Èo uột nhà màng ở Tứ Kỳ

17/07/2019 16:05

Trong khi ở nhiều địa phương khác diện tích nhà màng, nhà lưới không ngừng tăng lên thì huyện Tứ Kỳ vẫn đang loay hoay tìm hướng đi để phát triển mô hình sản xuất tiên tiến này.


Người dân huyện Tứ Kỳ chưa mạnh dạn đầu tư làm nhà màng, nhà lưới vì lo ngại rủi ro

Mới có 2 thanh niên đi trước

Ấp ủ dự định làm nhà màng để trồng cây có giá trị kinh tế cao từ lâu nhưng đến năm 2017, anh Nguyễn Thế Khánh ở xã Tứ Xuyên cùng bạn là anh Nguyễn Mạnh Thắng ở xã Ngọc Kỳ mới bắt tay vào làm. Anh Khánh cho biết: "Chi phí đầu tư cao, bản thân lại chưa có kinh nghiệm nên chúng tôi rất đắn đo. Nhưng vì đam mê nông nghiệp sạch nên chúng tôi vẫn quyết tâm làm". Dù đã tính toán, lường trước những khó khăn song các anh vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề. Vụ đầu tiên do khâu kỹ thuật chưa hoàn thiện nên cây trồng không phát triển như mong đợi. Trong các vụ tiếp theo hai anh đã khắc phục được vấn đề kỹ thuật nhưng lại loay hoay tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cơ sở cũng từng cung ứng sản phẩm cho siêu thị Vinmart (Hà Nội) nhưng không đáp ứng đủ số lượng nên sau vài tháng phải chuyển hướng cung cấp cho các cửa hàng rau sạch. Việc mở rộng thị trường ở địa phương càng khó khi người dân chưa quan tâm đến những sản phẩm này.

Năm 2018, anh Thắng đầu tư riêng mô hình nhà màng rộng hơn 800 m2 . Chi phí ban đầu trên 400 triệu đồng, anh dự kiến phải mất từ 3-4 năm mới hoàn vốn. "Một m2 nhà màng phải đầu tư từ 300.000-400.000 đồng trong khi nguồn hỗ trợ từ tỉnh chỉ bằng 1/4 số này", anh Thắng nói.

Thiếu vốn đang là trở ngại lớn nhất với những người làm nông nghiệp sạch như các anh Thắng, Khánh. Đây cũng là 2 người duy nhất đến nay làm nhà màng, nhà lưới ở Tứ Kỳ. 1 mô hình do doanh nghiệp đầu tư để trồng cây đinh lăng vào năm 2018 tại xã Tân Kỳ đã bị thất bại do hạn chế về kỹ thuật.

Huyện chưa có chính sách hỗ trợ

Toàn huyện Tứ Kỳ hiện chỉ có 2 mô hình nhà màng, nhà lưới của các anh Thắng, Khánh còn hoạt động với tổng diện tích hơn 1.000 m2 . Đây là một trong những địa phương có diện tích nhà màng, nhà lưới thấp nhất tỉnh. Ngoài hỗ trợ của tỉnh, huyện chưa có chính sách cụ thể nào khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Theo ông Lê Tất Hiệt, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ, trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện khuyến khích người dân phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trồng cây trong mô hình này nhiều ưu điểm song người dân, doanh nghiệp chưa mạnh dạn ứng dụng vì có thể gặp rủi ro. Ngoài ra, mô hình trên khó phát triển như vốn đầu tư lớn trong khi thời gian thu hồi khá lâu; tích tụ ruộng đất ở đây còn manh mún, nhỏ lẻ; người dân ngại thay đổi tập quán canh tác... Thời gian tới, địa phương sẽ tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Huyện cử cán bộ nông nghiệp tư vấn, định hướng về quy mô, cây trồng đối với các hộ dân xây dựng mô hình nhà màng, nhà lưới.

Về lâu dài, ngoài hỗ trợ kỹ thuật, huyện Tứ Kỳ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư mô hình nhà màng, nhà lưới nhằm khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Èo uột nhà màng ở Tứ Kỳ