Hiệp Lực đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

10/12/2018 16:35

Những năm qua, phong trào chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn quả ở xã Hiệp Lực (Ninh Giang) diễn ra khá mạnh mẽ, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân nơi đây.


Từ đầu vụ đến nay, gia đình bà Vũ Thị La ở thôn Trung đã thu được 60 triệu đồng từ cây ổi

 Thu nhập cao gấp nhiều lần so với cấy lúa

Về xã Hiệp Lực những ngày này, chúng tôi thấy rộn rã tiếng nói, cười của bà con nông dân đang thu hoạch ổi. Ông Lê Lương Dân, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hiệp Lực cho biết: “Mỗi ngày người dân xã Hiệp Lực thu hái khoảng 10 tấn ổi để bán cho thương lái. Bà con không phải mang đi đâu xa vì thương lái đến tận ruộng thu mua. Có gia đình từ đầu vụ đến nay đã thu về cả trăm triệu đồng từ cây ổi.  So với cấy lúa, trồng ổi cho thu nhập cao gấp 9-10 lần”.

Do đồng đất Hiệp Lực phù hợp nên cây ổi phát triển nhanh, quả to, mọng, chất lượng ngon. Đang nhanh tay bọc ni-lông để bảo vệ những quả ổi non tránh ruồi vàng phá hoại, bà Vũ Thị La ở thôn Trung cho biết: ''Đây là năm thứ 3 vườn ổi nhà tôi cho thu hoạch. Từ đầu vụ đến nay, tôi đã thu được 60 triệu đồng, tương đương năm trước. Vườn ổi còn vài lần cho thu hoạch nữa mới hết vụ nên chắc chắn thu nhập của gia đình tôi năm nay sẽ khá hơn”.

Bên cạnh cây ổi, vài năm gần đây, người dân xã Hiệp Lực đã mạnh dạn đưa một số cây trồng mới vào sản xuất và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Cách đây 3 năm, gia đình bà Đào Thị Biên ở thôn Mai chuyển đổi 4 sào ruộng từ cấy lúa sang trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh và cam Vinh. Do các cây trồng này cho hiệu quả kinh tế cao nên năm nay bà tiếp tục chuyển đổi thêm 2 sào nữa. Mặc dù năm trước, cây mới bói vụ đầu tiên nhưng gia đình bà Biên đã thu được gần 15 triệu đồng. Năm nay, gia đình bà thu được khoảng 200 quả bưởi da xanh và gần 800 quả bưởi Diễn, ngoài ra còn cam. ''Với giá bán 25.000 đồng/quả bưởi Diễn, từ 50.000 – 80.000 đồng/quả bưởi da xanh, 25.000 đồng/kg Vinh, vườn nhà tôi cho thu khoảng 40 triệu đồng. Đặc thù của những cây này là phải từ năm thứ 5 trở đi, cây mới thuần và cho quả nhiều nên chắc chắn năm sau vườn của gia đình tôi sẽ cho thu nhập cao hơn năm nay”, bà Biên nói.

Chủ trương đúng đắn

Việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả ở Hiệp Lực diễn ra từ năm 2005, bắt đầu từ thôn Hiệp Thọ. Khi đó một số người dân trong thôn đã mạnh dạn đưa giống ổi bo về trồng. Lúc đầu, chỉ là trồng trong vườn nhà nhưng sau thấy cây ổi mang lại hiệu quả cao nên người dân đã đưa ra trồng ngoài đồng. Cũng từ đây, cây ổi lan rộng ra những thôn khác. Đến nay toàn xã có trên 100 ha trồng ổi, tập trung nhiều ở thôn Hiệp Thọ (40 ha), thôn Tiền (30 ha)... Xã Hiệp Lực xây dựng được vùng ổi VietGAP rộng 40 ha. Ngoài ổi, hiện nay xã còn có khoảng 10 ha trồng các loại cây mới như cam canh, bưởi Diễn, mít... Nếu ở những nơi khác chủ yếu là chuyển đổi diện tích cấy lúa bấp bênh, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả thì ở Hiệp Lực, người dân chuyển đổi diện tích đất cao, đẹp và trồng theo từng vùng để thuận tiện trong việc điều tiết nước tưới, dễ chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, xã Hiệp Lực sẽ chuyển đổi thêm 40 ha đất cấy lúa sang trồng cây ăn quả, nâng tổng diện tích đất chuyển đổi của xã lên 150 ha  chiếm 40% diện tích đất nông nghiệp). Đây là địa phương có diện tích chuyển đổi nhiều nhất của huyện Ninh Giang. Để đạt kế hoạch trên, ngoài việc quy hoạch các vùng để chuyển đổi, xã còn tích cực  hướng dẫn người dân đưa thêm các loại cây mới vào trồng để đa dạng các cây trồng và hỗ trợ nông dân trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Hiệp Lực đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng