Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi và vận hành máy móc hiện đại một cách thiếu hiểu biết khiến nhiều nông dân phải đối mặt với những rủi ro khôn lường.
Nhiều nông dân chủ quan không sử dụng bảo hộ lao động khi phun thuốc trừ sâu
Anh Đỗ Văn Chuẩn (35 tuổi) ở xã Quyết Thắng (Ninh Giang) kể: “Cách đây mấy tháng, có lần đi thăm ruộng, thấy lúa bị sâu bệnh nặng quá nên tôi mua thuốc về trừ sâu. Khi phun thuốc tôi không đeo khẩu trang, chỉ mặc áo cộc và đội mũ cối. Xong việc, về nhà tôi thấy trên da mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu, đầu óc choáng váng, phải nghỉ làm gần 1 tuần mới thấy đỡ”.
Không chỉ riêng anh Chuẩn, tâm lý chủ quan, không sử dụng khẩu trang, kính mắt, quần áo bảo hộ khi phun thuốc trừ sâu khá phổ biến trong nông dân. Chuyện lấy tay không xé vỏ thuốc trừ sâu hay khi pha chế xong tiện tay vứt vỏ thuốc xuống các kênh mương nội đồng cũng không phải chuyện hiếm. Tại nhiều địa phương, vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn vứt bừa bãi, không được thu gom, tiêu hủy đúng cách. Thậm chí có người còn để thuốc trừ sâu ngay cạnh khu sinh hoạt của gia đình. Về lâu dài, sức khỏe của những nông dân này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ khi tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu...
Các biện pháp an toàn lao động cũng chưa được nông dân quan tâm đúng mức. Anh Ngô Quang Diện (45 tuổi) tại phường Việt Hòa (TP Hải Dương) lái máy gặt liên hợp gần 3 năm nay. Khi mới mua máy gặt về, anh chỉ mất 2 ngày tự mày mò và tập lái. "Do đặc thù công việc nên ít khi tôi mặc đồ bảo hộ vì rất vướng víu và khó chịu. Việc bị sứt sát chân tay lúc vận hành và bảo dưỡng máy móc là không thể tránh khỏi. Vụ trước khi tháo lưỡi hái, do không cẩn thận nên tôi bị cắt vào tay, tuy vết thương không lớn nhưng mất hàng tuần mới lành lại được”, anh Diện nói.
Để sử dụng các phương tiện giao thông như xe máy, ô tô... đều phải được học hành và thi lấy chứng chỉ. Nhưng với những máy móc trong sản xuất nông nghiệp thì phần lớn nông dân chỉ tìm hiểu và sử dụng theo hình thức “học lỏm”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm. Điển hình như vụ tai nạn tại thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) năm 2016. Trong khi đang thu hoạch lúa cho bà con nông dân, anh Nguyễn Văn Quảng (sinh năm 1986, tại khu 4, thị trấn Phú Thứ) đã lùi máy gặt làm bà Nguyễn Thị Vôi ở khu 7 (cùng thị trấn Phú Thứ) tử vong.
Trên thực tế, đa số nông dân chưa qua đào tạo nghề, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, không tuân theo một cách chặt chẽ các hướng dẫn và khuyến cáo của các sở, ban, ngành liên quan. Đa phần lao động trong lĩnh vực nông nghiệp bị hổng kiến thức, kỹ năng sử dụng máy móc và hóa chất. Do vậy, việc cơ giới hóa sản xuất càng diễn ra mạnh thì nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động lại càng gia tăng. Hiện hầu hết các vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp không được thống kê, báo cáo, bởi bà con chủ yếu sản xuất theo gia đình, quy mô vừa và nhỏ, đa phần không khai báo khi bị tai nạn lao động.
Để bảo đảm an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, nhất là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho nông dân. Tích cực hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời gian quy định. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn để nông dân nắm được các biện pháp bảo đảm an toàn lao động khi vận hành máy móc và sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại.
ĐỖ QUYẾT