Việc Politico tiết lộ bản dự thảo chi tiết cho thấy Tòa án Tối cao Mỹ có thể hủy bỏ quyền phá thai được coi là trường hợp cực kỳ hiếm gặp trong suốt nhiều năm qua tại nước này.
Văn phòng Tòa án Tối cao Mỹ vào cuối ngày 2.5 sau khi vụ việc rò rỉ tài liệu xảy ra
Tòa án Tối cao Mỹ luôn giữ bí mật. Năm này qua năm khác, trong hết vụ án lớn này đến vụ án lớn khác, các thẩm phán tại Mỹ ít khi công khai ý kiến trong những cuộc tranh luận cho đến khi có phán quyết cuối cùng.
Điều này đúng cho đến tối 2.5, khi Politico công bố những gì họ khẳng định là bản thảo ý kiến về việc Tòa án Tối cao Mỹ tạm thời bỏ phiếu để đảo ngược luật hợp pháp hóa phá thai trên toàn nước Mỹ.
Tòa án Tối cao Mỹ hôm 3.5 xác nhận bản thảo bị rò rỉ là chính xác, nhưng chưa phải quyết định cuối cùng.
“Mặc dù tài liệu trong các báo cáo hôm qua là đúng, nó không đại diện cho quyết định của tòa án hoặc ý kiến cuối cùng của bất kỳ thành viên nào về các vấn đề trong vụ án”, tuyên bố cho biết.
Nếu như tòa án làm đúng theo những gì bản dự thảo viết, điều này sẽ thay thế phán quyết gần 50 năm tuổi, theo AP. Không chỉ vậy, vụ việc đồng thời làm xáo trộn truyền thống giữ bí mật các cuộc thảo luận gần như không bị gián đoạn của tòa án Mỹ trong suốt nhiều năm qua
Rất hiếm khi xảy ra
Bản dự thảo được viết bởi Thẩm phán Samuel Alito và được lưu hành bên trong tòa án nơi phe bảo thủ chiếm đa số. Dự thảo được gửi cho các thành viên khác của tòa án từ tháng 2 và nhận được sự ủng hộ của ít nhất 5/9 thành viên của tòa án. Ông Alito là một trong số 6 thành viên theo phe bảo thủ của Tòa án Tối cao Mỹ.
Politico nhấn mạnh rằng tài liệu mà họ thu được là một bản dự thảo và các ý kiến có thể thay đổi cho đến lúc đó. Ý kiến trong những bản dự thảo thường xuyên thay đổi khi các thẩm phán trao đổi với nhau. Họ có thể là người đưa ra đề xuất, phản đối hoặc thậm chí thay đổi phiếu bầu.
Quyết định của vụ việc này dự kiến được đưa vào cuối tháng 6 cho đến đầu tháng 7.
Các luật sư và nhiều người khác đã bị sốc.
Neal Katyal - luật sư đã tham gia tranh luận cho hàng chục trường hợp trước tòa và làm việc cho thẩm phán Stephen Breyer - so sánh vụ rò rỉ lần này với ấn phẩm “Hồ sơ Lầu Năm Góc” hồi năm 1971 của tờ New York Times.
“Đây tương đương với vụ rò rỉ của Lầu Năm Góc, nhưng tại Tòa án Tối cao. Tôi khá chắc chắn chưa có một vụ rò rỉ nào như thế này, và càng chắc chắn hơn trong những năm tôi theo dõi Tòa án Tối cao”, luật sư viết trên Twitter.
Một phần lý do Tòa án Tối cao Mỹ ít khi bị tiết lộ bản thảo là vì chỉ một số ít người được phép xem các quyết định trước khi nó được công bố, gồm những thẩm phán và nhóm nhỏ làm việc cho họ. Các thư ký thẩm phán, luật sư làm việc cho thẩm phán trong một năm và những người có thể xem bản thảo cần ký cam kết bảo mật.
Tuy nhiên, tòa án Mỹ cũng từng chứng kiến bản thảo bị tiết lộ, mặc dù không ở mức độ rõ ràng như Politico đăng tải.
