Tài chính - Ngân hàng

Chứng khoán ngập "xanh tím", nỗi lo đè nặng tâm lý nhà đầu tư được xua tan?

T.H (theo Tuổi trẻ) 13/03/2024 21:03

Sau phiên suy giảm thanh khoản trước thông tin phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán hôm nay 13/3 tích cực trở lại, hơn 26.000 tỉ đồng trên HoSE.

Thị trường hưng phấn với giá trị giao dịch lớn trong phiên ngày 13-3 - Ảnh: B.K
Thị trường hưng phấn với giá trị giao dịch lớn trong phiên ngày 13/3

Nhiều cổ phiếu xanh tím

Kết phiên ngày 13/3, VN-Index đã tăng hơn 25,5 điểm, lên 1.270 - về sát đỉnh 18 tháng.

Sau diễn biến thận trọng phiên trước, thị trường hôm nay lấy lại hưng phấn khi tổng giá trị giao dịch cả 3 sàn gần 30.000 tỉ đồng, tăng gần 30%. Riêng HoSE hơn 26.292 tỉ đồng.

2 sàn còn lại, HNX-Index và UPCoM-Index cùng xu hướng tăng điểm, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 3.000 tỉ đồng.

Giao dịch tích cực, sàn TP Hồ Chí Minh kết thúc phiên ngập sắc xanh khi có tới 433 mã tăng giá so với 64 cổ phiếu giảm điểm. Dường như từ khóa "tín phiếu" đã bớt gây áp lực tâm lý nhà đầu tư.

Phân theo nhóm ngành phiên hôm nay, một loạt cổ phiếu công ty chứng khoán tăng trần như VIX, VCI, VDS, ORS.

Nhóm bất động sản, xây dựng, hóa chất cũng gây chú ý khi DGC, VGC, và CTD đều "tím ngắt" với mức tăng xấp xỉ 7%.

Ngoài EIB ở vùng giá tham chiếu, các mã ngân hàng khác cũng đều tích cực. Nhìn chung, mức tăng ở các mã lớn như FPT, MWG, MSN, GVR… đã góp phần tích cực vào nỗ lực kéo điểm.

Trong nhóm VN30, duy nhất một cổ phiếu màu đỏ là VJC của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet Air.

Ngược với sự hưng phấn của nhóm cá nhân, khối ngoại hôm nay tiếp tục gia tăng bán ròng mạnh với hơn 447 tỉ đồng, tập trung bán VNM, VND, GEX.

Tỉ giá sẽ không quá đáng ngại?

Ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở, với tổng khối lượng gần 15.000 tỉ đồng, kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,4%/năm. Lũy kế khối lượng hút ròng đạt 30.000 tỉ đồng.

Thông tin tín phiếu vừa qua đã phản ánh vào diễn biến thị trường chứng khoán, nhưng với đà tăng tích cực hôm nay, tâm lý nhiều nhà đầu tư như được "cởi bỏ".

Trong báo cáo chiến lược tháng 3 này, khối phân tích Chứng khoán TPS nhận định tỉ giá tăng chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu tăng khi xuất khẩu phục hồi và nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng trong Tết.

Tỉ giá tăng cũng do ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý lo ngại Fed sẽ kéo dài thời gian cắt giảm lãi suất dẫn đến hiện tượng giữ USD tác động tới tỉ giá trên thị trường tự do, theo TPS.

Ngoài ra, còn có những tác động khác từ chênh lệnh lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam từ giữa 2022. Việc giá vàng trong nước tăng mạnh do nhu cầu tăng khiến các tiệm vàng tư nhân cũng tăng cường việc nhập khẩu vàng, từ đó gây áp lực lên tỉ giá tự do.

Tuy nhiên theo quan điểm của TPS, tỉ giá sẽ không quá căng thẳng như trước đây vì được hỗ trợ bởi một số yếu tố. Chẳng hạn như nguồn ngoại tệ của Việt Nam hiện nay vẫn khá dồi dào, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong những tháng đầu năm khá thấp.

Chưa kể Việt Nam duy trì được 4,72 tỉ USD xuất siêu, đây là mức khá cao so với những năm trước (năm 2023: xuất siêu 2,8 tỉ USD, 2022: nhập siêu 937 triệu USD, 2021: xuất siêu 1,29 tỉ USD).

T.H (theo Tuổi trẻ)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chứng khoán ngập "xanh tím", nỗi lo đè nặng tâm lý nhà đầu tư được xua tan?