Nỗi lo mất việc ở kỷ nguyên số

15/11/2017 11:15

Số liệu được dẫn trên bàn nghị sự rất đáng lo ngại, cứ 5 đầu việc thì có tới 3 đầu việc có thể bị thay thế bằng máy móc trong thập kỷ tới. Điều đó đồng nghĩa sẽ có 3/5 lao động bị mất việc.

Tương lai việc làm và tác động tới thị trường lao động trong kỷ nguyên số là một trong những chủ đề được bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 đã đưa ra những xu hướng phát triển của công nghệ tự động hóa và những giải pháp nhằm từng bước thu hẹp trình độ phát triển giữa các thành viên.

Không thể phủ nhận công nghệ tự động hóa có những tác động tích cực trong việc nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống cho con người. Tuy nhiên, một trong những mặt trái của nó là hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm. Tiến bộ công nghệ do người máy, máy tính và số hóa; toàn cầu hóa, sản xuất và công việc ngày càng chuyên môn hóa; các mối quan hệ việc làm và sự gia tăng việc làm dễ bị tổn thương với sự chênh lệch về giới trong thị trường lao động... là những thách thức không nhỏ về việc làm mà các nền kinh tế thành viên APEC phải đối mặt.

Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy tại nhiều quốc gia, công nghệ tự động hóa đang được mở rộng ở những ngành nghề sử dụng nhiều lao động. Đã có không ít người bị mất việc khi các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa, không cần tới lao động chân tay.

Số liệu được dẫn trên bàn nghị sự rất đáng lo ngại, cứ 5 đầu việc thì có tới 3 đầu việc có thể bị thay thế bằng máy móc trong thập kỷ tới. Điều đó đồng nghĩa sẽ có 3/5 lao động bị mất việc.

Lâu nay, Việt Nam được biết đến là quốc gia có thị trường lao động dồi dào, giá nhân công rẻ, làm việc dây chuyền, tay nghề thấp. Theo Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có khoảng 54 triệu lao động, nhưng trong số đó có 70% là lao động giản đơn. Thật đáng lo ngại là tại các khu công nghiệp, phần lớn người lao động chưa có khái niệm gì về cách mạng công nghiệp 4.0. Họ không nhận biết thời cuộc đang thay đổi, máy móc đang dần thay thế con người và cánh cửa thất nghiệp đang mở ra trước mặt nếu họ không tự vận động, nâng cao kỹ năng nghề.

Chắc chắn rằng bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, áp lực về năng suất lao động và áp lực về việc làm sẽ buộc người sử dụng lao động, người lao động đều không thể xem thường việc đào tạo và nâng cao khả năng thích ứng với yêu cầu của công việc.

Tuy nhiên, một mâu thuẫn đang tồn tại là đa số doanh nghiệp cần lao động có tay nghề cao, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng hào hứng với công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Thực tế cho thấy lao động tại các khu công nghiệp phần lớn là lao động nông nghiệp, nhiều người chưa từng được đào tạo nghề. Trong khi đa phần các doanh nghiệp đều không muốn bỏ tiền để đào tạo nghề cho người lao động. Có doanh nghiệp chỉ chú trọng tuyển dụng công nhân ít kỹ năng, thậm chí không có kỹ năng, sau đó tự mở các lớp tập huấn nhằm tiết kiệm chi phí.

Không riêng Việt Nam, vấn đề thiếu lao động có kỹ năng cũng là thách thức đối với các thành viên APEC trong việc thực hiện cải cách cơ cấu, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực và phục hồi thị trường. Bởi vậy, đại diện một số nền kinh tế APEC cho rằng việc hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, giảm thời gian kết nối cung cầu lao động đang là yêu cầu đặt ra trong thời đại bùng nổ công nghệ mới.

Giải quyết vấn đề này, theo một số chuyên gia, ngoài những chính sách vĩ mô của Nhà nước, cần có những nghiên cứu để chỉ ra nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng lĩnh vực để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cần khuyến khích lực lượng lao động trẻ chủ động học tập nâng cao tay nghề để thích ứng với công việc và có cơ hội tìm việc làm mới. Đây cũng là giải pháp để thích nghi với những thay đổi trong thế giới việc làm và giảm những tác động tiêu cực từ kỷ nguyên công nghệ số.


YẾN NHI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo mất việc ở kỷ nguyên số