Truyện ngắn

Đời

Truyện ngắn của TRANG HẠ 09/02/2024 10:00

Tết đã đến gần lắm rồi trong giá rét và bối rối. Đời người như bèo dạt mây trôi nhưng cũng như những đoá hoa dại rất ngây thơ, không có giá bán nhưng đẹp vô cùng.

mh-trng-bhd-tet-2024-copy.jpg

Hôm đó là bữa tối cuối năm. Tết đã đến gần lắm rồi trong giá rét và bối rối. Chắc nhà tôi sẽ không có Tết sau một năm điêu đứng vì Covid-19.

Một người bạn thân trong quân ngũ ngày xưa bỗng gọi điện cho chồng tôi từ Thanh Hóa. Giọng anh ấy nói rất to, sang sảng: “Tao xin phép mày, cho phép tao được nói với vợ mày một câu, là tao rất yêu vợ mày! Mày nói hộ tao được không?”.

Chồng tôi cười khà khà và đưa máy cho tôi nghe. Tôi thực sự bối rối. Tôi vẫn biết đây là bạn thân ngày xưa của chồng tôi, là sếp khi chồng tôi đi lính nghĩa vụ, ông xã tôi xuất ngũ còn anh ấy làm sĩ quan chuyên nghiệp cho tới ngày nghỉ hưu. Ngoài ra, tôi không có bất kỳ một ấn tượng gì về anh ấy!

Anh nói trong điện thoại, trước đây anh ấy cứ mong con gái lớn lên đi làm, theo nghề làm báo của cô Trang. Tiếc là nó lên Hà Nội và đi làm luôn, chẳng học đại học gì. Tôi không biết đáp chuyện gì cho phải phép lịch sự.

Anh ấy nói, cảm ơn tôi ngày xưa đã viết bài báo tống bố nó đi tù! Tôi ngớ ra! Ủa, gì đây?

Anh ấy nói tiếp, anh ấy vẫn nhớ tôi đã nhiệt tình thế nào, đưa đồng nghiệp đi cùng, tận tình làm bài phóng sự điều tra ra sao, tư vấn cho anh ấy ngày xưa thế nào, bao nhiêu năm anh ấy vẫn cứ nói trong gia đình biết là mang ơn cô Trang. Ủa, tôi thực sự ngỡ ngàng, tôi không hiểu đầu dây kia đang nói về chuyện gì!

Thấy tôi ậm ừ, anh ấy nói, để tuần sau anh đưa bà vợ anh lên Hà Nội thăm hai vợ chồng cô nhé! Vợ anh ngày nào cũng vào fanpage của cô Trang đọc, mê lắm nhưng comment chưa lần nào được cô trả lời!

*

Sau khi sinh bé thứ ba, tôi gần như quên tất cả mọi thứ trong quá khứ! Không rõ vì sao, có thể đó là một sang chấn tâm lý, khiến trí nhớ bị gián đoạn. Thậm chí quên cả ngoại ngữ, quên cả kiến thức đã học, quên là mình đã mấy năm làm bầu show ca nhạc, mình đã tham vấn chính sách cho chính phủ, quên cả việc mình từng là nhà văn trẻ, mình từng viết thơ, quên cả tên người yêu trong mộng từng đề tặng bao bài thơ tình, quên cả số điện thoại nhà, quên cả năm nay mình bao nhiêu tuổi, quên cả chữ ký...

Có thể câu chuyện của người bạn chồng rơi đúng vào hố đen của ký ức. Nhưng bài phóng sự điều tra năm đó, hẳn là phải rơi vào khoảng 2001-2002. Tức là đã gần 20 năm trôi qua rồi!

*

Tôi không ngờ tôi được là nhân chứng của một cuộc đời đặc biệt, một người đàn ông đặc biệt. Ở bên trong vẻ xù xì là một tấm lòng ấm áp. Là một chuyện tình rưng rưng. Là rất nhiều yêu thương chứa chan bao dung. Đúng hẹn, hai vợ chồng anh ấy bắt xe khách từ một góc xa nhất của Thanh Hóa lên Hà Nội.

