Không chỉ giúp người nuôi cá giảm chi phí, tăng năng suất, công nghệ Biofloc còn thân thiện với môi trường, giảm dịch bệnh, tạo ra môi trường an toàn cho cá sinh trưởng và phát triển.
Mật mía và men sống được ủ từ 24 - 48 giờ để tao ra các vi khuẩn có lợi
Thân thiện với môi trường
Ông Nguyễn Văn Khôi ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) là một trong những người đầu tiên áp dụng công nghệ Biofloc vào nuôi thủy sản. Sau 3 năm nuôi cá bằng công nghệ này, ông nhận thấy ưu điểm nổi bật là thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm cá sạch, an toàn, chất lượng. Ông Khôi cho biết trước đây, ông từng dùng nhiều loại chế phẩm cả sinh học lẫn kháng sinh để xử lý nguồn nước nhưng chất lượng chưa cao.
Từ ngày áp dụng công nghệ Biofloc, môi trường nước an toàn, bảo đảm chất lượng. Các ao nuôi cá đều phát sinh tôm. Đây là tôm tự nhiên theo nguồn nước vào ao và sinh sôi phát triển. Là loại rất mẫn cảm với môi trường, nếu nguồn nước không bảo đảm, tôm sẽ không sống được. "Mỗi năm, tôi thu được thêm 50 triệu đồng từ bán tôm, đủ để bù vào chi phí mua men vi sinh để làm công nghệ Biofloc", ông Khôi nói.
Sau thời gian nuôi thử nghiệm, đầu năm 2019, anh Nguyễn Hữu Việt ở thôn Bằng Quân, xã Cẩm Định (Cẩm Giàng) áp dụng công nghệ Biofloc để xử lý nguồn nước của 4 ha ao nuôi cá. Nguồn nước được xử lý bằng công nghệ Biofloc nên an toàn, hạn chế tối đa mầm bệnh tồn tại trong môi trường nước.
Anh Việt cho biết công nghệ Biofloc sử dụng men vi sinh vật. Theo đó, men vi sinh vật được ủ liên tục 24 - 48 giờ bằng mật mía và men sống. Sau đó cho vào hệ thống ao xử lý với tỷ lệ 30 lít men vi sinh cho 3.000m2 ao/ngày. Thay vì sử dụng các loại thuốc để xử lý nước ao như trước đây, biofloc giúp môi trường nước sạch hơn và cá sinh trưởng tốt. Nước ao trong xanh và không có tảo lam gây độc cho cá.
Theo anh Việt, công nghệ này thực chất là sử dụng các vi sinh vật có lợi gồm các cụm kết dính như tảo, động vật nguyên sinh, vi khuẩn, bùn bã hữu cơ... Mỗi hạt floc được gắn kết lại với nhau bởi các chất nhờn tiết ra từ vi khuẩn. Chất lượng dinh dưỡng của biofloc rất tốt cho tôm cá nuôi. Thay vì xử lý thức ăn cặn bã qua hệ thống hầm biogas trong thâm canh truyền thống, công nghệ Biofloc với lượng men vi sinh vật xử lý môi trường nước trực tiếp, làm môi trường nước sạch.
Năng suất cao
Cá nuôi bằng công nghệ Biofloc giúp tăng năng suất gấp từ 1,5 - 2 lần so với nuôi truyền thống
Không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi, ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi thâm canh cá góp phần thúc đẩy tăng trưởng cá nuôi, năng suất tăng từ 1,5 - 2 lần so với nuôi cá thông thường, giảm tỷ lệ cá chết do dịch bệnh.
Vào mùa hè, đặc biệt là những ngày nắng nóng kéo dài, cá rô phi dễ phát sinh dịch bệnh và chết, tỷ lệ chết có khi lên tới 25%, nhưng từ khi áp dụng công nghệ Biofloc vào nuôi, tỷ lệ cá chết giảm xuống còn khoảng 5%.
"Trước đây, để phòng bệnh và xử lý nguồn nước cho gần 9 ha ao nuôi cá của gia đình, mỗi năm tôi phải bỏ ra gần 200 triệu đồng mua các loại thuốc. Từ khi sử dụng công nghệ Biofloc, chi phí giảm còn 50 triệu đồng. Cá lớn nhanh, hình thức đẹp nên người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi năm, tôi thu được 20 tấn cá/ha. Ngoài nuôi cá thịt, tôi còn cung cấp cá giống cho các hộ trong và ngoài tỉnh. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm tôi thu lãi gần 2 tỷ đồng", ông Khôi nói thêm.
Theo ông Phạm Văn Tình, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trước đây, công nghệ Biofloc được ứng dụng nhiều trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Sau này được phát triển sang nuôi các loại thủy sản khác. Toàn tỉnh hiện có khoảng 120 ha ao nuôi cá ứng dụng công nghệ Biofloc.
Cá nuôi bằng công nghệ Biofloc tạo ra môi trường ao nuôi an toàn, ít dịch bệnh; nên hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh để phòng trừ bệnh cho cá. Từ đó, tạo ra sản phẩm cá sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
TRẦN HIỀN