Ví dụ, vào năm 1973, phóng viên David Beckwith của tạp chí Time đã đưa tin về kết quả của vụ Roe v Wade trước khi quyết định cuối cùng được công bố. Tuy nhiên, vì đây là tạp chí theo tuần nên thông tin “sốt dẻo” chỉ lộ ra vài giờ trước khi tòa án công khai việc này.
Vào cuối những năm 1970, phóng viên Tim O’Brien của tờ ABC đã khám phá ra rất nhiều phán quyết trước khi nó được công khai, theo cuốn sách của một nhân viên từng làm tại tòa án Barrett McGurn. Điều này vừa khiến các thẩm phán ngạc nhiên, vừa khiến họ khó chịu.
Không rõ ông O’Brien đã lấy thông tin từ đâu, nhưng cựu Chánh án Warren Burger khi đó nghi ngờ ai đó trong cửa hàng in ấn của tòa án đã gửi thông tin này cho ông O’Brien.
Giáo sư Jonathan Peters của Đại học Georgia - người đã viết về các vụ rò rỉ bản thảo tại tòa án - lưu ý Roe không phải là trường hợp nổi tiếng duy nhất. Chẳng hạn, tờ New York Tribune từng xuất bản một “bản thảo luận của tòa án ở vụ án Dred Scott” - quyết định khét tiếng năm 1857 tuyên bố người Mỹ gốc Phi không thể là công dân.
“Các vụ rò rỉ bản thảo của Tòa án Tối cao là rất hiếm, gần như là chưa từng có”, ông Peters từng viết vào năm 2012.
Ai rò rỉ bản thảo cho Politico?
Tương tự, không rõ ai đã làm rò rỉ bản dự thảo chi tiết đến vậy cho Politico hay động cơ của họ là gì. Tờ báo này chỉ nói rằng họ nhận được tài liệu này từ một nguồn tin quen thuộc với tòa án cùng với những chi tiết hỗ trợ tính xác thực. Bản thảo dài 98 trang, gồm một phụ lục 31 trang và có 118 chú thích ở cuối.
Chánh án John G. Roberts Jr. đã ra lệnh điều tra vụ việc. Ông coi đây là sự vi phạm nghiêm trọng đối với lòng tin tại tòa án, làm tổn thương tới tòa án và các công chức làm việc tại đây.
Có nhiều đồn đoán trên mạng xã hội về động cơ của người tiết lộ vào tối 2/5, theo New York Times.
Một giả thuyết cho rằng vụ việc này bắt nguồn từ thư ký của một thẩm phán theo phe tự do đang tìm cách gây áp lực công khai lên tòa án trước khi có quyết định cuối cùng.
Có ý kiến nghiêng về việc một trong những thẩm phán theo phe bảo thủ đã dàn dựng nhằm tìm cách làm dịu tác động của phán quyết bằng cách khiến người Mỹ "quen với ý tưởng này trước khi nó thực sự xảy ra".
Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lại khẳng định một trong 4 thẩm phán mà theo phe ông Alito đang dao động, nên họ đưa ra tài liệu này để buộc mọi thứ quay trở lại vạch xuất phát.
Richard L. Hasen - giáo sư luật tại Đại học California, Irvine - lưu ý không nên cho rằng người làm rò rỉ tài liệu là nhà hoạt động vì quyền phá thai.
“Trên thực tế, kiểu rò rỉ này có thể giúp đối tượng muốn lật đổ phán quyết Roe nếu nó làm chệch hướng trọng tâm sang câu hỏi về tính bảo mật của Tòa án Tối cao và việc bị tiết lộ trước sẽ ảnh hưởng thế nào tới tính hợp pháp của quy trình”, ông nói.
Nếu quyết định cuối cùng được đưa ra đúng như dự thảo, phong trào kéo dài hàng thập niên của những người theo phe bảo thủ sẽ thành công. Họ là những người cho rằng sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai và Roe đã dẫn đến một quyền không tồn tại trong Hiến pháp Mỹ.
Ngược lại, điều này đại diện cho thất bại nặng nề của những người theo chủ nghĩa tự do, đối tượng tìm cách bảo vệ quyền lựa chọn của phụ nữ.
Theo Zing