm ầm, mặt sông cuồn cuộn cuốn phăng đi tất cả. Mùa nước nổi đang về. Tứ nhìn về phía tấm phản kê góc nhà, cô gái vẫn đang nằm thiêm thiếp.

Tối qua, trời mưa to gió lớn, nước sông dâng lên bất ngờ, đục ngầu. Giông gió ập về, anh trần mình giữa gió mưa cuộn chiếc vó bè lại. Nước mưa tràn mặt, xối vào mắt cay xè. Vừa phun nước phì phì, mắt Tứ bất chợt chạm vật đen như thân người đang nhấp nhô giữa dòng nước xiết. Cánh tay chới với giơ lên. Tứ lao mình xuống mặt sông.

Đó là một cô gái còn khá trẻ, khuôn mặt đã tím tái vì ngâm nước. Thay cho cô ta bộ đồ lao động của mình, Tứ đặt cô gái nằm gần bếp lửa. Một lúc sau, cô gái trẻ mở mắt. Vừa nhìn thấy Tứ, cô ta đã co rúm người lại, chắp hai tay vái anh lia lịa:

- Xin ông tha cho tôi. Tôi không thể, xin ông tha cho tôi.

Ngỡ cô ta sợ khi nhìn thấy khuôn mặt nhàu nát và bộ râu lởm chởm lâu ngày không cạo của mình, Tứ ôn tồn:

- Không phải sợ. Tôi không làm gì cô đâu. Mà sao cô lại trôi trên sông đúng lúc nước nổi thế hả?

Vừa nói, Tứ vừa đưa cho cô ta bát cháo.

Tứ bỏ ra ngoài cửa ngồi bó gối. Anh tiện tay đưa cái vòi ấm lên miệng, trà nguội chát đằm. Nuốt xuống, vị ngọt lưu lại nơi cổ họng.
Cô gái đã ăn hết bát cháo cá Tứ đưa. Quẳng cho cô ta cái chăn đơn, anh chỉ tay lên tấm phản:

- Giờ cô nghỉ đi. Cứ yên tâm mà ngủ. Chẳng ai làm gì cô đâu.

Mưa ngớt dần. Chắc chỉ sáng mai cô ta sẽ ra đi, sẽ rời xa túp lều này. Đã có bao nhiêu người được Tứ cứu rồi cũng đi như thế, kể cả Yến...

Tứ là con trai xứ chè. Vùng đất sỏi đá lẫn đất màu có những đồi chè bạt ngàn lại chắt chiu nuôi Tứ thành một thuyền trưởng giỏi vượt đại dương tới những miền đất mới. Tứ giỏi điều hành tàu, thông thạo luồng lạch những cửa sông, cửa biển nơi con tàu vào ra nhưng bản chất mộc mạc, chất phác nên anh lại không thạo luồng lạch của lòng dạ con người. Cái tính thẳng thắn và tin người của anh đã hại anh. Hải quan cảng phát hiện hàng lậu trên tàu Tứ, anh ngã ngửa người. Đây không phải lần duy nhất thuyền phó của Tứ làm thế. Mọi tội lỗi đổ hết lên đầu vì Tứ là thuyền trưởng và vì cả những món tiền nhỏ nhoi chính tay thuyền phó đã đưa cho Tứ mỗi khi với danh nghĩa “quà của em, anh mang về cho mẹ”. Anh phải chịu 5 năm tù.

Hết 5 năm tù, Tứ về quê. Mẹ đã không đợi được con trai duy nhất trở về. Còn Yến, người vợ dịu dàng, xinh đẹp đã đi theo chính viên thuyền phó ngày nào của Tứ. Mẹ mất, vợ bỏ theo trai, Tứ bỏ ngôi nhà rộng giữa đồi chè ra sống âm thầm ngoài bến sông.

Sau một đêm nổi giận, sớm ra, trời trong trẻo lạ. Mặt sông lại êm đềm gợn con nước dập dềnh, nối đuôi nhau trôi tít ngoài xa. Tứ vươn vai đứng dậy. Chợt nhớ ra, anh đưa mắt nhìn tấm phản. Cô gái anh vớt ngoài sông buổi đêm không còn ở đó nữa. Chắc cô ta đã lẻn đi từ lúc trời ngớt mưa. Tứ nhếch mép cười. Anh bước vào ngả mình trên tấm phản, nhắm mắt lại...