Anh ấy nhắc tới quãng đời nào, tôi nhớ ra khúc đấy!

Và khi nhớ ra, tôi chắc chắn rằng, người phụ nữ đi bên anh ấy không phải người đàn bà - vợ anh mà tôi đã gặp trong quá khứ!

Anh ấy nói, hai vợ chồng anh ấy không có con, vì vợ anh bị vô sinh. Những năm 90, anh bán bốn căn nhà để đưa vợ đi khắp các bệnh viện ở Hà Nội chữa hiếm muộn. Chồng bộ đội ở Hải Dương, vợ giáo viên quê Thanh Hóa, toàn bộ những ngày phép năm, ngày nghỉ tranh thủ về được đều là những ngày nhập viện ở Hà Nội.

Sau chục năm dốc sạch gia sản, họ quyết định sẽ sống vậy với nhau cả đời không con cái gì nữa! Và anh ấy vẫn yêu thương người vợ ấy vô cùng!

Một ngày, quê anh có một bé gái 14 tuổi bị cưỡng bức có thai. Đẻ con ra phải mang đi cho. Vợ chồng anh nhận nuôi đứa bé ấy. Coi như là làm phúc!

Khi vợ chồng anh ấy đưa con ra Hà Nội khám bệnh cho bé, bé còn nhỏ lắm. Đó chính là lúc tới ở nhờ nhà tôi. Cũng là lần đầu tiên gặp tôi. (À khúc này thì tôi nhớ ra rồi!). Và tôi đã nằng nặc đòi đưa vụ án hiếp dâm trẻ em ra ánh sáng. Tôi còn nhờ phóng viên cùng tòa soạn đi cùng, tới chụp ảnh đứa bé từ sau lưng để làm chứng cứ. Vụ án vừa lên báo vừa làm đơn tố cáo tới công an huyện ở quê anh.

Sau khi phóng sự điều tra đăng lên báo, tôi còn gửi tờ báo cho anh. Không lâu sau thì thủ phạm (bố đẻ đứa bé con nuôi của anh) đã ra tòa và lĩnh án mười mấy năm tù.

*

Nhưng cuộc sống không giống cuộc đời!

Những năm tôi phiêu bạt khắp nơi, thêm họ tên, thêm quê quán. Cũng là những năm gia đình anh sóng gió, cuộc đời người khác sang trang mới một lần còn cuốn sách cuộc đời anh bị đặt trước bão, gió lật mỗi trang còn nhanh hơn mọi tưởng tượng!

Năm đó anh nghỉ hưu. Trước khi cầm quyết định, anh em đơn vị nói, tuần sau anh nghỉ, nên cuối tuần này có một chuyến xe, mấy đồng chí đi du lịch, thăm hỏi! Anh là sếp, theo anh có mấy lính, có cần vụ lái xe. Anh bảo, qua nhà đón vợ tao đi chơi cùng cho cô ấy bất ngờ! Đằng nào cuối tuần cũng đâu có dạy học! Chúng mày còn trẻ thích đi chơi chứ tao chỉ có vợ tao thôi! Sau này chắc gì tao còn có điều kiện!

Gõ cửa không mở. Linh tính sao mà anh cho mấy cậu lính tông cửa căn phòng tập thể cấp bốn! Trong phòng là vợ anh đang tình tự với nhân tình!

Ngỡ ngàng, ê chề, anh bảo vợ mặc quần áo cho tử tế xong bỏ đi. Anh bỏ đi từ hôm đó cho tới hôm nay, lúc ngồi trong nhà tôi, ăn bữa tối cuối năm mùa Covid!

