Nông nghiệp - Nông thôn

"Thủ phủ" cánh đồng mẫu lớn ở Tứ Kỳ

NGUYỄN THẢO 16/09/2024 16:00

Những năm gần đây, xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) là địa phương đi đầu huyện trong tích tụ ruộng đất, xoá ruộng hoang để phát triển kinh tế địa phương. Nơi đây được coi là "thủ phủ" của những cánh đồng mẫu lớn ở Tứ Kỳ.

00:00

img_5156.jpeg
Anh Lê Quảng Trị ở thôn Thượng Hải, xã Bình Lãng gom ruộng hoang để cấy lúa, trồng hoa

Bắt ruộng hoang “nhả vàng”

10 ha ruộng bỏ hoang ở thôn Thượng Hải nay đã phủ một màu xanh mỡ màng của lúa, của hoa. Những ngày đầu tháng 9, nhiều lao động đang thu hoạch những bông huệ trắng trong ruộng của gia đình anh Lê Quảng Trị (46 tuổi).

Năm 2019, anh Trị đã tới từng hộ dân trong thôn gom, thuê ruộng bỏ hoang để canh tác. Anh Trị nhớ lại: “Ngày nhận ruộng, nhìn cả cánh đồng chỉ ngút ngàn cỏ lau, cỏ lác, không ít người khuyên tôi nên dừng lại. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm bằng được. Tôi thuê máy cày, máy xúc xới lại đất, đắp lại kênh mương ... Sau 3 tháng, mảnh đất hoang đã trở thành những ô thửa vuông vức".

Anh Trị mạnh dạn vay ngân hàng 300 triệu đồng để cải tạo đất, mua thêm máy phun thuốc, máy gieo sạ, máy gặt… phát triển sản xuất. Kiên trì bám ruộng, bám đồng, có máy móc trong tay hỗ trợ nên đất không phụ công người. Ruộng lúa tập trung lớn nên thuận lợi cho việc chuyên canh lúa “đồng trà, cùng giống”.

Vụ đầu tiên, anh Trị tập trung cấy giống lúa Q5 cho năng suất từ 1,9- 2 tạ/sào. Anh cũng chủ động tìm đầu ra, liên kết với thương lái trong vùng để bán. Anh còn cải tạo thêm 1 ha đất trồng hoa huệ và hoa dơn cho thu hoạch vào tháng 8 âm lịch, dịp Tết. Nhờ vậy, mỗi năm anh Trị thu lãi từ làm ruộng trung bình từ 120-150 triệu đồng.

​Lam lũ, vất vả với đồng ruộng gần nửa đời người, anh Nguyễn Tất Công ở thôn Thượng Hải cũng từng có ý định bỏ ruộng. Tuy nhiên, khi nhìn thấy những thửa ruộng màu mỡ bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, anh Công không đành lòng. Vốn chỉ có vài sào ruộng khoán nhưng đến nay gia đình anh đã cải tạo, phủ kín 15 ha ruộng ở khắp các khu đồng trong xã.

Nhớ lại những ngày đầu, gia đình anh Công gặp không ít khó khăn. Khu triều trũng ở thôn đã bỏ hoang nhiều năm nay nên việc cải tạo càng không hề dễ dàng. Bắt tay gây dựng lại 15 ha từ con số không, anh Công phải tính toán tỉ mỉ, lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp nếu không sẽ trắng tay. Mỗi năm canh tác 2 vụ, nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn giống chất lượng nên lúa của gia đình anh thường cho năng suất vượt trội so với các gia đình thâm canh nhỏ lẻ. Trừ chi phí, mỗi năm, gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng từ cây lúa.

Phát triển kinh tế

img_5162.jpeg
Cánh đồng thôn Thượng Hải trước đây bị bỏ hoang nay đã phủ màu xanh tốt

Từ địa phương có nhiều diện tích ruộng bỏ hoang, đến nay, xã Bình Lãng đã trở thành “thủ phủ” của những cánh đồng mẫu lớn. Toàn xã có hơn 20 hộ dân tham gia mô hình tích tụ ruộng đất với quy mô hơn 90 ha. Toàn bộ diện tích này trước đây đều bị bỏ hoang hoá hoặc chiêm trũng khó canh tác. Cùng với chuyên canh cấy lúa, nhiều hộ dân còn cải tạo để trồng rau màu, sắn dây, mía, kết hợp trồng lúa và nuôi cá… mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, từ 80-200 triệu đồng/hộ/năm.

Theo ông Nguyễn Khắc Viễn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lãng, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư máy móc, kỹ thuật, gom ruộng hoang thành cánh đồng mẫu lớn, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Có hộ dân còn đầu tư máy cuộn rơm, phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay vừa giảm sức lao động vừa mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Cũng vì người dân bám đất nên hiện địa bàn đã không còn tình trạng ruộng bỏ hoang hoá. Giá trị sản xuất nông nghiệp của xã Bình Lãng năm 2023 đạt 34,8 tỷ đồng, tăng 11,53% so với năm 2022.

img_5312.jpeg
Một số hộ tích tụ ruộng đất ở xã Bình Lãng đầu tư máy cuộn rơm để phát triển sản xuất

Theo UBND xã Bình Lãng, để có được kết quả trên, xã rất quan tâm hỗ trợ, khuyến khích người dân địa phương tham gia mô hình tích tụ ruộng đất. Hằng năm, UBND xã, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã hỗ trợ kinh phí cho hộ dân nạo vét kênh mương, làm thuỷ lợi nội đồng, hướng dẫn về kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Địa phương còn tổ chức gặp mặt, biểu dương các hộ dân tích tụ ruộng đất từ 2 ha trở lên, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng qua đó giúp các hộ dân tìm giải pháp khắc phục. Xã cũng tạo mọi điều kiện trong thẩm quyền để giúp những hộ có nguyện vọng mượn đất, thuê đất sản xuất.

Ông Đào Văn Soái, Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá canh tác trên cánh đồng mẫu lớn giúp người dân thoả sức với đồng ruộng, thay đổi thói quen canh tác manh mún, kém hiệu quả. Nhiều năm qua, xã Bình Lãng luôn là địa phương đi đầu trong phong trào tích tụ ruộng đất của huyện. Điểm sáng này cần được nhân rộng, góp phần thực hiện đề án “Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá tập trung, hiệu quả và bền vững giai đoạn năm 2021-2025” của UBND huyện Tứ Kỳ.

NGUYỄN THẢO
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Thủ phủ" cánh đồng mẫu lớn ở Tứ Kỳ