Tứ tỉnh giấc. Tiếng sột soạt kẽo kẹt quen thuộc của chiếc vó bè được kéo lên khỏi mặt nước đánh thức anh. Mùi khói bếp phảng phất đâu đây. Anh hé mắt nhìn qua khe cửa. Tấm lưng thon thả đang cố gồng mình kéo sợi dây lôi chiếc vó lên rồi lại nhẹ nhàng buông tay thả nó về với mặt nước. Cột sợi dây lại, người đó nghiêng mặt thổi phù phù vào chiếc bếp tự tạo bên cạnh. Mùi canh cá nấu chua ngào ngạt khiến Tứ ứa nước miếng. Người đang săm sắn kéo vó, thổi nấu ngoài bè là ai nhỉ... Không phải Yến, không thể là Yến... Ai nhỉ? Người ấy đứng dậy, bước vào nhà. Tứ vội nhắm mắt lại. Đặt chiếc mâm đã sờn lên cạnh phản, cô ta cúi xuống lay vai Tứ:

- Anh dậy ăn cơm cho nóng.

Tứ mở mắt. Cô gái tối qua anh vớt được.

- Tôi tưởng cô đi rồi chứ?

- Em đã định đi, nhưng em chẳng biết đi đâu. Anh làm ơn làm phúc cho em được ở lại...

Tứ lẳng lặng bước ra vại nước cạnh nhà vốc nước vã lên mặt. Quay vào, cô gái vẫn đứng bên cạnh phản, chưa dám ngồi xuống.

- Cô ngồi xuống ăn cơm đi. Chuyện gì để từ từ rồi tính. Tôi ở đây một mình. Nếu cô muốn, cứ ở lại. Khi nào thích thì cứ đi, không cần phải cho tôi biết. Tên tôi là Tứ...

Cuộc sống cứ thế trôi. Hai người vẫn ở chung, chỉ khác chút là không trên lều vó nữa. Tứ nhặt cành cây, dựng túp lều nhỏ trên bãi đất cạnh lều vó bên sông. Cô gái hằng ngày giành lấy việc đi chợ bán cá và cơm nước. Tứ chẳng nói chẳng rằng, mặc nhiên chấp nhận. Trong làng ngoài ngõ lúc đầu còn xì xầm chuyện của hai người, lâu thành quen. Thậm chí khi có việc cần hỏi, họ cứ “chị Tứ ơi” mà réo. Tứ chẳng thanh minh. Anh ngủ dưới lều vó, Hoài (tên cô gái) ngủ lều trên bến. Họ vẫn ăn cơm cùng nhưng không phải là vợ chồng. Cũng chẳng hỏi về thân phận nhau. Chỉ khi nào thật cần thiết họ mới nói với nhau vài câu.

Đã qua hàng tuần liền trời nắng hừng hực. Ngồi trong nhà nhìn ra chỉ thấy nắng và nắng. Không khí nóng hầm hập như trên một cái chảo gang khổng lồ. Một khúc cây to trôi về mắc vào vó, Tứ không biết, cứ thế kéo lên khiến nó bị toạc một mảng to gần chỗ cái hom giỏ. Phải vá lại mà chiếc mủng lại cho mượn ban sáng rồi. Ngẫm ngợi, Tứ nhảy ào xuống, ngâm mình vá lại chỗ vó rách. Nắng chang chang, không mê nón che đầu, Tứ hì hụp ngâm mình vá vó. Khi chân vừa chạm vào làn cát mịn gần mép nước, mắt anh chợt hoa lên như chạm mối hàn đang toé lửa. Tứ nhắm mắt lại, bước về phía vại nước, dội ào vài gáo rồi vào nhà.

Đã quen dầu dãi nắng gió mà lần này Tứ ốm thật. Anh sốt đùng đùng. Người bỏng giẫy, cổ họng khô rát. Hết sốt nóng đến sốt rét. Có lẽ bọn ký sinh trùng đã rình sẵn chỉ chờ lúc này xông vào quật Tứ. Đúng lúc Tứ lên cơn sốt rét thứ hai thì cô gái về. Kéo hết cả chăn chiếu phủ lên người anh mà Tứ vẫn cứ run lên từng chặp, chẳng biết làm thế nào, cô bèn nằm đè lên người Tứ, vòng tay ôm chặt lấy anh...