*

Anh nói, nếu là tội ngoại tình, anh có thể tha thứ được! Cô ấy vô sinh anh cũng đã cùng vợ vượt qua được cơ mà! Nhưng đây là bi kịch cả cuộc đời anh trước mắt toàn đồng đội, từ cần vụ tới lái xe, từ cấp dưới tới sĩ quan, toàn đàn ông với nhau! Anh đau nhất là ánh mắt của những người đàn ông cấp dưới nhìn anh!

Để không làm nhục nhau, anh bỏ đi. Về hưu rồi, lương hưu không tệ, nhưng anh xin quay lại các đơn vị quân đội làm kinh tế để chạy trốn cuộc hôn nhân này! Anh đi các nơi, anh thấy chỉ có lính mới tử tế với lính, chỉ có quân đội mới là nhà của anh, còn nhà anh người khác ở, vợ anh người khác xài, đau đớn chứ.

Gia đình chia ba. Anh để lại cho vợ tất cả, anh chỉ mang đúng bộ quân phục trên người, lại lang thang các nẻo đường theo các dự án, công trình.

Một ngày, đơn vị cũ của anh có một tân binh bị bỏng vì bất cẩn trong lúc sinh hoạt. Anh ở trong đội cựu chiến binh của đơn vị, lại luôn ở trạng thái “sẵn sàng lên đường làm nghĩa vụ quốc tế” nên tình nguyện lên Hà Nội trông và chăm sóc cậu lính trẻ tuổi suốt 2 tuần nằm viện. Anh thấy giường bên có một người phụ nữ bị tai nạn lao động rất nặng, nằm một mình không ai chăm sóc. Vì bản tính chân thành nên anh chăm luôn cô ấy!

Cái đấy, người ta gọi là tình yêu!

*

Cô ấy làm lao động thời vụ ở một công trình xây dựng phía nam Hà Nội. Thời điểm đó có một vụ tai nạn lao động rất nổi tiếng ở khu chung cư đang xây, báo chí đều đưa tin. Cô ấy chính là nạn nhân vừa bị bỏng, vừa bị gãy chân từ vụ tai nạn ấy!

Sau khi ra viện, sức khỏe cô ấy không được như trước nữa, hai người lấy nhau, bám trụ lại ở Hà Nội. Những năm đó, nếu ai sống ở khu chung cư Linh Đàm, chắc chắn đã từng gặp cặp vợ chồng này! Họ thuê nhà nhỏ, quạt cái bếp than tổ ong trước cửa, bán ngô nướng và đồ lặt vặt cho cư dân chung quanh.

Anh chào đón đứa con đầu lòng ra đời ở tuổi mà người khác có thể đã là ông ngoại. Rồi đứa con thứ hai. Cuộc sống ở thành thị khó khăn, họ quay về Thanh Hóa. Họ dựng một ngôi nhà ở nơi mà mở cửa trước là đất Thanh Hóa, mở cửa sau nhà đã đứng ở đất Nghệ An, tất cả phượt thủ đi xuyên Việt đều có thể đã đi ngang qua cửa ngôi nhà bốn người của họ! Những bạn chụp ảnh check-in cánh đồng hoa hướng dương TH milk có thể đều đã gửi xe vào chỗ bãi xe anh đang giữ!

Người vợ mới vừa lãng mạn vừa hiền lành, vừa chân chất lại vừa nhiệt tình, cô ấy chỉ biết tới tôi qua những câu chuyện của chồng kể. Cô ấy làm những việc lặt vặt, buôn bán cò con online, trông cửa hàng bé xíu trước cửa bán cho dân đường xa đi qua, bán những hạt dổi, những đặc sản trên rừng cho dân ở biển, hoặc ai nhờ thì tìm mua vài ký hải sản bán cho dân ở rừng. Người mẹ hai con ấy rất hạnh phúc với cuộc sống nghèo nàn hiện tại ở cái nhà bám bên rìa đường mòn Hồ Chí Minh. Chính là cô ấy bàn với chồng, rồi gửi tin nhắn vào fanpage tôi và nói, em comment nhiều nhưng chưa được chị trả lời. Chị ơi, em chính là vợ anh X., cho em xin số điện thoại của vợ chồng chị!

