Góc nhìn

Còn đó nỗi lo trẻ đuối nước

BÌNH MINH 06/04/2024 05:30

Còn một tháng nữa mùa hè mới bắt đầu nhưng tại Hải Dương đã ghi nhận liên tiếp 2 vụ trẻ em ở huyện Thanh Hà tử vong vì đuối nước. Bao giờ nỗi lo trẻ bị đuối nước mới vơi đi?

anh-1-2-.jpg
Giám sát, phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ trong những ngày hè là trách nhiệm của toàn xã hội và mỗi gia đình (ảnh minh hoạ)

Năm 2023, đuối nước là nguyên nhân khiến 25 người ở Hải Dương tử vong, chủ yếu là trẻ em. So với năm 2022, số vụ tai nạn đuối nước tăng khoảng 10%. Những cái chết thương tâm của các em nhỏ khiến các bậc làm cha mẹ và người thân đau đớn, day dứt cả phần đời còn lại.

Xâu chuỗi lại những vụ đuối nước đã xảy ra cho thấy nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những cái chết thương tâm trên do trẻ còn nhỏ, hiếu động, mải vui chơi, chưa nhận thức hết hoặc bỏ ngoài tai cảnh báo về những nguy hiểm luôn rình rập của việc tự ý đi bơi ở ao, sông, hồ khi không có người lớn đi cùng. Có trẻ chủ quan, tự tin vì bản thân đã biết bơi, cố tình trốn người lớn đi bơi theo lời rủ rê của bạn bè. Kỹ năng thoát hiểm và tìm kiếm sự giúp đỡ của trẻ khi bị đuối nước chưa có hoặc còn hạn chế...

Những cái chết thương tâm của các em cũng bắt nguồn từ sự thiếu giám sát, chưa cương quyết của cha mẹ và người thân trong việc giáo dục con về sự nguy hiểm khi tự ý đi tắm ở sông, suối, ao, hồ. Không ít người bận đi làm cả ngày, gửi con cho ông bà ở nhà trông nom. Nhưng thực tế, nhiều người tuổi đã cao, mắt mờ, chân chậm không thể kiểm soát được hết sự hiếu động của trẻ. Chỉ cần mải làm việc nhà, rời mắt trẻ trong ít phút là những sự việc đau lòng có thể xảy ra. Hơn nữa, nhiều gia đình có ao nhưng chưa xây bờ bao để ngăn chặn những nguy cơ có thể xảy ra đuối nước cho con trẻ.

Việc tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống tai nạn đuối nước thường xuyên được các địa phương quan tâm, nhất là khi mùa hè đến. Các trường học năm nào cũng mở các lớp dạy bơi, trang bị kỹ năng an toàn khi bơi cho học sinh... Những giải pháp này chưa đủ nếu cha mẹ chủ quan, thiếu cương quyết. Ngoài việc hiểu được tâm lý, giáo dục, nghiêm cấm con không được tự ý đi bơi khi không có sự giám sát của người lớn, cha mẹ nên cho con xem hoặc đọc những thông tin về các vụ đuối nước thương tâm từng xảy ra để cảnh báo. Giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để đón hoặc nhờ người đón con đúng giờ khi tan học, không để trẻ chờ đợi lâu làm phát sinh tình huống trẻ tự rủ nhau đi bơi. Khi bận việc nên gửi con cho những người thân đủ sức khoẻ, minh mẫn, có khả năng kiểm soát, giám sát sự hiếu động của trẻ...

Mùa hè đang đến gần, trong tiết chào cờ đầu tuần, sinh hoạt ở các nhà trường cần dành thời gian thoả đáng để tuyên truyền về phòng chống đuối nước cho học sinh. Cần có những video, hình ảnh minh hoạ phát trên màn hình máy chiếu tại các lớp về những nguy hiểm khi tự ý đi tắm sông, ao, hồ, những vụ việc thương tâm do đuối nước để học sinh tận mắt chứng kiến, tự rút kinh nghiệm cho bản thân. Bên cạnh đó, tiếp tục mở các lớp dạy bơi, trang bị kỹ năng an toàn cho trẻ khi đi bơi trong dịp hè.

Từ thành thị đến nông thôn ở Hải Dương có nhiều ao, hồ, sông sâu. Tại nhiều nơi, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở những vị trí này. Tuy nhiên, việc chỉ cắm biển cảnh báo thôi chưa đủ. Tổ chức Đoàn ở nông thôn cần phát huy tinh thần tình nguyện, phân công đoàn viên giám sát vào những khung giờ thường xuyên có trẻ đến bơi, hỗ trợ xử lý những tình huống nguy hiểm phát sinh...

Ngày hè nóng nực, được bơi lội ở ao hồ là thú vui mà gần như trẻ em nào cũng thích. Nhưng đi liền với thú vui này là sự nguy hiểm, những cái chết thương tâm vì đuối nước luôn rình rập. Bao giờ mới vơi bớt nỗi lo trẻ bị đuối nước là câu hỏi mà chính quyền, nhà trường và gia đình cần quan tâm đi tìm lời giải và cùng chung tay hành động thực chất.

BÌNH MINH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Còn đó nỗi lo trẻ đuối nước