Hai ngày sau, Tứ cắt sốt. Anh bò ra ngoài lều nhìn xung quanh. Hình như sau trận ốm, người ta hay thấy cảnh vật quanh mình đổi khác. Mảnh vườn nhỏ trước căn lều dạo này xanh mướt các loại rau củ và có cả một luống hoa hồng chen lẫn những bông hoa sao tím li ti vươn cánh. Mảnh đất nhỏ trước lều đã được cô gái nhặt những hòn cuội, mảnh sò ở bến sông về trải thành một lối đi uốn khúc thật vui mắt. Trong cái chái lai ra cạnh lều, làn khói nhạt màu lam đang bốc lên cao, phất phơ theo gió. Hoài bước ra, tay bưng bát bốc khói nghi ngút:

- Anh vừa ốm dậy, ra ngoài này làm gì. Nắng gió rồi vật lại thì khổ.
Cô nhẹ nhàng đỡ Tứ vào lều. Tứ nhìn Hoài. Da ngăm đen, bắp tay chắc, ống quần đen vo ngang lộ bắp chân tròn lẳn. Thấy Tứ cứ nhìn đăm đăm, Hoài ngỡ mặt mình bẩn bèn đưa ống tay áo lên lau má.

- Cám ơn cô đã lo cho tôi.

- Anh nói thế làm gì. Ơn anh cứu mạng, em còn chưa trả được... -Hoài ngập ngừng.

- Giờ cô có định ở lại đây nữa không?

- Thật tình, em cũng chưa biết. Sống nhờ anh ngần ấy ngày em đã vỡ vạc ra đôi điều... Nhưng, anh không hỏi nên em cũng chẳng dám nói...

Sau gần nửa năm sống cùng, lần đầu tiên họ nói với nhau nhiều như thế. Hôm ấy, giữa không gian vắng vẻ, mênh mông vùng cửa sông, Hoài đã kể cho Tứ nghe cuộc đời mình. Sinh ra ở một miền quê cạnh con sông lớn mà người ta quen gọi là sông Mẹ, Hoài sớm quen với công việc đồng áng của nhà nông. Cha mất sớm, một thời gian sau, Hoài theo mẹ về sống cùng bố dượng. Cảnh nhà đã túng, bố dượng quen cờ bạc rượu chè nên càng thêm quẫn. Hết tiền, thua bạc, ông ta đánh đập mẹ con cô. Năm Hoài mười tám tuổi, nhiều trai làng ngấp nghé. Mẹ cô cũng mong con sớm có nơi có chốn để thoát cảnh sống nhọc nhằn. Nhưng bố dượng không đồng ý. Ông tuyên bố: “Thằng nào muốn làm rể tao phải chồng tiền đủ để tao uống rượu hết phần đời còn lại”.

Cả làng ai cũng nghĩ ông đùa cho vui. Nhưng không phải. Chàng trai nào đến, bố dượng Hoài cũng đuổi thẳng. Đám thanh niên dập dìu ngoài ngõ nhà Hoài thưa dần. Mẹ cô thương con mà đành chịu vì đã trót đa mang. Hai năm sau, bố dượng Hoài dẫn về một người phụ nữ ăn mặc loè loẹt, phấn son dày mặt nói là cháu họ đang làm việc trên tỉnh. Vừa bước vào nhà, nhìn thấy Hoài, chị ta đã bả lả:

- Chao ôi! Chú thím có cô con gái xinh thế này mà để vất vả quá. Thôi cứ để cháu đưa em đi cùng. Người như em trên tỉnh thiếu gì việc làm...

Nghe chị ta nói vậy, mẹ Hoài vui lắm. Sáng hôm sau, Hoài thu xếp lên đường cùng người chị họ. Ai cũng mừng cho Hoài. Có người còn bảo: “Mấy ai tốt với con riêng của vợ bằng bố dượng con Hoài”.

Lên thành phố đã hai tháng, Hoài không thấy người chị họ đả động gì đến chuyện xin việc cho cô. Cô được ăn uống đầy đủ, đưa đi sắm quần áo hợp thời trang. Vốn xinh đẹp, nay Hoài như lột xác, khó nhận ra cô trước đây.