*

Nhưng anh quyết định gọi lại cho vợ chồng tôi, là thời điểm đứa con gái nuôi hỏi bố: “Con có nên gặp bố đẻ của con không? Bố đẻ của con đã ra tù. Ông ấy đang ở Hà Nội”.

Cái đứa con gái nuôi đã thay đổi cuộc đời anh.

Ấy, hoặc là không, chính anh đã thay đổi cuộc đời nó, hoặc là không, chính cuộc đời đã thay đổi anh và nó! Khi nó muốn tìm gặp quá khứ, hình như có một động lực nào đó khiến anh muốn kết nối lại với chính những gì anh đã trải qua?

Tôi chạy ra cửa hàng quần áo ngay cạnh nhà, mua một đống đồ mùa đông cho anh mang về cho con, chăn lông thỏ, áo khoác cho anh, áo len cho vợ, những thứ lặt vặt và mua cả một con thú bông to đùng êm mềm có thể nằm gối đầu lên. Những thứ ấy rẻ tiền nhưng rất dễ dùng, anh nói lũ trẻ sẽ thích mê, khéo mà đánh nhau giành con bông, xong thể nào cũng bị mẹ mắng!

Mùa dịch, họ cũng chẳng có việc, không có mấy thu nhập nhưng may vẫn còn lương hưu của người cựu binh. Anh nói rằng, con nuôi đã lớn, không rõ nó đã nói gì với bố nó khi đi gặp! Nhưng dù những câu chuyện sẽ được kể lại theo cách nào, chưa bao giờ anh ân hận vì những gì anh đã lựa chọn!

Khi người đàn ông lùi lại, họ thực sự rất mạnh mẽ. Khi người đàn ông cúi xuống, họ thực sự rất cao. Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh người đàn ông vội vàng lên chuyến xe khách ở bến với túi đồ rất to, toàn quần áo đồ chơi quà cáp của vợ con! Trên người còn mặc tấm áo khoác vội quá chưa kịp cắt tag giá!

Tôi là giảng viên dạy nhiều khóa về truyền thông, dữ liệu không bao giờ quan trọng bằng cảm xúc, các con số không bao giờ nói đủ về một con người. Chỉ có phóng viên ngày xưa mới đi về địa phương và hỏi người dân, ở đây có ai là anh hùng, ở đây có ai là tội phạm để tôi viết bài. Còn bây giờ, thời đại tìm kiếm những nhân vật đột biến và các anh hùng đã chấm dứt. Các sự kiện hoành tráng cũng đã trở nên trống rỗng như các kỷ lục. Và bất kỳ ai tầm thường ở chung quanh bạn cũng có một câu chuyện tuyệt vời. Hãy ngồi xuống, hãy lắng nghe, hãy trò chuyện và cởi những giới hạn, mở những biên độ đón đợi của tâm trí.

Có bao nhiêu người đã ngồi xuống cạnh anh quạt ngô nướng ở chân chung cư Linh Đàm? Và hỏi anh, anh có hạnh phúc không? Có bao nhiêu điều đặc biệt đã khoác những tấm áo tầm thường đi ngang qua chúng ta?

Chắc tôi cũng chẳng làm được gì nhiều trong cuộc đời này. Tôi có hứa sẽ đạp xe đến thăm nhà anh ấy! Ngôi nhà ở bên rệ đường mòn Hồ Chí Minh.

Nhưng Tết lại sắp đến rồi! Không biết có giận tôi không, khi lần trước, tôi xin phép viết bài về chuyện đời chuyện tình của hai vợ chồng, ấy thế mà, chắc là họ chờ mãi không thấy tôi viết!

Như chờ mãi chưa thấy tôi đạp xe đi Thanh Hóa!

Truyện ngắn của TRANG HẠ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đời