Nước Anh rời EU không thỏa thuận

22/06/2020 07:25

Sẽ có nhiều thách thức về kinh tế - xã hội đối với cả nước Anh và EU.

Nước Anh đã thông báo chính thức với Liên minh châu Âu (EU) rằng sẽ không tìm cách gia hạn giai đoạn chuyển tiếp thời kỳ hậu Brexit sau ngày 31.12 năm nay. Như vậy ngoài cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, EU lại đón thêm cuộc khủng hoảng thứ hai mà nước Anh đã chọn để tặng EU là ra đi không thỏa thuận.

Cuộc khủng hoảng mới của EU

Qua nhiều vòng đàm phán cả trực tiếp và trực tuyến (do ảnh hưởng của dịch Covid-19), EU và Anh không đạt được thỏa thuận, cả hai bên đều đưa ra những lý do rất chính đáng để bảo vệ lợi ích của riêng mình.

Cao ủy phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu (EU) nhiều lần cảnh báo Anh rằng họ cần phải đẩy nhanh công việc nếu muốn đạt được thỏa thuận vào cuối năm. Thế nhưng phía Anh vẫn dửng dưng trước những thúc ép từ phía EU bởi vẫn còn rất nhiều những khoảng cách lớn về quan điểm như đòi hỏi của EU.

EU đòi có những bảo đảm về cạnh tranh công bằng còn gọi là “sân chơi công bằng” vốn bị nước Anh bác bỏ. Hay chính sách ngư nghiệp, những sự bảo đảm đối với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng bị Anh từ chối. Còn yêu cầu của Anh được quyền liên tục tiếp cận cơ sở dữ liệu cảnh sát và biên giới của EU, cơ chế thông tin khối Schengen và cách thức thực thi bất kỳ thỏa thuận nào đều bị phía EU bác bỏ.

Không bên nào chịu bên nào, “già néo đứt dây” nên ngày 12.6, chính phủ Anh cho biết nước này đã chính thức thông báo với EU rằng sẽ không tìm cách gia hạn giai đoạn chuyển tiếp thời kỳ hậu Brexit sau ngày 31.12.2020, tức là nước Anh chính thức rời EU không thỏa thuận.

Sau thông báo của phía Anh với EU, ông Michael Gove - Chánh Văn phòng nội các Anh viết trên mạng Twitter rằng: “Tôi đã chính thức xác nhận rằng nước Anh sẽ không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp và thời điểm cho sự gia hạn hiện đã qua. Vào ngày 1.1.2021, chúng tôi sẽ tiếp quản quyền kiểm soát và giành lại độc lập về chính trị và kinh tế”.

Trong hiệp ước ra đi được ký giữa Anh và EU quy định rằng trước cuối tháng 6.2020 có thể gia hạn thêm 2 năm cho thời gian chuyển tiếp. Nhưng thủ tướng Anh với quyết tâm “giành lại độc lập về chính trị và kinh tế” đã phản đối việc gia hạn, thậm chí sẽ phủ quyết bất kỳ yêu cầu kéo dài thêm thời gian nào của EU. Dường như chính phủ của ông Boris Johnson hiểu được rằng kéo dài đàm phán như thời Thủ tướng Theresa May là không có lợi. Trong khi ông Johnson vẫn muốn có một thỏa thuận, nhưng nếu kéo dài thời gian gia hạn là phản bội lại những cử tri đã ủng hộ đảng bảo thủ của ông. Chính vì vậy, phía Anh đã quyết định không có ý định ký thỏa thuận trước khi ra đi theo những điều kiện mà phía EU đưa ra, trong bối cảnh hiện tại việc dựa vào các điều kiện của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là có lợi hơn cả và là phương án ít làm nản lòng cử tri Anh.

Nước Anh rời EU không thỏa thuận đã tạo ra cuộc khủng hoảng thứ hai cho EU, vấn đề này không chỉ tạo thêm khó khăn cho nước Anh mà cho cả EU. Rồi đây Anh và EU chắc chắn sẽ có nhiều cuộc đàm phán nhưng những cuộc đàm phán này sẽ ở trong một tâm trạng khác hoàn toàn. Cuộc khủng hoảng thứ hai này là kết quả của việc cả hai bên đều muốn kéo phần lợi cho riêng mình.

Nước Anh ứng phó với hai cuộc khủng hoảng

Không chỉ EU chịu hai cuộc khủng hoảng kép, mà nước Anh cũng phải chịu chung. Đại dịch Covid-19 gây cho EU nhiều sóng gió cả kinh tế - xã hội lẫn chính trị thì ở Anh cũng vậy. Với nước Anh phải thực hiện các biện pháp phong tỏa để chống Covid-19 tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực, đẩy kinh tế Anh suy giảm nhanh chóng.

Ở cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, GDP của Anh suy giảm 6% thì tốc độ suy giảm vì đại dịch Covid-19 sẽ lớn hơn gấp 3 lần. Theo số liệu của Văn phòng thống kê quốc gia (ONS) Anh, sản lượng của nền kinh tế Anh tháng 4 vừa qua đã giảm 20,4% so với tháng 3, mức giảm cao nhất kể từ khi chỉ số này được theo dõi.

