Phong trào "nói không" với thủy điện đã rộ lên, khi mới đây Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của chủ dự án Nhà máy thủy điện Thượng Nhật.
Trước đó hai ngày, tỉnh Quảng Nam cũng thu hồi quyết định cho một doanh nghiệp thuê hơn 31.000m2 đất để xây dựng thủy điện Đắk Di 2 ở ngay điểm "nóng" sạt lở Trà Leng. Trước đó, Nghệ An cũng loại khỏi quy hoạch 15 dự án thủy điện vừa và nhỏ với lý do "hiệu quả thấp".
Những động thái trên được dư luận đánh giá cao bởi Thừa Thiên Huế hay Quảng Nam xưa nay là "rốn" lũ và cụm từ thủy điện như "ác mộng" luôn xướng lên mỗi khi lũ dâng.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang "khát" điện, việc bổ sung nhiều nguồn điện khác nhau sẽ góp phần thỏa cơn khát này. Cũng chính vì điện, 10 năm trước nhiều địa phương đã trải thảm mời gọi đầu tư. Khúc sông nào có độ dốc, sông nào có lưu vực đủ lớn... tất cả đều được đưa vào quy hoạch. Phong trào khai thác "vàng trắng" rộ lên, không ít dự án đã bỏ qua những khuyến cáo về môi trường.
Thế nhưng sau khi đi vào khai thác, đóng góp cho ngân sách từ các thủy điện quá nhỏ bé so với hệ lụy mà nó gây ra. Dân tình ca thán, chính quyền phải huy động cả công an mới "trị" được, như thủy điện Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế) mới đây... Điều tất yếu phải đến, nhiều nơi phải "nói không" với những thủy điện tai tiếng.
Thế mới thấy công tác quản lý, quy hoạch... toàn những việc đòi hỏi phải nhìn xa, trông rộng, phải biết đặt ra thứ tự ưu tiên, trước - sau. Trong phát triển kinh tế địa phương, trong đó có thủy điện, quyền lợi của người dân phải được đặt lên hàng đầu, như suy nghĩ của ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ, còn phải nhìn xa. Có vậy mới không cho những thủy điện tai tiếng có cơ hội xuất hiện. Chính quyền cũng không phải tốn công sức "dọn dẹp" hay khắc phục hậu quả do những dự án này xâm hại đến thiên nhiên và người dân.
Sự đánh đổi ấy rất lớn. Chắc chắn nhiều người sẽ tiếc nuối nếu con thác 5 tầng - danh lam nức tiếng ở huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) do ảnh hưởng của thủy điện Đắk R’keh sẽ khô nước định kỳ đúng dịp "mùa con ong đi lấy mật" của Tây Nguyên.
Nếu dự án này triển khai, mỗi năm ngân sách tỉnh Đắk Nông có thêm 4 tỉ đồng thuế. Hình ảnh thác 5 tầng tuyệt đẹp chỉ còn trong ký ức vì 4 tỉ đồng, chẳng ai tin được. Dù rằng chủ đầu tư cam kết sẽ duy trì nguồn nước cho thác ấy, nhưng mấy ai tin mọi thứ sẽ không thay đổi. Đó là sự đánh đổi bất cân xứng, nhìn trước mắt quên lâu dài, chưa quan tâm đến quyền lợi của người dân.
Bài học của sự đánh đổi bất cân xứng đã rành rành, có thể kể ra như Thượng Nhật, Đắk Di 2 hay Đắk R’keh... Đòi hỏi công tác quản lý, thông qua quy hoạch phải nhìn xa, trông rộng là vì thế. Vậy ngay khi quy hoạch, ngay từ đầu "nói không" có khó không? Sẽ rất khó nếu không xác định thứ tự ưu tiên: vì kinh tế, vì nhà đầu tư, hay vì môi trường, vì thiên nhiên và trên hết là vì người dân. Ngược lại, nếu nhìn dân, nhìn thiên nhiên, mong muốn giữ ngọn thác 5 tầng, giữ môi trường sống cho dân, "nói không" đâu khó.
ĐĂNG NAM