Nỗi lo trên bờ kênh Bắc Hưng Hải mùa mưa bão

19/07/2022 10:28

Hiện cả 7 huyện, thành phố của Hải Dương có hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải đi qua đều có điểm sạt lở. Tình trạng này nếu không sớm được xử lý sẽ là mối nguy lớn khi xuất hiện mưa lớn, bão lũ.


Hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh Hải Dương xuất hiện ngày càng nhiều sự cố sạt lở


Là công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và phòng chống thiên tai nhưng hệ thống Bắc Hưng Hải đang trở thành trọng điểm nguy hiểm bởi nguy cơ sạt lở luôn rình rập, nhất là trong mùa mưa bão.

Gia tăng sạt lở

Huyện Bình Giang có khoảng 40 km kênh Bắc Hưng Hải chạy qua 8 xã, thị trấn thì có hơn 9 km trong tình trạng xung yếu. Bờ kênh mảnh, cao trình thấp trong khi các vi phạm xâm lấn hành lang bảo vệ và lòng kênh ngày càng gia tăng nên mối lo mất an toàn luôn thường trực. Những vị trí xung yếu này đều có chiều dài lớn, trung bình khoảng 300 m, có đoạn lên tới hơn 1.000 m, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả rất khó lường. 25 điểm sạt trượt chủ yếu ở các tuyến kênh Kim Sơn, Tây Kẻ Sặt vẫn đang diễn biến phức tạp, có thể gây ra sạt lở sâu bất cứ lúc nào nếu gặp tác động của các yếu tố bên ngoài. Theo ông Vũ Quang Thái, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang, những điểm sạt trượt trên hệ thống Bắc Hưng Hải tại địa phương rất đáng lo ngại vì bờ kênh không được tu bổ thường xuyên lại phải chịu áp lực lớn từ sản xuất, dân sinh. Có những đoạn bờ kênh đảm nhận cả vai trò là đường giao thông nên nhanh xuống cấp, sạt lở. 

Xã Cao Thắng (Thanh Miện) có 4 điểm xung yếu tại các tuyến kênh Cửu An, Nam Kẻ Sặt. Mặc dù địa phương đã xây dựng phương án xử lý theo phương châm "4 tại chỗ" nhưng mới chỉ là biện pháp tạm thời. Các sự cố vẫn có thể diễn biến xấu nếu gặp thời tiết bất lợi. Ông Trần Mạnh Nhường, Chủ tịch UBND xã Cao Thắng cho biết các điểm xung yếu nguy hiểm nếu không được khắc phục sớm, kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn nên địa phương luôn chủ động trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu. Tuy nhiên, biện pháp triển khai mới chỉ giải quyết được phần "ngọn" nên vẫn cần phương án an toàn và ổn định hơn.

Theo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, hiện 7 huyện, thành phố của Hải Dương có hệ thống thuỷ lợi này đi qua đều có điểm sạt lở với tổng số 91 điểm, tăng hơn 40 điểm so với trước năm 2021. Không chỉ do nguyên nhân khách quan mà những lý do chủ quan xuất phát từ những hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân đang khiến bờ kênh Bắc Hưng Hải ngày càng xung yếu, không những giảm năng lực phòng chống thiên tai mà còn là mối nguy lớn khi xuất hiện mưa lớn, bão lũ.


Bờ tả kênh Kim Sơn ở xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) đang bị nứt sâu xuống chân


Chủ động ứng phó

Là công trình thuỷ lợi nội đồng nhưng nếu xảy ra sự cố trên Bắc Hưng Hải thì mức độ nguy hiểm sẽ tương đương sông ngoài, thậm chí còn báo động hơn khi hệ thống đi qua nhiều khu dân cư và vùng sản xuất chuyên canh của tỉnh. Do đó việc kiểm tra, phát hiện và sớm xử lý các điểm xung yếu có vai trò quan trọng để bảo đảm an toàn cho toàn tuyến. Qua khảo sát của đơn vị quản lý, những đoạn xung yếu nếu không có giải pháp ứng phó sẽ gây hậu quả nghiêm trọng tại Hải Dương có chiều dài lên tới gần 30 km. Các sự cố chủ yếu là sạt trượt mái kênh, tràn cục bộ qua bờ kênh, sạt lở bãi bồi, mặt kênh sụt lún... Trước thực trạng này, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải đã phối hợp các địa phương xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư và lực lượng để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. "Hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải rất quan trọng song vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng. Vì thế, khi mùa mưa bão đến, công trình thuỷ lợi thế kỷ lại bộc lộ những điểm bất cập với hàng loạt các sự cố sạt lở. Tuy đã có phương án xử lý nhưng mới chỉ là giải pháp tình thế, có phần bị động. Về lâu dài, công ty quản lý cần có phương án tu bổ hợp lý để không còn mối lo trên hệ thống đại thuỷ nông này", ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng nhận xét.

Hệ thống Bắc Hưng Hải phát sinh nhiều sự cố sạt lở ngoài tác động của địa chất, dòng chảy thì hoạt động dân sinh là điểm mấu chốt. Người dân vì lợi ích trước mắt mà phớt lờ các quy định, ngang nhiên lấn chiếm lòng kênh, bờ kênh. Hành vi nguy hiểm nhất là đào ao thả cá sát bờ kênh làm cho nguy cơ sạt lở cao hơn. Theo ông Nguyễn Gia Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, bên cạnh tập trung xử lý các điểm xung yếu thì phải có giải pháp hạn chế sự cố phát sinh. Để làm được điều này cần kiểm soát và ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu. Có như vậy hệ thống mới được bảo vệ an toàn, phát huy năng lực ứng phó, giảm thiểu thiên tai.

PV

(0) Bình luận
Nỗi lo trên bờ kênh Bắc Hưng Hải mùa mưa bão