Phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Quốc Phòng Nguyễn Văn Hiến cùng Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) và các đồng phạm chiều qua tiếp tục với phần thẩm vấn.
Theo cáo buộc, năm 2005, Đinh Ngọc Hệ nhờ cháu là Vũ Thị Hoan (khi đó đang là sinh viên năm thứ nhất, hệ cao đẳng, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) đứng tên giám đốc, người đại diện theo pháp luật để thành lập Công ty Yên Khánh.
Mọi việc khi đó nữ sinh viên làm đều theo chỉ đạo, điều hành của Hệ.
Bị cáo Vũ Thị Hoan |
Năm 2006, Út “trọc” biết Quân chủng Hải quân (QCHQ) có chủ trương chuyển mục đích sử dụng khu đất số 7-9, đường Tôn Đức Thắng TP Hồ Chí Minh sang làm kinh tế.
Thời điểm đó, Công ty Yên Khánh mới thành lập, vốn điều lệ chỉ là trên danh nghĩa đăng ký kinh doanh, không có thực, không có cơ cấu tổ chức, nhân sự, chưa thi công dự án nào.
Nhưng Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo nhân viên thuộc quyền lập tờ trình, để Hoan ký, gửi QCHQ xin liên kết đầu tư xây dựng và khai thác tòa nhà cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại tại khu đất số 7-9.
Nội dung tờ trình phản ánh không đúng sự thật về năng lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực và các dự án Công ty Yên Khánh đã, đang thực hiện liên doanh với đối tác.
Do không kiểm tra, thẩm định về năng lực Công ty Yên Khánh, không biết việc công ty này đưa ra trong tờ trình là gian dối nên tháng 5.2006, hợp đồng nguyên tắc liên doanh liên kết thực hiện dự án tại khu đất số 7-9 giữa Công ty Hải Thành, thuộc QCHQ và Công ty Yên Khánh đã được ký.
Cấp dưới đã tham mưu cho cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến ký ủy quyền giao người khác ký hợp đồng liên doanh làm kinh tế với Công ty Yên Khánh tại khu đất số 7-9.
Sau đó, Hoan và Công ty Hải Thành đã ký hợp đồng liên doanh số 07 để thực hiện dự án xây dựng và vận hành một cao ốc đa chức năng tại khu đất số 7-9, thời hạn 49 năm.
Theo hợp đồng này, Công ty Yên Khánh bảo đảm thanh toán cho Công ty Hải Thành một khoản thu nhập ổn định, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh...
Bằng các thủ đoạn gian dối, Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan đã chiếm đoạt quyền sử dụng khu đất số 7-9 của QCHQ có giá trị tại thời điểm tháng 2.2010 là hơn 525 tỷ đồng.
Tại tòa, các bị cáo Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng kinh tế QCHQ) và Trần Trọng Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công ty Hải Thành) đều khai rằng, thực chất hợp đồng 07 là hợp đồng cho thuê đất.
Bị cáo Hoan khai: Thời điểm ký tờ trình gửi QCHQ xin liên kết đầu tư tại khu đất số 7-9, bị cáo đang đi học và ở nhà ông Hệ. Bị cáo ký mà không đọc, không hiểu nội dung tờ trình này.
Là người ký hợp đồng 07, sau này bị cáo Hoan biết, bản chất hợp đồng này là hợp đồng cho thuê đất. Bởi nếu liên doanh thì lời hưởng, lỗ chịu, nhưng đây là phải trả tiền theo từng quý.
Vẫn theo lời khai của Hoan, bị cáo là người không có năng lực và hiểu biết pháp luật. Bị cáo tin tưởng vào sự điều hành của ông Hệ và nhận sự chỉ đạo trực tiếp từ bị cáo Phạm Văn Diệt (cựu Tổng Giám đốc CTCP tập đoàn Đức Bình).
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Diệt cho rằng: Nói bị cáo đều chỉ đạo là không đúng. Hoan trên 18 tuổi, là người đại diện pháp luật của công ty, không thể nói không biết gì.
Cựu thứ trưởng nhận khuyết điểm
Trả lời thẩm vấn, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến trình bày: Chủ trương đưa 3 khu đất của QCHQ ra làm kinh tế xuất phát từ việc TP Hồ Chí Minh đề nghị, có mấy khu đất ở đường Tôn Đức Thắng có thể dùng để chỉnh trang đô thị TP Hồ Chí Minh đề nghị trước.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến |
Việc đưa 3 khu đất của QCHQ ra làm kinh tế, Tư lệnh QCHQ không quyết định được mà Thường vụ Đảng ủy quân chủng phải báo cáo Bộ Quốc phòng. Thường vụ không quyết định được mà phải xin phép cấp trên.
Nói về lý do QCHQ muốn đưa 3 khu đất ra làm kinh tế, ông Nguyễn Văn Hiến cho rằng, vì đời sống cán bộ hải quân đang kham khổ.
Sau này, vì hiểu sai ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, cấp dưới đã tham mưu sai cho bị cáo, dẫn đến thực hiện sai.
Theo lời khai của ông Hiến, bị cáo đã xác nhận với cơ quan điều tra, VIện Kiểm sát, nay là với hội đồng xét xử, bị cáo có khuyết điểm là thiếu sát sao trong công việc, không phát hiện được sai sót.
Theo Vietnamnet