Phó Trưởng bộ phận thống kê quốc gia về chỉ số kinh tế của ONS - ông Jonathan Athow cho biết: “Mức sụt giảm GDP trong tháng 4 là lớn nhất mà Anh từng thấy, lớn gấp 3 lần so với tháng 3 và lớn gấp 10 lần so với mức sụt giảm mạnh nhất trước Covid-19. Đến tháng 4 nền kinh tế đã nhỏ hơn khoảng 25% so với tháng 2”. Điều đáng lưu ý là lĩnh vực dịch vụ chiếm khoảng 80% nền kinh tế đã giảm 19%, sản lượng công nghiệp giảm hơn 20% và xây dựng giảm 43%.

Rời EU không thỏa thuận, nước Anh sẽ phải mất nhiều thời gian để đàm phán với EU nhằm ký các hiệp định thương mại song phương để hàng hóa của Anh được vào thị trường chung EU. Và dù Anh có đạt được các thỏa thuận thương mại với EU, thì kinh tế nước Anh sau khi ra đi không thỏa thuận sẽ gặp khó khăn nhất kể từ năm 1707.

Ngoài những khó khăn về kinh tế do Covid-19 và rời EU không thỏa thuận, nước Anh còn phải đối mặt với một thách thức rất lớn liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ, đó là sự phân quyền không rõ ràng cách đây hai thập kỷ trong khi Scotland và Bắc Ireland đã có cơ quan lập pháp đầy đủ, còn lại xứ Wales chưa có, do đó chính phủ Anh đã cho phép xứ Wales thành lập cơ quan nghị viện phân quyền nhưng ít được biết đến ở khía cạnh quyền lực độc lập trong cơ cấu chính trị của Vương quốc Anh. Đến năm 2006, cơ quan này mới được trao những thẩm quyền tương đương với các cơ quan lập pháp với hai khu vực là Scotland và Bắc Ireland.

Nhiều nhà phân tích cho rằng việc tạo ra các nghị viện phân quyền tại các xứ thuộc Anh có làm cho vương quốc này vẹn toàn lãnh thổ khi năm 2014 đòi bỏ phiếu độc lập. Cho nên sớm muộn chính phủ Anh phải tính toán lại chuyện phân quyền có các xứ thuộc Vương quốc Anh - đây quả là một thách thức lớn cho nước Anh.

Nước Anh giữa nhiều ngã rẽ về thương mại

Người dân và quan chức chính phủ Anh dường như đã hiểu rõ rằng rời EU không thỏa thuận Vương quốc Anh sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, nước Anh không phải phụ thuộc về chính trị và kinh tế, chính phủ và người dân Anh tự quyết vận mệnh của mình cho dù có thể thời gian đầu khi “ra ở riêng” khó khăn là điều tất yếu.

Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak đã dự báo một kịch bản “tồi tệ” nhất khi nợ chính phủ sẽ tăng tới 300 tỷ bảng (khoảng 373,8 tỷ USD). Rời EU không thỏa thuận, nước Anh đứng trước rất nhiều ngã rẽ, điều này khiến lãnh đạo nước Anh phải tính toán cụ thể.

Với EU, sau mấy thập kỷ sống chung chắc chắn nước Anh không chỉ coi nhẹ liên minh này cho dù những căng thẳng trong đàm phán thương mại sắp tới sẽ kéo dài nhưng sự phụ thuộc nhau sẽ thúc đẩy hai bên tìm được tiếng nói chung bởi 49% hàng xuất khẩu hiện nay của Anh là sang EU. Còn với EU, chắc chắn liên minh này không thể bỏ được nước Anh với nhiều lý do trong đó có lý do địa chính trị và quân sự.

 Với Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Anh lại đang có những đòi hỏi quá mức với nước Anh như phải từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran hay từ bỏ cam kết chống biến đổi khí hậu, đáng chú ý là nỗ lực của Anh nhằm giảm lượng khí thải Carbon bằng 0 vào năm 2050. Nếu đáp ứng các yêu cầu của Mỹ chắc chắn Mỹ sẽ ký hiệp định thương mại với nhiều ưu đãi.

Với khối liên hiệp Anh, chắc chắn chính quyền nước Anh sẽ quan tâm hơn để quay lại củng cố khối liên hiệp Anh đã bị sao nhãng trong nhiều thập kỷ qua. Đặc biệt, Anh sẽ tăng cường quan hệ hợp tác với các nước chủ chốt trong khối này như Ấn Độ, Canada, Australia, Nigeria, Nam Phi và Malaysia tuy rằng GDP về mặt danh nghĩa 6 nước trên chỉ ngang bằng GDP của Đức và Pháp cộng lại. Nhưng nếu củng cố khối này sẽ tạo cho nước Anh cửa mở vào các châu lục lớn của thế giới.

Ra đi không thỏa thuận đúng là kết cục buồn cho cả Anh và EU đặc biệt trong bối cảnh dich Covid-19 tiếp tục hoành hành trên phạm vi toàn cầu. Cả Anh và EU đều có lý do riêng để bảo vệ quan điểm của mình. Cỗ xe thương mại của Anh vốn vận hành không ma sát đem lại lợi ích cho cả hai bên Anh và EU. Nay cỗ xe này sẽ vận hành theo những quy định “tùy chỉnh” cứng nhắc sẽ được đặt ra với cả Anh và EU bởi các hoạt động thương mại giữa hai bên sẽ theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho đến khi hai bên đạt được những hiệp định thương mại tự do.

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước Anh rời EU không thỏa thuận