Một buổi tối, người chị họ bảo cô đi cùng với chị ta đến một nhà hàng sang trọng. Dọc đường đi, câu hỏi nào của Hoài, chị ta cũng tìm cách lảng tránh. Đến nơi, chị ta đưa cô lên một căn phòng nhỏ. Ở đó, có người đàn ông ngoại quốc tầm tuổi bố dượng Hoài đã đợi sẵn. Vừa nhìn thấy cô, ông ta đã chồm lên như một con hổ đói... Mọi việc xảy ra chóng vánh khiến Hoài không thể chống đỡ nổi. Đau đớn, ê chề, Hoài nhận ra cô đã rơi vào tay một mụ tú bà.

Sáng sau, người chị họ đến đón. Thấy mắt Hoài đỏ hoe, cô ta trơ trẽn: “Ối dào, đằng nào chẳng thế. Kiếm chút tiền rồi về quê lại lấy chồng ngon lành. Cứ ngoan ngoãn nghe lời chị, đổi đời nhanh thôi”.
Sau lần ấy, chị họ ra mặt bắt Hoài đi tiếp khách. Cô không chịu, mụ chỉ tay thẳng mặt: “Mày đừng tưởng mỹ miều, cao giá. Tao với mày chẳng bà con họ hàng gì. Bố dượng mày vay tiền tao chơi đề, không trả được nên gán mày cho tao. Mày chỉ đáng giá vài triệu bạc. Không nghe lời, đừng trách tao mạnh tay”.

Không thể một mình chống lại mụ, Hoài lặng lẽ tìm cách thoát thân. Đêm ấy, lợi dụng trời mưa gió, mấy thằng canh chừng không chú ý, cô luồn lối cửa sau, bỏ chạy. Chạy khá lâu, Hoài đến trước một con sông rộng. Trời vẫn không ngớt mưa, sấm sét đì đùng, nhìn quanh chỉ thấy mưa mù mịt, Hoài quăng mình xuống bờ sông. Nỗi ê chề nhục nhã vừa trải qua ùa tới, cô nhắm mắt lao xuống dòng sông trước mặt. Cùng đường, sợ bị đuổi theo bắt lại nên Hoài nhắm mắt làm liều, cô nhoài người gắng bơi sang bên kia bờ. Đúng lúc sắp buông xuôi mặc cho dòng nước cuốn vì kiệt sức thì gặp Tứ.
Tứ lặng lẽ ngồi nghe chuyện của Hoài. Anh không nói gì, chốc chốc lại với tay lấy chiếc điếu cày mồi thuốc rồi rít lên sòng sọc... Hoài ngập ngừng ngước mắt lên nhìn Tứ:

- Cuộc đời em đấy, nay anh cũng khỏi ốm rồi, mai xin phép anh, em đi...

Tứ thừ người, hắt tiếng thở dài. Hai chiếc bóng lặng câm nhập nhoà trên vách. Ngoài bãi sông, gió thổi lao xao, sóng nước vỗ bờ ì oạp. Đám lau lách ven bờ xào xạc. Cơn gió nhẹ thoảng vào, cánh mành che cửa lật phật. Hai bóng người trên vách lay động, tách ra rồi nhập vào nhau.

Đêm ấy, Tứ cứ ngồi bó gối ngoài hiên. Anh không biết mình phải làm gì. Cuộc đời anh có hơn gì Hoài đâu, cũng bị lừa gạt rồi tù tội. Ngoài bốn mươi vẫn hai bàn tay trắng. Mải nghĩ, Tứ không biết trời đã dần về sáng. Con gà trống ngoài lều vó cất tiếng gáy...

Tang tảng sáng, Hoài bước ra chào Tứ. Bóng Hoài nghiêng nghiêng trên mặt đất. Tứ tựa cửa nhìn theo. Khi Hoài bắt đầu đặt chân lên dốc đê, Tứ lao theo... Chỉ vài bước chạy dài, Tứ đã lao đến bên cạnh Hoài lúc này đang liêu xiêu trên triền đê dốc. Anh nắm tay Hoài kéo cô ngược trở lại phía mình...

Thuỷ triều bắt đầu lên. Ngoài xa, con nước mới nổi cuộn chảy. Đám lục bình không trồi ngụp giữa dòng nước xoáy mà kết thành mảng lớn níu ven bờ sông và những bông hoa tím phớt đang vươn lên từ giữa đám lá cỗi cằn. Giữa tiếng gió thốc lên từ mặt sông, Tứ ghé tai Hoài: Ngày mai, vợ chồng mình về lại xứ chè. Nhà mình ở giữa đồi chè.

HOÀNG THƯƠNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện tình của người bị phản bội